Rất nhiều cha mẹ hỏi tôi làm thế nào để dạy con làm việc nhà . Tại sao mẹ dạy rất nhiệt tình mà bé vẫn không chịu khó làm việc nhà. Có một số nguyên tắc như sau để đảm bảo việc dạy dỗ đó thành công, các bố mẹ nên chú ý.
Ảnh: theasianparent.com |
1. Dạy con từ rất sớm
Càng dạy sớm, việc con làm càng nhanh chóng trở thành thói quen. Các con nên được bắt đầu với những nhiệm vụ khả thi đơn giản như bỏ rác vào thùng, đi "chợ" (sang nhà bác hàng xóm mua gói muối về chẳng hạn)...
2. Không chê bai nếu con làm không tốt
Khi con đã hào hứng làm mà các cha mẹ lại "dội nước đá" vào con thì cái niềm phấn khởi ấy sẽ nhanh chóng nguội tanh. Các cha mẹ nên khen ngơi con nhưng đừng khen quá đáng. Chỉ cần thái độ ngạc nhiên theo kiểu: "Ơ, con làm được à, ở tuổi con, mẹ chưa làm được đâu"... cũng đủ làm các bé vô cùng sung sướng và hãnh diện rồi.
3. Không trả tiền công cho con khi con làm việc nhà
Việc nhà là công việc chung, con cần đóng góp công sức vào đây. Công việc đó phải được chia đều cho mọi thành viên trong gia đình. Ai cũng cần có trách nhiệm.
Nếu bạn trả công cho con khi con làm việc nhà, con sẽ mặc định việc đó là của bố mẹ, khi con thích hoặc cần tiền thì con sẽ làm, không thì thôi. Càng về sau, khi cơn lười biếng dâng lên, con sẽ càng tức tối, khó chịu khi phải làm việc nhà. Đến lúc đó mọi lời dạy bảo trở nên đã quá muộn.
4. Đảm bảo tính công bằng trong khi giao việc
Bọn trẻ chẳng thích cái cảnh bị giao việc nhiều hơn người khác đâu. Vì thế khi giao việc cho con, tốt nhất nên đặt ra độ chục đầu mục công việc, yêu cầu mỗi thành viên trong gia đình chọn vài đầu mục. Cho con chọn trước, sau đó yêu cầu tất cả mọi người thực hiện cho đúng. Dĩ nhiên, cũng cần có chút trọng số trong việc giao việc này.
Ví dụ: Nếu bố cũng đi đổ rác và quét sân thì con sẽ không cảm thấy khó chịu khi rửa bát. Hoặc tối nay con rửa bát thì tối mai mẹ rửa. Giao khoán hẳn một công việc cho trẻ thường sẽ khiến trẻ ghét công việc và bực bội.
5. Giao quyền cho trẻ
Ở một số công việc nhà, khi con đã đủ lớn, cha mẹ có thể giao cho con quản hẳn việc đó như kiểu quản gia. Con có quyền chia sớt việc thành nhiều công đoạn nhỏ và giao cho mỗi người một phần, cách đó sẽ khiến con cảm thấy mình được tôn trọng và sẽ có trách nhiệm cao với công việc được giao.
Ví dụ: Chuẩn bị Tết, khi con đã lên cấp 2, mẹ có thể giao cho con việc lên kế hoạch sắm Tết. Mọi thứ nên được lập kế hoạch nghiêm chỉnh ra giấy, ghi tên người thực hiển rõ ràng.
Sau khi con làm xong, mẹ cho ý kiến chỉnh sửa, hỏi toàn bộ các thành viên trong gia đình. Sau đó cứ theo bản phân công mà làm và giao cho con làm tổng chi huy. Các cha mẹ đừng lo, lũ trẻ sẽ làm việc nghiêm túc và trách nhiệm lắm đấy.
6. Chia sẻ cùng con
Khi con lớn, việc nhà của con sẽ tăng dần. Các cha mẹ cần phải dành thời gian chia sẻ với con. Các công việc sẽ dần được chuyển giao toàn bộ cho chúng nhưng lâu lâu mẹ rửa bát hoặc quét nhà, phơi quần áo thì trẻ sẽ rất vui.
7. Ghi nhận
Ở mọi nơi mọi lúc, khi nói đến việc nhà là nhấn mạnh tầm quan trọng của con. Tuy con có lúc lười biếng nhưng chắc chắn chúng đóng góp công sức rất nhiều. Vì thế, nếu chúng cứ âm thầm làm mà không được ghi nhận thì chúng sẽ chóng oải thôi.
8. Kiên nhẫn
Cha mẹ hãy chấp nhận bát bị rửa bẩn (lúc này có thể đổi phong cách một chút như: tráng bát nước sôi trước khi ăn cho đảm bảo), hay nhà lau không sạch hoặc quần áo lâu không được giặt trong một thời gian đầu... Nếu lâu lâu con lên cơn lười, mẹ đừng lao vào làm giúp con ngay mà cần có chút đàm phán, nhắc nhở. Thỉnh thoảng phạt. Như vậy con sẽ hiểu trách nhiệm việc nhà và biết không thể thể ỉ lại vào mẹ được.
9. Về vấn đề trọng số
Các cha mẹ đồng ý rằng cũng phải có trọng số trong khi giao việc nhà. Ví dụ em bé thì biết gì mà giao việc, bé còn nhỏ quá thì chưa phải làm (bé dưới 2 tuổi). Điều này bọn trẻ con sẽ dễ dàng đồng ý.
Ở nhà tôi, người được quyền ưu tiên là ông. Ông già 82 tuổi vốn được bà chiều quen nên việc khó khăn nhất mà ông phải thực hiện trong ngày là đổ rác. Con tôi biết điều đó nhưng thỉnh thoảng nó lại trêu ông: "Ông ơi, quà mùng 8/3 năm nay là ông làm việc nhà hết nhé".
Cha mẹ lưu ý, đặt trọng số tùy sức khỏe và độ tuổi của các đối tượng, nhưng tuyệt nhiên không được phân biệt nam nữ - điều đó bất hợp lý và sẽ có nhiều hệ lụy. Chuyện trọng số là chuyện khá tế nhị, các cha mẹ phải khéo léo nói với con chứ đừng áp đặt, trẻ rất ghét khi có người được chơi trong lúc mình phải làm.
Tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương
Đại học Sư phạm Hà Nội
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet