Chị Phạm Thanh Nga (Hà Nội) áp dụng phương pháp ăn dặm tự chỉ huy (BLW) thành công cho hai con trai lớn là Ủn và Ỉn. Hiện tại, bé Ủn hơn 2 tuổi và anh Ỉn hơn 4 tuổi đã đều tự ăn, ăn đa dạng các loại thực phẩm, nhai nuốt tốt, dùng thìa đũa tốt. Vì thế, chị tiếp tục áp dụng phương pháp ăn dặm này cho bé thứ 3 là bé Kua khi bé tròn 6 tháng với những kinh nghiệm “cao tay” đúc rút từ trước.
Bé Đỗ Cát Tường Vy sinh ngày 21/10/2015, tên ở nhà là Kua.
Chị bắt đầu cho Kua tự ăn dặm như thế nào?
Mình phân chia thời kỳ ăn dặm của Kua theo từng giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên trong khoảng từ 6-9 tháng. Giai đoạn này mình tập trung bổ sung thêm vitamin tổng hợp cho Kua vì bé dễ thiếu các vitamin như A, C, D và sắt. Mình cũng xác định, ở giai đoạn đầu hầu hết các bé mới chỉ tìm hiểu thức ăn, tập xử lý thức ăn nên mẹ bổ sung cho yên tâm.
Chị Thanh Nga (Hà Nội) áp dụng phương pháp ăn dặm tự chỉ huy cho cả 3 con.
Bữa đầu chị chế biến món gì để bé tập quen?
Bữa đầu tiên của bạn Kua diễn ra khá vui vẻ và suôn sẻ. Nhà có sẵn thăn bò Úc nên mình cho bạn ý thử sức luôn với bò chiên áp chảo dầu oliu, măng tây hấp. Bạn ý rất hứng thú với món măng tây, bốc lên cạp lấy cạp để, mút chùn chụt, dù chưa mọc răng nào bạn Kua cũng cắn và nuốt được mấy miếng dù có lúc hơi oẹ một chút. Thịt bò bạn ý cắn và mút thôi không đứt được miếng nào.
Bữa đầu tiên và những bữa sau đó, mình cắt thức ăn cho Kua theo dạng thanh (như thịt bò) hay dạng góc cạnh tự nhiên (như măng tây, bông cải xanh) để bạn dễ dàng cầm nắm và cho vào miệng. Rau củ chỉ hấp hay nấu vừa chín tới, không nấu quá mềm bé cầm bị nát hay vụn rất khó ăn.
Bé Kua hấp thụ thực phẩm khá tốt.
Ngoài ra, mình còn khéo léo đưa những thực phẩm có tác dụng ổn định đường ruột để Kua ăn. Ví dụ có bữa mình cho Kua ăn chút hành tăm vì mình biết hành tăm vị hơi cay và mùi hăng nồng nhưng có tác dụng ôn ấm tỳ vị, tiêu đờm, trị ho, làm ra mồ hôi, lợi tiểu, sát khuẩn, trị cảm hàn, bí tiểu.
Lịch trình ăn dặm của Kua thường như thế nào?
Đơn giản lắm. 8 giờ mình cho bạn Kua bú mẹ cữ sáng sau đó ngủ 1 giấc. Khoảng 10 giờ sẽ mẹ cho bạn ý măm, lúc này sữa đã được tiêu hoá gần hết nên trong trường hợp xử lý thức ăn chưa tốt, có oẹ thì cũng không nôn hết sữa. Ăn xong mẹ lau miệng và tay rồi cho Kua ti mẹ. Bạn ý chơi 1 lúc rồi lăn ra ngủ.
Lớn dần, mình sẽ tăng số lượng bữa ăn dặm lên để bé không bị đói và nạp đủ dưỡng chất.
Kết quả sau giai đoạn đầu ăn dặm của bé ra sao?
Mình quan sát kết quả một phần thông qua “sản phẩm” của bé. Giai đoạn đầu, phân của bé thường có các mẩu rau hay thịt (là thứ đã được các bạn nuốt vào). Tuy nhiên mình không lo vì theo kinh nghiệm từ hai bé lớn là do không phải thức ăn chưa được tiêu hoá mà lý do là bé đang học nhai và cơ thể bé đang thích nghi với thức ăn cứng mà thôi.
Dần dần hệ tiêu hoá của bé sẽ hoàn thiện và đến tầm 1 tuổi trở đi, tình trạng này mình nghĩ sẽ không xảy ra nữa.
Hiện tại, bé ăn khá tốt và hấp thụ thức ăn rất nhanh. Chính cách tự ăn dặm này khiến cho bé chủ động rất nhiều trong việc ăn uống, đến giờ là tự động đòi ăn thôi.
Với phương pháp để bé tự ăn dặm, chị có bí quyết riêng nào chia sẻ cho chị em?
Với BLW thì bé được giới thiệu rau củ thịt cá ngay từ đầu hay sau 1 tuần nên các mẹ khỏi băn khoăn xem loại thực phẩm nào bé ăn được hay chưa. Mẹ có thể dùng luôn đồ ăn chế biến hay nấu cho gia đình để nấu cho bé theo phiên bản không nêm mắm muối hay đường.
Để tiết kiệm thời gian, các mẹ có thể lên thực đơn trước 1 tuần, các loại củ quả cứng và thịt cá có thể sơ chế cắt dạng thanh hay theo hình dạng phù hợp với từng giai đoạn của bé, chia hộp cấp đông.
Với BLW giai đoạn đầu thì chỉ cần mỗi ghế ăn dặm (không được dùng ghế rung hay ghế ô tô vì có độ dốc); cho bé ngồi thẳng (bé thấp hay chưa ngồi vững thì mẹ lót khăn bên dưới hay chèn xung quanh cho bé); yếm ăn và khay đựng đồ ăn (hoặc cho luôn vào khay của ghế ăn dặm).
Với những chia sẻ trên đây, mình hy vọng có thể giúp các mẹ khác phần nào trong việc cho các bé ăn dặm dễ dàng hơn.
Cùng tham khảo một số thực đơn ăn dặm hàng ngày của Kua nhé:
Bé Kua những ngày đầu ăn dặm.
Thực đơn gồm khoai lang, chuối, thanh long, súp lơ và hành tăm.
Chị Nga chủ yếu cho Kua ăn rau củ quả được cắt ở dạng thanh.
Đùi gà nguyên chiếc để bé tự gặm.
Bé rất hào hứng trước những bữa ăn.
Măng tây là món không thể thiếu trong thực đơn ăn dặm của Kua.
Thực đơn gồm súp lơ, ngô bao tử, cà chua và tôm.
Chị Thanh Nga khéo léo thêm hoa quả vào mỗi bữa ăn cho Kua.
Thịt bò không cần nấu quá chín bé vẫn có thể tự nhai và nuốt.
Mỗi bữa ăn bé Kua luôn hào hứng và ăn hết sạch thức ăn.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet