Nội dung
Người viết bài thuở nhỏ từng sống ven sông Bạc Liêu nên tận mắt chứng kiến cái sự nhiều cá chốt của xứ này. Ngày xưa cá chốt không phải là đặc sản như bây giờ mà nó là vấn nạn, là nỗi phiền phức của cư dân vùng sông nước.
Hồi ấy, bất kể tháng nào trong năm dưới sông Bạc Liêu cũng nhiều cá chốt. Vào những đêm trăng sáng, ta cầm một nắm đất ném xuống sông, lập tức cá chốt nổi đầu đen đặc quậy trắng mặt sông cỡ chiếc chiếu trải giường.
Từ tai hoạ
Cư dân của cái làng ven sông quê tôi đi chài tôm, cá trên sông sợ nhất là cá chốt, bữa nào gặp vận xui, chài đúng ngay bầy cá chốt là chỉ còn nước ngồi khóc. Phải cuốn chài quay về nhà treo chớp chài lên cây rồi xúm lại bẻ gai cá chốt mà gỡ. Cá chốt có ba ngạnh sắc bén đâm đau như ong đốt. Phải bẻ gai mới gỡ chúng ra khỏi chài. Có khi gỡ cả tiếng đồng hồ mới xong vì có 5 – 7kg cá chốt dính vào chài.
Mùa sa mưa, cá chốt từ sông Bạc Liêu theo kênh rạch lên đồng đẻ trứng. Đến tháng 7 – 8 âm lịch, vào những sáng tinh mơ ta ra đồng thấy cá chốt con nổi lừ đầu ở khắp ao đìa, đồng ruộng. Đó cũng là thời điểm nhà nông ra đồng cấy lúa, thế là nỗi ám ảnh của nhà nông bắt đầu: một chút là giẫm phải gai cá chốt, chốc sau chọc tay xuống đất cấy lúa là dính gai cá chốt…
Đến tháng 10 âm lịch dứt mưa nước rút, gió chướng thổi về bay bay những bông so đũa nở trắng bờ kinh là cá chốt trên đồng rút xuống cư ngụ ở sông Bạc Liêu và các chi lưu của nó. Nhiều người ở chợ Bạc Liêu bước vào vụ đặc bôn. Đó là một thứ công cụ đánh bắt bằng tre, lợp lá dừa nước, tròn như ống cống. Nước ròng dân đặc bôn chèo xuồng ra, đặt bôn trên bãi và cho vào một ít cám rang để dụ cá. Đến mãn con nước lớn thì họ dỡ bôn. Có khi cá chốt vào đông bôn dỡ lên không nổi.
Còn ở quê thì người ta bắt cá chốt bằng cách dùng đăng tre, chọn con nước lớn rồi kéo đăng ngang cửa một nhánh rạch. Sau đó chờ nước ròng, cạn lòng lạch thì bắt cá. Có những nhánh rạch đăng trúng, bắt cả xuồng cá chốt. Một cách bắt cá chốt khác nữa là chất chà. Tôi nhớ khoảng thập niên 80 của thế kỷ 20, người dân xã Vĩnh Trạch, thị xã Bạc Liêu chất chà trên rạch, mỗi lần dỡ chà thu đến vài tấn cá chốt. Cả xóm xúm xít lại làm mắm chứ bán rẻ như cho.
… tới đặc sản
Ngày nay cá chốt còn không nhiều. Nghề đặt bôn, chất chà,… cũng mất đi theo sự ít đi của cá chốt. Tuy nhiên, người ta cũng phát triển nhiều cách đánh bắt mới nên chợ Bạc Liêu lúc nào cũng có bán cá chốt. Và giá cả thì cũng rất đắt đỏ, đến 60 – 70 ngàn đồng/kg. Bây giờ người ta xem cá chốt là đặc sản, có vị trí chễm chệ trong các nhà hàng sang trọng. Vậy đó mà ngày xưa ở quê tôi cái gì rẻ nhất, kém giá trị nhất được người ta gọi: “rẻ như cá chốt…”, cá chốt bán ít ai mua, dân thị thành quan niệm rằng cá chốt là loại ăn tạp, lại sống dưới sông nên thịt nó dơ, không dám ăn. Và vì thế cá chốt chỉ dành cho hạng nông dân cùng đinh.
Ai đã từng sống trong ruộng đồng của vùng bán đảo Cà Mau hẳn sẽ không thể nào quên món cá chốt kho sả. Nhắc cá chốt kho sả tôi chợt nhớ thuở bé thơ. Vào mùa sa mưa, bọn trẻ chúng tôi đi bắt cá lên, đó là những con cá chốt to cỡ ngón chân cái, bụng to đầy trứng. Má tôi bằm sả, ớt cho vào nồi cá chốt kho, thế là dậy lên cái mùi cá quyện mùi sả kích thích vị giác. Bữa cơm dọn ra, chỉ có cái ơ cá chốt kho sả. Vậy mà chúng tôi chan nước cơm ăn đến 6 – 7 chén. Ăn xong người dã mồ hôi thấy khoẻ khoắn vô cùng. Đã ăn thì nhớ hoài cái mùi sả, cái vị béo của thịt cá chốt và cái vị vừa béo vừa bùi của trứng cá chốt.
Khi gió chướng thổi, ở quê tôi có một cách ăn cá chốt rất ngon. Lúc này cá chốt rất mập, bụng nó màu vàng, lúc này cũng là thời điểm bông so đũa nở rộ, thế là nông dân quê tôi dùng cơm mẻ làm chất chua để nấu canh chua cá chốt và bông so đũa. Nồi canh chua ấy ăn cơm cũng được, nhậu rượu cũng được, ăn vào sẽ thấy cái tài nghệ của người nông dân khi phối hợp giữa cá chốt và bông so đũa. Nó nhuần nhuyễn đến mức làm cho người ta nghĩ trời sinh ra cá chốt và bông so đũa là để nấu canh chua.
Nếu bạn không sợ bị người ta xem là dân quê mùa, có đến Bạc Liêu, dù chưa quen, tôi vẫn có thể mời bạn một bữa cơm cá chốt kho sả, canh bông so đũa…
(Theo sgtt.com.vn - bài Phan Trung Nghĩa ảnh Quang Hùng)

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Bún ốc

Bún ốc là món ngon của đất Hà thành. Bớt chút thời gian, bạn có thể tự nấu món này tại nhà vào ngày nghỉ cuối tuần.

Xem thêm  

Sò huyết Ô Loan

Đầm Ô Loan thuộc huyện Tuy An (Phú Yên) từ lâu nổi tiếng là thắng cảnh của miền trung. Nơi đây cũng nổi danh với món sò huyết ngọt, béo làm say lòng bao du khách.

Xem thêm  

Cá ám rau cần

Cá ám là món ăn truyền thống của nhân dân vùng Nam Trực, Trực Ninh. Để có món ăn này, cần chuẩn bị cá quả tươi, rau cần và một số gia vị khác.

Xem thêm