Cho con uống nước lọc
Nhiều bà mẹ thường có thói quen cho con bú sữa và tráng miệng bằng vài thìa nước lọc để... sạch miệng. Tuy nhiên theo các chuyên gia nhi khoa, trẻ dưới 6 tháng tuổi chỉ cần bú sữa mẹ là đầy đủ chất dinh dưỡng, tuyệt đối không cho uống thêm nước lọc. Nếu cố tình uống có thể gây hại cho bé.
Nước lọc có thể làm cản trở sự hấp thụ chất dinh dưỡng trong sữa mẹ và sữa công thức ở trẻ sơ sinh, từ đó dẫn đến trẻ còi cọc, chậm tăng cân.
Ngoài ra, nước lọc còn làm loãng nồng độ natri trong cơ thể bé, gây thiếu hụt natri, nhiễm độc nước, thậm chí có thể dẫn đến co giật và hôn mê.
Tưa lưỡi cho con bằng mật ong
Thấy con xuất hiện nhiều đốm trắng trên lưỡi, nhiều bà mẹ liền lấy mật ong để tưa lưỡi vì theo một số quan niệm dân gian, mật ong có thể làm sạch phần đốm trắng ở lưỡi trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, thực tế việc này cực kì gây hại. Trong mật ong có chứa một loại độc tố botulium, tác động lên dây thần kinh cơ, gây liệt. Nếu ngộ độc nặng có thể tử vong.
Trẻ dưới 1 tuổi (đặc biệt dưới 6 tháng) hệ thống tiêu hóa, đường ruột còn non nớt dễ có nguy cơ ngộ độc cao với độc tố này.
Do vậy không được cho bé dùng mật ong cũng như đánh tưa bằng mật ong.
Để làm sạch phần đốm trắng trên lưỡi, mẹ không nên cạo vì như thế có thể gây chảy máu, dẫn đến nhiễm trùng. Tốt nhất là nên dùng gạc thấm nước muối sinh lý rồi xoa nhẹ lên lưỡi cho bé.
Pha sữa cho con bằng nước khoáng
Trung bình trong 1 lít nước khoáng có khoảng 11 – 17 mg canxi, 95 – 130 mg natri… Nhiều phụ huynh cho rằng dùng nước khoáng để pha sữa càng làm tăng lượng dinh dưỡng bổ sung cho con, như thế... càng tốt.
Tuy nhiên, mẹ có biết thành phần một số chất khoáng có trong 100 ml sữa mẹ, 100 ml các loại sữa bột được pha từ nước đun sôi để ấm khoảng 40 độ C và 1 chén (bát) bột đủ chất dinh dưỡng (khoảng 200 ml gồm: 20 g bột gạo, 20 g thịt, 20 g rau, 5 g dầu ăn, không nêm muối hay nước mắm).
Như vậy, việc dùng nước khoáng để pha sữa thực chất càng làm gia tăng tình trạng dư thừa chất dinh dưỡng, cụ thể là canxi. Thừa canxi có thể dẫn đến táo bón, sỏi thận, canxi huyết cao, thận làm việc kém hiệu quả, giảm hấp thu các chất khoáng khác (sắt, kẽm, magie); thừa natri cơ thể sẽ mệt mỏi, khát nước, khô tế bào, lâu dài dẫn đến bệnh cao huyết áp…
Bế con hoặc cho con nằm võng và rung lắc mạnh
Bế con và đung đưa hoặc tung hứng trẻ lên cao chính là một trong những thói quen nô đùa của nhiều cha mẹ Việt với con cái. Tuy nhiên, hình thức nô đùa này đem đến nhiều hệ lụy cực nguy hiểm.
Rung lắc mạnh có thể khiến trẻ rơi vào hội chứng bị rung lắc dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn, thậm chí là tử vong.
Ủ ấm quá kĩ cho con khi bị sốt
Khi bị sốt không những trẻ nhỏ mà cả người lớn đều có biểu hiện ban đầu là ớn lạnh. Chính vì thế nhiều bà mẹ có con lần đầu thường vội vàng quàng khăn, mặc áo cho con khi bị sốt. Tuy nhiên, quan niệm chăm con này cũng hoàn toàn sai lầm.
Nếu trẻ sốt ở nhiệt độ khoảng 38-38, 5 độ C là hoàn toàn bình thường, trẻ có thể chịu đựng được. Sốt cao (từ 39 - 40 độ C trở lên) trong thời gian dài có thể làm bé bị co giật, dẫn đến thiếu oxy não. Nhiều bé có hệ thần kinh rất nhạy cảm, chỉ cần sốt trên 38 độ C là đã bị làm kinh (co giật).
Việc mặc thêm quần áo cho con chỉ khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao, mồ hôi trong người không thoát được ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp và phổi.
Do vậy, các bà mẹ cần nhanh chóng cởi bỏ quần áo, dùng thuốc hạ sốt, lau mát hạ sốt, cho trẻ bú hoặc uống nhiều nước và đưa đến cơ sở y tế.
Nêm thêm mắm muối vào đồ ăn dặm cho con
Không chỉ các ông bà xưa mà nhiều mẹ Việt hiện nay cũng cho rằng thức ăn dặm không nêm mắm muối thì sợ con nhạt miệng, mất ngon và bỏ bữa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc nêm mắm muối vào đồ ăn dặm cho con là không cần thiết.
Thứ nhất, hệ thống thận của trẻ sơ sinh (dưới 12 tháng tuổi) chưa hoàn thiện và khá yếu ớt. Hấp thụ quá nhiều thận trong thời gian ăn dặm sẽ gây hại thận của bé.
Thứ hai, thực phẩm ăn dặm thông thường của trẻ như rau củ quả, sữa mẹ, sữa công thức đã bao gồm đủ lượng muối cần thiết. Nêm thêm mắm muối chỉ khiến dư thừa lượng muối gây hại cho sức khỏe, ngoài ra còn tạo cho bé thói ăn mặn khi lớn lên.
Cho con nằm gối
Hầu hết chị em đều cho rằng người lớn nằm gối mới dễ ngủ và trẻ nhỏ cũng thế, không có gối sẽ rất khó ngủ. Tuy nhiên, quan niệm này theo khoa học là hoàn toàn sai lầm.
Thứ nhất, làn da nhạy cảm và mềm yếu của trẻ rất dễ dị ứng với những loại gối được làm từ chất liệu không đảm bảo.
Thứ hai, kể cả gối cao hoặc gối thấp đều ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển cơ thể và giấc ngủ của bé. Tư thế nằm lệch, gối không đủ chất lượng… có thể khiến trẻ bị chứng bẹp đầu, xương đầu bị méo.
Mới sinh, xương đầu của bé vẫn còn rất mềm nên nếu gối quá lâu, xương sẽ bị biến dạng theo tư thế nằm. Hơn nữa, xương sống của trẻ lúc mới sinh là đường thẳng, tức là đầu và lưng phải thẳng với nhau nên khi gối đầu, cổ sẽ bị quẹo, xương sống bị thay đổi hình dạng, ảnh hưởng đến sự phát triển xương sống của trẻ và nguy cơ dị tật xương sống ở trẻ là rất cao.
Nếu muốn kê cao đầu cho con mẹ chỉ nên dùng một chiếc khăn mềm thật mỏng và sử dụng gối khi con trên 2 tuổi.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet