Nội dung
Nhiều lần lên cơn đau tim khi để con tự lập từ 2 tuổi

Tôi để con tự đi học từ năm lớp ba - Ảnh minh họa: wisebread.com

Tôi là một người có bệnh tim bẩm sinh và yếu đuối từ nhỏ. Lúc sinh con, tôi vẫn chưa biết bệnh của mình trầm trọng đến thế nào. Sau ca mổ bắt con kinh hoàng, thấy bác sĩ, y tá tấp nập chúc mừng hai mẹ con đã sống và lưỡng lự nhìn nhau khi tôi hỏi có thể sinh bé khác nữa không, tôi hiểu cô con gái này là món quà độc nhất mà thượng đế tặng cho tôi. Vì thế, nếu mẹ khác xót con một, tôi xót con gái đến cả ngàn lần. 

Tuy nhiên, ngay từ ngày con ra đời, suy nghĩ tôi trăn trở nhất là: Con tôi sẽ sống ra sao khi không có mẹ bên cạnh. Vì thế, tôi luôn muốn cháu tự lập. Tôi tự đặt ra tiêu chí dạy con cho mình là: Dạy sao cho con vẫn luôn ổn dù ngay ngày mai mẹ nó chết. 

Quyết định thế nhưng tôi không ngờ việc dạy con tự lập lại khó đến thế.

Khi con 2 tuổi, để con không thiếu tự tin, tôi dạy con qua nhà hàng xóm mua hàng. Nào là tự đi cầu thang, nào là tự cầm tiền, nào là tự trình bày. Con háo hức và vui sướng bao nhiêu, tôi lo âu từng đó. Lần thứ nhất, thứ hai, ba đi ngay sau con, tôi không ngại ngần gì. Lần thứ tư, con đi một mình, tôi bắt đầu đứng nhìn con từ xa. Tôi thắt cả ruột thương con, nước mắt vòng quanh. Rồi những lần ép mình đứng trong nhà không nhìn theo con, lòng tôi thắp thỏm, tim đập như trống, tay chân toát mồ hôi. Chỉ khi con hớn hở cầm gói muối hay gói tăm về đến cửa phòng, tôi mới thở được bình thường.

Lớn dần lên, con lần lượt được học làm các việc. Phải ăn thứ cơm chưa chín do con nấu, lau lại cái nhà be bét bẩn sau khi con lau không phải là nỗi đau khổ mà là niềm vui của chính tôi và con. Tôi tự nhủ: Có làm có khéo, con sẽ dần dần học được mọi thứ. Con cầm dao từ lúc 5 tuổi, tôi phải vượt qua nỗi sợ hãi của mình hàng ngày hàng giờ. Bị hàng xóm, họ hàng chửi rủa là “bóc lột sức lao động của trẻ em”, “con mẹ lười, xấu tính”.... không phải là thứ tôi quan tâm. Nhìn con ngày một trưởng thành, tôi vui và càng sốt sắng hơn nữa với những dự định dạy con của mình.

Tôi đã từng trải qua những giờ phút sống không bằng chết khi con gái tự đi bộ đi học từ lớp 3. Cháu phải đi qua đường với lượng xe khá đông. Ngồi nhà, tôi tưởng như mình có thể ngưng tim vì quá lo lắng. Tôi đi như mộng du ra cổng ngóng con từng ngày, chảy nước mắt khi thấy bóng con ở xa xa. Rồi tôi vội vàng quệt ngang mặt, ba chân bốn cẳng chạy về nhà, cố tạo bộ mặt thản nhiên để con không nhận ra sự lo lắng đó của mẹ.

Ngày con tôi bước lên máy bay một mình từ Hà Nội sang Singapore chơi Tết (khi đó, tôi đang có một khóa học ngắn ngày tại đây) và tự quay về nhà khi cháu gần tròn 15 tuổi, tôi đã gần như mất toàn bộ tri giác trong suốt thời gian con trên máy bay. Chỉ khi nghe thấy tiếng con báo đã an toàn, đã ra khỏi sân bay bình an, tôi mới sụp xuống òa khóc. Bù lại đó là cảm giác trải nghiệm tuyệt vời và sự tự tin thoải mái của con gái. Tôi biết kỷ niệm đó là vô giá với con đến mức tôi cảm thấy cái giờ phút lo âu kia của tôi là hoàn toàn cần thiết và được đền bù xứng đáng. 

Khi con xuống Hải Phòng làm thêm trong hè, đêm nào tôi cũng ôm áo của con ra hít hà. Không làm phiền giấc ngủ mệt mỏi sau lao động của con, tôi nín thở chờ đợi con về. Hai tiếng con ngồi trên xe về Hà Nội, tôi gọi nói chuyện với con suốt 1,5 tiếng. 

Tuần trước, khi con bị tắc đường về muộn, mẹ con tôi đã cãi nhau rất dữ dội. Biết mình mắng con oan nhưng tôi không kiềm chế nổi vì quá lo cho con. Đêm đó, tôi lên cơn đau tim đến mức phải gọi cấp cứu. Nhìn con cầm tay mẹ khóc âm thầm, lau vội nước mắt khi thấy mẹ tỉnh dậy, tôi xót xa bao nhiêu lại thấy hài lòng bấy nhiêu. Bởi vì phần thưởng cho sự chịu đựng và hy sinh của tôi là một cô gái trưởng thành rất sớm. 15 tuổi con đã có thể tự kiếm sống, tự chi tiêu hợp lý, tự lo cho mình 100% dù ở phương trời nào và biết chăm sóc lo lắng cho mẹ và những người xung quanh. Con biết vui vẻ nhường mẹ miếng ăn, biết khâu vá dép đứt của mẹ, biết chăm sóc nhà cửa gia đình, cấp cứu khi mẹ bị mệt.... 

Hơn 15 năm đã trôi qua kể từ khi tôi vui sướng đón nhận món quà đặc biệt mà thượng đế đã dành cho mình. Cho đến nay, tôi có thể tự hào là món quà đó sẽ không bao giờ phải nuối tiếc vì đã đầu thai vào bụng của một bà mẹ như tôi. Bởi vì, dù ốm đau, dù vất vả dù muôn vàn khó khăn, tôi vẫn có thể vượt qua mọi cảm xúc của chính mình để tạo dựng cho con một con người, một tương lai tốt đẹp. Và ngày nay, tôi có thể kết luận rằng: Dạy con tự lập được, tách mình ra khỏi con được không phải là không yêu con mà phải có tình cảm lớn hơn cả tình yêu.

Tôi đưa vấn đề sức khỏe của tôi ở đây, không phải để nói rằng: vì nó mà tôi buộc phải dạy con tự lập. Điều tôi muốn nói là: "dù con là duy nhất nhưng vì tương lai của con, tôi sẵn sàng hy sinh mọi thứ, chấp nhận cả việc phải sống trong những giờ phút lo âu đến mức không thể chịu nổi. Yêu con không phải là chỉ chăm con như ấp trứng".

Tiến sĩ Vũ Thu Hương
Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội

Chia sẻ câu chuyện bạn đã dạy con tự lập tại đây hoặc về giadinh@vnexpress.net.

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Những sai lầm ăn uống khi nuôi con bằng sữa mẹ

Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ giúp trẻ nhỏ tăng cường hệ miễn dịch mà còn là nền tảng cơ bản cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ. Nhưng việc cho con bú đôi khi lại khiến các bà mẹ lo lắng vì không biết thức ăn mà họ dùng có ảnh hưởng đến sức khỏe của thiên thần bé nhỏ hay không. Dưới đây là một số quan niệm sai lầm của các bà mẹ đã được các chuyên gia nhi khoa lý giải:

Xem thêm  

Đừng chủ quan khi chở trẻ bằng xe máy

Các bậc phụ huynh nên ý thức về những mối nguy hiểm luôn rình rập trẻ khi tham gia giao thông, để tránh những tai nạn đáng tiếc cho trẻ khi đi trên đường. Nhiều thương tích nghiêm trọng có thể phòng...

Xem thêm  

Lòng bao dung của người mẹ chồng

Chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con trai nhưng vì cháu nội, người mẹ đã nuốt nước mắt, tha thứ cho con dâu. Cô gái trẻ có mái tóc bới cao, nước da trắng ngần, không ngừng vặn vẹo đôi tay khi ngồi trên...

Xem thêm