Bệnh sốt xuất huyết
Báo cáo của Sở Y tế TP. HCM, chỉ tính riêng 3 tuần đầu tháng 6, toàn thành phố có 328 trường hợp bị sốt xuất huyết nhập viện và đối tượng chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi. Nếu tính từ đầu năm 2016 đến nay, số ca bệnh sốt xuất huyết là 7.873 ca, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2015 là 4.357 ca. Tổng số ca tử vong do bệnh sốt xuất huyết là 2 ca so bằng với số ca tử vong trong cả năm 2015.
Nhiều bệnh dễ bị vào mùa mưa, trong đó bệnh sốt xuất huyết do muỗi sinh sản mạnh
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM, bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm nhưng vào mùa mưa số ca bệnh tăng cao do muỗi sinh sản, phát triển mạnh. Đối với trẻ em bệnh thường khởi phát sốt cao đột ngột kéo dài từ 2 - 7 ngày kèm theo dấu hiệu: mặt đỏ, da xung huyết, đau nhức cơ khớp, đau đầu, có trường hợp kèm theo đau họng, viêm kết mạc, buồn nôn và nôn.
Tiếp đến là xuất huyết những chấm đỏ vùng cẳng tay, chân, nách, ngực, thắt lưng, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đi cầu ra máu, gan to, một số trường hợp diễn biến sốc biểu hiện chân, tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp kẹp không đo được. Tất cả những trường hợp trên cần được nhập viện cấp cứu điều trị kịp thời.
Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, người dân cần tích cực thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, diệt muỗi và tránh bị muỗi đốt. Bên cạnh đó, người dân cần phối hợp với chính quyền và y tế địa phương trong công tác phun hoá chất diệt muỗi để phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Bệnh tay chân miệng
Trong 3 tuần qua, toàn thành phố cũng ghi nhận 427 ca bệnh tay chân miệng nhập viện, không ghi nhận trường hợp tử vong. Bệnh tay chân miệng đối tượng chủ yếu mắc phải là trẻ em nhưng người lớn cũng dễ bị nếu không vệ sinh sạch sẽ, đi mưa dầm nước bẩn hay lây từ người tiếp xúc.
Trẻ khám bệnh tay chân miệng tại bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM
Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, mọi người và nhất là trẻ em, người chăm sóc trẻ nên thực hiện 3 sạch: ăn uống sạch; ở sạch; bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch. Mọi người cần rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, thực hiện tốt vệ sinh ăn uống. Thường xuyên lau chùi các bề mặt tường, sàn nhà, đồ vật, tay nắm cửa, vịn cầu thang đặc biệt là đồ chơi, vật dụng học tập của trẻ bằng các dung dịch tẩy rửa, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám và thông báo cho y tế địa phương. Đối với trẻ đang đi học, phụ huynh phải cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan bệnh tay chân miệng trong trường học.
Bệnh về đường hô hấp
Theo bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh - Trung tâm chăm sóc Hô hấp Bệnh viện ĐH Y Dược, thời tiết thay đổi chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa tạo điều kiện cho vi trùng, vi rút sinh trưởng mạnh, dễ tấn công vào hệ hô hấp của mọi người. Người dân thường sẽ bị cảm sốt, nhức người, ho đàm… hay đối tượng đang có những bệnh mãn tính về hô hấp thì càng dễ bị các bệnh như nhiễm trùng hô hấp trên, viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi. Đối tượng dễ mắc bệnh nhất là trẻ em, tiếp đến là người già lớn tuổi và phụ nữ đang mang thai.
Thời tiết chuyển sang mùa mưa sẽ dễ bị cảm sốt, nhức người, ho đàm…Đeo khẩu trang khi ra ngoài và tránh tiếp xúc với người bệnh là một cách phòng ngừa
Để phòng ngừa, người dân cần tiêm ngừa cảm cúm một năm 2 lần. Tiêm ngừa viêm phổi. Khẩu phần ăn giàu vitamin, trái cây, các loại rau xanh, hải sản…
Lưu ý giữ ấm để cơ thể không bị cảm lạnh. Những bệnh nhân bị viêm nặng như viêm phế quản hay phổi, cần phải đến bác sĩ khám để được chuẩn đoán đúng và uống thuốc phù hợp với từng trường hợp.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet