Trẻ bị nhiễm giun kim có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ và sự phát triển
Bệnh dễ bị bỏ qua
GS Nguyễn Văn Đề - Nguyên trưởng Bộ Môn Ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội cho biết, giun kim là căn bệnh nhiều người mắc hiện nay, nhất là trẻ em. Nếu cha mẹ không để ý sẽ không biết con mình mắc loại ký sinh trùng này.
Con của chị Trần Mai Lan trú tại Xa La, Hà Đông, Hà Nội là điển hình. Chị Lan kể bé được 14 tháng tuổi. Ban đêm bé ngủ không ngon mà cứ nằm úp sấp, mông rướn lên, bé rất khó chịu ngủ không ngon. Chị Lan nghĩ con thiếu vitamine D nên cho bé đi khám dinh dưỡng. Xét nghiệm máu các chỉ số dinh dưỡng đều đủ, bác sĩ khuyên chị cho con đi kiểm tra ký sinh trùng.
Bác sĩ theo dõi phát hiện bé bị nhiễm giun kim nặng. Thậm chí, giun kim còn phát triển cả ở âm đạo của bé do việc vệ sinh còn kém.
GS Đề cho biết ông gặp nhiều trường hợp trẻ bị gày yếu, xanh xao vì giun kim. Có những nhà trẻ tại Hà Nội các bé đều bị nhiễm giun kim mà không ai hay biết.
Không chỉ người trẻ nhỏ, ngay cả người lớn cũng bị giun kim tấn công, trường hợp của bệnh nhân Triệu Thị Hải quê Thái Nguyên là tương tự. Chị Hải kể cứ về tối hậu môn và âm đạo của chị ngứa ngáy khó chịu. Chị Hải sử dụng các dung dịch vệ sinh nhưng không hết. Cảm giác ngứa ngáy nên chị gãi gây ra viêm nhiễm ở vùng kín.
Khi đi khám, bác sĩ cho làm xét nghiệm chuẩn xác là chị bị viêm do tạp khuẩn, có trứng giun kim ở trong dịch âm đạo và nếp nhăn hậu môn.
Nguy hại của giun kim
GS Đề cho biết bệnh giun kim xảy ra phổ biến ở nước ta, nhất là các tỉnh đồng bằng phía bắc.
Giun kim Enterobius vermicularris là loài giun tròn ký sinh trong ruột người. Giun đực dài 2- 5 mm, có gai sinh dục dài 70 µm, cong như lưỡi cây. Giun cái dài 9 – 12 mm đuôi nhọn, âm môn xé dọc, ở khoảng ¼ thân trước. Trứng hình thuẫn không cân đối, kích thước 50 – 60 µm x 30-32 µm, có ấu trùng ngay sau đẻ.
Khi ở trong ruột giun kim có thể gây ra những tổn thương kích thích niêm mạc ruột, làm rối loạn tiêu hoá hoặc gây tình trạng viêm ruột mãn tính, có thể gây nổi mẩn, dị ứng. Nếu giun kim chui vào ruột thừa có thể gây ra viêm ruột thừa.
Cá biệt, có khi giun kim chui sang bộ phận sinh dục gây ngứa âm đạo, rối loạn kinh nguyệt ở trẻ em gái và phụ nữ. Trẻ em bị mắc bệnh giun kim nhiều năm sẽ ảnh hưởng đến khả năng lớn của cơ thể, trẻ gầy xanh, bụng ỏng, kém ăn.
Về chu trình phát triển của giun kim, GS Đề cho biết giun kim đẻ trứng ở nếp gấp hậu môn, ấu trùng bên trong trứng phát triển sau 4 – 6h, người nuốt phải trứng giai đoạn nhiễm ấu trùng thoát khỏi vỏ trong ruột non. Giun trưởng thành ký sinh ở ruột già, thời gian từ khi nuốt phải trứng giai đoạn nhiễm đến khi phát triển thành con trưởng thành và đẻ trứng khoảng 1 tháng, giun trưởng thành có thể sống khoảng 2 tháng.
Ban đêm, giun cái có trứng di chuyển đến hậu môn và đẻ trứng ở các nếp nhăn quanh hậu môn. Sự tự nhiễm hoặc sự bò ngược của ấu trùng mới nở từ vùng da hậu môn lên trực tràng có thể xuất hiện.
Hiện nay, theo nghiên cứu của GS Đề và cộng sự, tỷ lệ mắc giun kim cao nhất ở trẻ em, ở thành phố cao hơn nông thôn, nữ cao hơn nam. Bệnh thường xảy ra ở các tập thể vườn trẻ, mẫu giáo. Trẻ từ 1 – 5 tuổi nhiễm cao hơn cả, trẻ từ 11 tuổi trở lên tỷ lệ nhiễm giảm dần.
Do bệnh dễ lây lan nên có thể gặp ở những gia đình cả nhà mắc bệnh. Hoặc những nhóm trẻ, nhà trẻ hầu hết trẻ em đều mắc bệnh. Trứng và ấu trùng giun kim có thể khuếch tan ở mọi chỗ như chăn, chiếu, ghế ngồi, móng tay, đũng quần…
Để chẩn đoán bệnh giun kim, bác sĩ có thể phát hiện giun kim ở các nếp nhăn quanh hậu môn, xem phân có thể thấy giun kim trắng ở rìa khuôn phân, thu thập trứng giun bằng phương pháp dán giấy bóng kinh vào hậu môn buổi sáng sớm, sau đó soi dưới kính hiển vi sẽ thấy trứng giun kim.
Điều trị bệnh phải đảm bảo kết hợp chặt chẽ với phòng bệnh để tái nhiễm, giun kim có tuổi thọ ngắn nên nếu phòng chống bệnh tự nhiễm một cách tích cực thì không cần dùng thuốc bệnh cũng tự khỏi, điều trị tập thể cần tiến hành hàng loạt để phòng chống tái nhiễm.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet