Sau khi tốt nghiệp Đại học, mình kết hôn luôn và làm thủ tục sang Séc đoàn tụ với chồng, đến nay cũng hơn 4 năm rồi. Sống ở bên này, thời gian đầu mình nhớ nhà đến nao lòng, lúc nào cũng nước mắt trực tràn nhưng rồi sau thành quen và đâm ra cảm mến con người, thiên nhiên và khí hậu nơi đây. Người Séc và văn hóa Séc, tất nhiên là khác Việt Nam nhiều lắm. Nhưng cái mình thấy rõ rệt nhất là cách họ nuôi dạy trẻ con.
Nuôi con ở Séc gần như 'free' (miễn phí) 4 năm đầu đời
Nếu như ở Việt Nam, sinh con, các ông bố bà mẹ quay cuồng lo đủ khoản chi thì ở Séc gần như không cần lo chuyện tiền nong trong 4 năm đầu đời của bé vì đã có trợ cấp hàng tháng. Khoản trợ cấp ấy nếu chi tiêu hợp lý sẽ đủ cho bé. Tính ra bố mẹ Séc nuôi con gần như không tốn đồng nào. Sự khác biệt này có thể do văn hóa và nền tảng kinh tế phát triển không giống nhau hình thành nhưng bản thân mình thấy thực sự là may mắn khi định cư, sinh đẻ và nuôi dưỡng con ở đây. Hơn nữa, bé có bố hoặc mẹ cư trú vĩnh viễn bên này theo dạng Trlvali thì việc khám chữa bệnh được chi trả miễn phí hoàn toàn theo bảo hiểm y tế của bố hoặc mẹ
Khủng Long được bác sĩ khuyến khích ra ngoài chỉ 1 tuần đầu sau sinh. Trộm vía, bây giờ bé khỏe mạnh và sức đề kháng tốt
Một điểm khác biệt rất rất lớn nữa là người Séc họ không ‘ủm’ con kỹ như dân Việt mình. Sau sinh, các bà mẹ Séc không kiêng 3 tháng 10 ngày mà cho con ra ngoài chơi từ rất sớm. Như hồi mình sinh bé Khủng Long vào giữa tháng 10, tiết trời đã chuyển đông và có tuyết rơi nhưng chỉ 1 tuần sau sinh, bác sĩ đã khuyên nên đưa ra ngoài đi dạo mỗi ngày 15-30 phút để bé quen khí hậu và dạn hơn. Khi mình làm theo lời khuyên đó thì bạn bè và người thân ở Việt Nam rất ‘choáng’. Hết người này đến người kia gọi điện sang trách ‘không kiêng cho bé kỹ, đến lúc viêm hô hấp mới sáng mắt ra’. Mình nghe cũng lo nhưng vẫn kiên trì đều đặn cho bé ra ngoài để tiếp xúc và làm quen với môi trường xung quanh. Trộm vía, bé nhà mình hiện tại sức đề kháng rất tốt. Âm 5 độ C vẫn thoải mái đi dạo với mẹ mà chẳng bị ho hen, ốm đau gì.
Ở Séc, chuyện đẩy một em bé sơ sinh mấy ngày tuổi đi dạo, đi siêu thị là quá bình thường. Tất nhiên, các bà mẹ cũng rất cẩn thận mặc ấm cho bé khi ra ngoài. Khi trời nắng ấm, bé cũng được thường xuyên cho phơi nắng,đi bơi.
Thêm nữa, mẹ Séc cũng cực kỳ coi trọng việc cho con bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời (điểm này giống người Việt mình!). Điều này khiến mình khá bất ngờ vì trước đó cứ nghĩ ở một đất nước kinh tế phát triển thế này thì chắc việc nuôi còn bằng sữa mẹ là hiếm lắm. Ai ngờ…! Mình có một số bạn người Séc vừa là hàng xóm, vừa là khách hàng đang nuôi con nhỏ. Khi mình và cô bạn đang cùng cho con chơi với nhau nhưng đến giờ con đói, cô bạn người Séc vô tư vạch áo lên cho ti,mặc kệ xung quanh có nhiều người lạ. Cô bạn mình nói rằng đây là điều tốt đẹp, không có gì phải ngại cả.
Trẻ em Séc được rèn tự lập ‘từ trong trứng’
Có thể một số mẹ Việt sẽ thấy lạ và mắng ‘mẹ gì mà ác thế’ khi thấy mẹ Séc cho con mới mấy ngày tuổi ra ngủ cũi riêng. Người Việt mình cứ quan niệm, con bé phải ngủ chung với bố mẹ chứ người Séc thì không. Họ cho con ‘ra riêng’ từ khi mới lọt lòng và tầm 8 tháng là đã được rèn cho cách tự ngủ ngoan rồi. Khi con la hét, thay vì cuống lên bế bồng, nựng nịu luôn thì mẹ Séc sẽ yên lặng nghe ngóng và dành cho bé 4-5 phút để tự ru ngủ trở lại. Chỉ khi tình hình có vẻ diễn biến căng thẳng hơn, họ mới chạy lại bế con và vỗ về. Thế nên chuyện ngủ nghê của trẻ không gây chút áp lực nào với mẹ Séc.
Nếu mẹ Việt muốn 'nhàn hạ' và 'huấn luyện' con theo cách này thì phải 'ác' một chút. 'Ác' ở đây không có nghĩa là con khóc mẹ 'bơ' đi, như thế là nhẫn tâm. Cái 'ác' mình muốn nói là nghiêm khắc với chính bản thân và sự kiên định trong phương pháp để 'uốn' con thành công.
Còn chuyện ăn dặm, mẹ Séc ‘thiết quân luật’ ngay từ đầu. Không ăn rong, không bế đút, không tivi, không hát làm trò… mà họ đặt con vào ghế ngồi ăn ngay ngắn và sẽ dùng bữa chung với các thành viên khác trong gia đình từ đầu tới cuối. Về cơ bản, cách người Séc cho con ăn giống phương pháp BLW (Baby Led Weaning) nghĩa là bé được khuyến khích tự giác ăn uống. Vì vậy, không có gì lạ khi một bé người Séc mới chưa đầy 1 tuổi đã tự ngồi xúc bánh kem ăn và mặt mũi, quần áo lem nhem dính đầy bánh. Được thử đồ ăn bằng '5 quân' (5 ngón tay) nên bé sẽ thích thú và ăn uống ngon miệng hơn. Thế nên ở Séc, cảnh con khóc mẹ vẫn ép ăn không bao giờ có.
Học cách người Séc 'thiết quân luật' với con ngay từ ngày đầu ăn dặm nên bây giờ bé Khủng Long nhà mình ăn uống ngoan lắm
Điều khiến mình ngưỡng mộ các bà mẹ Séc hơn cả là việc rèn con làm ‘chân sai vặt’ từ sớm rất tốt. Khi trẻ bắt đầu biết nhận thức (khoảng 1 tuổi trở lên), mẹ Séc sẽ khuyến khích và dạy con làm những việc đơn giản như bỏ rác vào thùng, tự dọn đồ chơi… lớn hơn chút nữa thì dạy tự đi giày, tự sắp xếp đồ đạc khi đi chơi… để bé cảm thấy mình đã lớn và hình thành ý thức trách nhiệm. Mình có ‘học lỏm’ cách này để áp dụng với con mình và thành công ngoài sức tưởng tượng. Khủng Long bây giờ mỗi lần mẹ thay bỉm xong biết tự động cầm bỉm bẩn vứt vào thùng rác, ăn cơm xong biết đẩy bàn ăn vào góc nhà rất gọn gàng…
Chị Lê Bích Thủy và con trai
Mẹ Séc không phạt con bằng cách đánh đòn
Nếu như nhiều mẹ Việt quan niệm ‘yêu cho roi cho vọt’, kỷ luật có nghĩa là trừng phạt thì mẹ Séc không nghĩ thế. Với họ, kỷ luật là cách dạy trẻ tích cực nhằm giúp đỡ và hỗ trợ con dần dần tự điều khiển được hành vi của bản thân. Trừng phạt chỉ là phản ứng thể hiện sự bất lực khi cha mẹ chứng kiến hoặc phải gánh vác trách nhiệm lỗi lầm mà trẻ đã gây ra.
“Ở Séc đánh con có thế bị phạt tù”, một người bạn Séc của mình chia sẻ. Mẹ Séc không quát tháo, hò hét, mắng chửi hay ‘găng lên’ với con khi chúng hư mà sẽ cho con một vài ‘phút riêng tư’ để suy nghĩ. Ví dụ, cô bạn Séc của mình sẽ phạt con đứng góc tường hoặc yêu cầu con vào phòng tự khóa cửa lại và nghĩ về những lời nói vô lễ hay việc làm sai trái của mình khoảng 5-10 phút. Hết 5-10 phút thì việc trò chuyện với trẻ mới được khởi động lại. Khi này, mẹ Séc sẽ đổi vai từ vị trí cao xuống làm bạn với con để nói cho con biết sai ở đâu và cần cư xử như thế nào cho đúng.
Cách phạt con của các bà mẹ Séc tưởng nhẹ nhàng dễ phản tác dụng nhưng không ngờ hiệu quả hay bất ngờ.
Chia sẻ của chị Lê Bích Thủy (hiện đang định cư và làm việc ở Cộng hòa Séc)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet