Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, hiện nay ở nước ta số lượng trẻ được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ đang tăng mạnh từng năm với số lượng khoảng 20.000 trẻ được phát hiện mắc chứng bệnh này. Theo nhận định của các chuyên gia y tế, trẻ tự kỷ thường có những biểu hiện như: ít giao tiếp với người xung quanh, chậm nói, chậm nhận thức, lạnh lùng, ngại nhìn mọi người, kém ăn, khó ngủ, quấy khóc, có những hành vi khác thường không giống như những đứa trẻ khác như nói một mình, múa một mình, có trẻ thì tăng động…
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ tự kỷ ngày càng gia tăng, BS Quách Thị Minh (Nguyên trưởng khoa Tâm bệnh – Bệnh viên Nhi Trung ương) cho biết, điều kiện khí hậu, môi trường ô nhiễm, thức ăn nhiễm hóa chất cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Bên cạnh đó, tình trạng trẻ tự kỷ được thăm khám và điều trị muộn gia tăng trong thời gian qua là do các bậc phụ huynh lơ là, chủ quan, thiếu kiến thức về bệnh tự kỷ, dẫn tới bỏ qua giai đoạn can thiệp vàng (trước 2 tuổi), ảnh hưởng tới tương lai của trẻ.
Hiện nay có không ít phụ huynh đang hiểu lầm về nguyên nhân gây bệnh tự kỷ ở trẻ.
Nói về vấn đề này, BS Nguyễn Khắc Dũng (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương – Hà Nội) cho biết, nhiều người thường nhầm lẫn khi cho rằng, trẻ mắc bệnh tự kỷ là do việc giáo dục con cái, do tiêm vắc xin hoặc chế độ ăn uống…Tuy nhiên, những nhận định trên đã được khoa học chứng mình không liên quan đến bệnh tự kỷ, đó chỉ là sự đồn thổi hoặc suy diễn của một số người.
Theo đó, quan điểm trẻ tự kỷ là do sự thiếu quan tâm của cha mẹ được đưa ra vào những năm 60. Tuy nhiên, khoa học hiện đại đã bác bỏ điều này, hành vi của cha mẹ không gây ra chứng tự kỷ.
Thời gian gần đây, một số luồng thông tin cho rằng, trẻ mắc bệnh tự kỷ là do vắc xin. Đây là quan điển hết sức phản khoa học, đã có hàng ngàn những nghiên cứu được tiến hành, không có mối liên quan giữa vắc xin và bệnh tự kỷ. Việc mù quáng tin theo giả thuyết này chỉ làm tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh do không được tiêm phòng vắc xin.
Ngoài ra, quan điểm trẻ mắc bệnh tự kỷ do ăn sữa bột, bú bình …cũng không có cơ sở khoa học. Theo đó, sữa mẹ là tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Theo các nghiên cứu trên trẻ bị tự kỷ thì nhóm trẻ bú sữa mẹ và sử dụng sữa bột là ngang nhau. Các kết quả thống kê không cho thấy mối tương quan giữa việc sử dụng sữa bột và tự kỷ.
Theo các bác sĩ, để sớm phát hiện và điều trị bệnh đạt hiệu quả cao nhất, thì điều kiện đầu tiên đó chính là các bậc phụ huynh cần phải trang bị cho mình những kiến thức cơ quan nhất về căn bệnh này khi nuôi con, để tránh tình trạng hiểu lầm nguyên nhân gây bệnh, từ đó không có biện pháp can thiệp kịp thời.
Bệnh tự kỷ nếu được phát hiện và can thiệp sớm có thể giúp trẻ cải thiện khả năng giao tiếp xã hội, phần nào giúp trẻ sau khi lớn lên có thể tự phục vụ một phần cho bản thân. Bên cạnh đó, việc khám bệnh giúp loại trừ những bệnh lý có biểu hiện giống tự kỷ như: động kinh, hội chứng tăng động- giảm chú ý … Giúp trẻ ổn định bệnh và hòa nhập cộng đồng.
Khi trẻ xuất hiện những triệu chứng như: 12 tháng tuổi, trẻ không bập bẹ, bi bô; 12 tháng tuổi, trẻ không ra hiệu, làm điệu bộ như vẫy tay, chỉ trỏ với đồ chơi… 16 tháng tuổi, trẻ không nói được từ nào; 2 tuổi, trẻ không nói được câu ngắn nào đáp trả…thì phụ huynh cần phải đưa trẻ đi khám, bởi đây là những dấu hiệu ban đầu của bệnh tự kỷ.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet