1. Dạy con kỹ năng thoát hiểm
Bé ở nhà một mình an toàn là điều mà bất kể cha mẹ nào cũng phải dạy con cho bằng được. Khi con lớn lên, cha mẹ sẽ không thể có thời gian giám sát con suốt ngày đêm. Dạy con các kỹ năng thoát hiểm và cách phòng tránh tai nạn trong nhà là việc quan trọng hàng đầu. Hỏa hoạn, ngập lụt, động đất... là những dạng tai họa mà không ai có thể nói trước. Dạy con cách ứng phó từ bây giờ để con biết cách thoát ra. Đặc biệt, cha mẹ cần khẳng định với con: “Không có gì quý hơn chính bản thân con”. Vì thế, con không cần mang theo bất kể cái gì khi thoát ra. Con cũng không cần cứu ai trước khi cứu chính con. Khi nào thoát ra ngoài rồi, con cần phải kêu cứu. Nếu bé nào cũng biết điều đó thì tỷ lệ tử vong do các thảm họa gây ra sẽ giảm tới mức tối thiểu.
2. Dạy con kỹ năng sử dụng các vật dụng nguy hiểm
Trong nhà ai cũng có vô khối các vật dụng nguy hiểm như dao, kéo, kim… Khi người lớn không có mặt, đám trẻ có thể lôi mấy thứ đó ra chơi và sẽ gây hại cho chính chúng và người khác. Dạy con sử dụng đúng cách, không gây sát thương cho bản thân và người khác là việc mà cha mẹ cần quan tâm ngay từ khi con mới 4, 5 tuổi. Dạy con làm từ từ từng việc một và dưới sự quan sát của cha mẹ sẽ giảm thiểu tác hại. Sau đó, các cha mẹ có thể hoàn toàn yên tâm về kỹ năng này của con.
Ngay từ khi con 4, 5 tuổi, mẹ đã có thể hướng dẫn con sử dụng một số đồ dùng như dao kéo. Ảnh: blogspot.com |
3 . Dạy con làm việc nhà
Với suy nghĩ “Việc nhà là việc vặt, đã có người giúp việc lo”, nhiều cha mẹ đã bỏ qua phần giáo dục siêu quan trọng này. Chưa tính đến việc cha mẹ bỏ qua lợi ích của những công việc nhỏ nhặt mà chỉ nói đến khả năng thích ứng trong mọi hoàn cảnh, con kém hẳn so với các bạn. Khi cha mẹ đi vắng, thay vì phải canh cánh lo quay về để chuẩn bị bữa ăn cho con, cha mẹ có thể yên lòng vì con biết làm mọi thứ rồi. Đó là lợi thế đầu tiên của kỹ năng này.
Ngoài ra, những việc nhà nho nhỏ được con đảm nhận sẽ giúp giảm áp lực công việc cho mẹ. Quét nhà, dọn nhà, lau bàn ghế … là việc bé 4, 5 tuổi làm được rồi. Để con làm vừa giúp con hiểu sự vất vả của cha mẹ, vừa giúp con hoàn thiện kỹ năng sống cơ bản, đó là lợi ích ai cũng nhìn thấy.
4. Dạy con giao tiếp và ứng phó với người lạ
Ở nhà, thỉnh thoảng cũng có khách của bố mẹ đến chơi khi bố mẹ đi vắng. Cha mẹ cần phải dạy con ứng xử sao để lịch sự vui vẻ. Cũng có thể có nhiều người xấu ẩn giấu trong cái vẻ đàng hoàng. Những vụ án xâm hại gần đây đã chỉ rõ điều đó. Cha mẹ nên dạy con cách trả lời khách lịch sự và có khoảng cách an toàn. Cách cư xử lịch sự (trang phục gọn gàng, không hớ hênh), cách ngồi, nói năng… đảm bảo để có thể yên tâm là con luôn an toàn.
Lâu lâu, cha mẹ cũng sẽ cần một ai đó chạy ra phố làm việc vặt (mua gói tăm, quả ớt….). Dạy con cách qua đường, đi chợ, xưng hô với người lớn tuổi… là những kỹ năng cần thiết giúp con tự tin, chủ động hơn trong cuộc sống.
5. Dạy con quan sát
Việc quan sát không chỉ giúp con rút ra kinh nghiệm từ sự việc của người khác mà còn giúp con có những hiểu biết sâu sắc về cuộc sống. Lá cây màu gì, chúng thay đổi màu thế nào, bầu trời màu gì, cơn đằng nào thì hay mưa gió… Đó là những trải nghiệm vô cùng thú vị mà con còn có thể mang vào các bài văn, làm phong phú cho bài. Vì thế, cha mẹ đừng quên dạy con cách quan sát.
Trong chương trình học của trường West Point - nơi uy tín đào tạo ra các CEO xuất sắc thế giới, có một bài tập kiểm tra đầu vào tương tự như sau: "Đầu tiên, họ nhốt từng tốp sinh viên vào trong phòng, sau hai giờ thì thả ra và yêu cầu sinh viên trả lời các câu hỏi như có bao nhiêu bóng đèn trong phòng, bàn ghế màu gì, lúc vào là mấy giờ, lúc ra mấy giờ, người ngồi bên trái có đeo đồng hồ không, người bên phải tên gì...". Nếu trả lời không được, sinh viên đương nhiên bị loại. Đó là bài học đầu tiên về óc quan sát, yếu tố quan trọng nhất của một nhà quản trị tài ba. Và có rất nhiều những bài học tương tự như vậy.
Được học cách quan sát ngay từ nhỏ sẽ giúp bé trưởng thành rất nhiều.
TS Vũ Thu Hương
Giảng viên khoa Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet