Khi sinh con trai đầu lòng, chị Hoa (25 tuổi, Hải Phòng) tự nhủ nhất định sẽ cho con bú tới một tuổi. Nhưng mọi chuyện không diễn ra như ý. Sữa xuống không nhiều dù chị đã cố gắng cho con bú mỗi giờ. Cu Bon khóc ngặt nghẽo và luôn trong tình trạng đói sữa, cân nặng khi một tháng không bằng lúc mới sinh. Khi tư vấn bác sĩ, chị mới biết mình bị thiểu sản tuyến vú - nguyên nhân khiến cơ thể không sản xuất đủ sữa cho con.
Thiếu sữa tiên phát
Đa số các bà mẹ đều đủ sữa cho con bú nhưng vẫn có khoảng 5% phụ nữ không thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của con, ngay cả khi họ đã cho con bú đúng cách. Trường hợp này, các bà mẹ buộc phải bổ sung sữa công thức cho con.
Sau đây là một số nguy cơ dẫn tới thiếu sữa tiên phát ở các bà mẹ:
- Sót rau thai sau sinh không được chẩn đoán.
- Từng phẫu thuật vú, nhất là nếu thủ thuật này được thực hiện qua đường rạch quanh quầng vú.
- Từng sinh thiết cắt bỏ khối u ở vú, dẫn lưu áp xe vú, phẫu thuật thu nhỏ vú và một số trường hợp phẫu thuật nâng ngực.
- Bầu vú không phát triển hoặc phát triển không đáng kể trong thời gian mang thai. Trường hợp này người mẹ có thể bị thiểu sản tuyến vú - mô vú thuyên giảm đáng kể ở một hay cả hai bên ngực.
- Bầu ngực không căng sau khi sinh con.
- Mắc bệnh nặng như nhiễm trùng, cao huyết áp...
Ảnh minh họa: Unicefeapro.blogspot.com. |
Thiếu sữa thứ phát
Thiếu sữa thứ phát phổ biến hơn rất nhiều so với thiếu sữa tiên phát. Ban đầu sữa được sản xuất đầy đủ nhưng sau đó lượng sữa giảm sút rất nhanh do xuất hiện một số trở ngại trong việc cho con bú, xuất phát từ phía mẹ hoặc con. Có thể phòng tránh thiếu sữa thứ phát nếu nhận biết kịp thời các trở ngại và có biện pháp kích sữa và giải phóng bầu vú hiệu quả.
Nguyên nhân từ mẹ:
- Cương tức tuyến vú hậu sản không được xử lý.
- Cho con bú không thường xuyên và không hiệu quả.
- Đau núm vú.
- Tách mẹ và con.
- Hạn chế năng lượng trong khẩu phần ăn của mẹ.
Nguyên nhân từ con
- Trẻ sinh non hay nhẹ cân.
- Dị tật bẩm sinh ở miệng.
- Giảm hoặc tăng trương lực cơ, bệnh lý tim mạch hay hô hấp.
- Trẻ hay ngủ, không thèm ăn.
- Tăng bilirubin máu - nhất là vàng da cần điều trị bằng liệp pháp ánh sáng.
- Lạm dụng núm vú.
- Trẻ sơ sinh ngủ dài hơn 5-6 giờ về đêm.
- Trẻ được bổ sung đều đặn sữa công thức hay nước đường.
Khắc phục tình trạng mẹ thiếu sữa
- Tuân thủ các hướng dẫn về kỹ thuật cho con bú, chú ý tư thế bế và cách bé ngậm bắt vú.
- Cho bé bú ít nhất 10-12 lần mỗi ngày.
- Nếu bé không thể bú, mẹ cần vắt sữa và cho con dùng lượng sữa được vắt ra này.
- Cho bé bú từ cả hai bầu sữa trong mỗi cữ bú và chuyển từ bên này sang bên kia để đánh thức trẻ nếu cần.
- Yêu cầu các thành viên trong gia đình giúp làm các việc vặt để mẹ có thể tập trung cho con bú, đặc biệt là trong những ngày đầu tiên.
- Nếu bé bú yếu và không nhận được đủ sữa mẹ, nên dùng máy hút sữa để duy trì nguồn sữa mẹ. Sau mỗi lần cho con bú, bạn nên dùng máy hút sữa trong vòng 10-15 phút và nếu được thì dùng hệ thống hút đồng thời từ cả hai bên bầu vú. Phương pháp này giúp kích thích bài tiết prolactin, hoóc môn sản xuất sữa. Sữa cuối bữa giàu chất béo và năng lượng này có thể dùng để bổ sung cho bé trong những cữ bú sau, giúp gia tăng cơ hội trẻ nhận đủ sữa mẹ, không cần bổ sung sữa công thức.
Bác sĩ Trần Thu Thủy
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet