Với người Ấn, gia vị được xem là yếu tố cực kỳ quan trọng để tạo ra một món ăn ngon. Chúng có tác dụng làm sánh đặc thức ăn ở dạng bột thường được làm từ ngũ cốc như bắp, lúa mạch, đậu. Loại gia vị tạo hương thơm đặc trưng của người Ấn và không thể thiếu trong nhiều món ăn là lá càri. Thường ở các dạng tươi, sấy khô hay được xay nhuyễn thành dạng bột. Bên cạnh còn có nhiều loại gia vị ở dạng nước cũng có tác dụng tạo mùi thơm; chúng được chiết xuất từ các loại thảo mộc như nguyệt quế, tiểu hồi, đại hồi, thảo quả, hồ trăn, đinh hương. Ngoài ra còn phải kế đến các loại gia vị ở dạng bột làm từ trái cây như dừa, me, xoài… để tạo ra các vị chua, cay, béo. Trước khi dùng để nêm vào thức ăn, gia vị luôn được rang cho khô, như thế thì hương thơm mới đậm đà, lâu tan.
Trong cách chế biến món ăn của người Ấn, ngoài việc chịu ảnh hưởng từ các quốc gia lân cận, thì vấn đề tôn giáo cũng đóng vai trò quan trọng. Người Hồi giáo kiêng khem thịt heo trong khi người Ấn giáo lại không dùng thịt bò, do đó thông dụng nhất vẫn là thịt gà, dê, cừu và các loại thủy hải sản.
Cũng giống như các quốc gia châu Á khác, cơm vẫn là món chính trong bữa ăn của người Ấn. Tuy nhiên hoàn toàn khác với cách nấu cơm của người Việt. Người Ấn lấy gạo xào với dầu hay bơ trước, sau đó mới cho nước vào nấu, khi cơm gần chín còn cho nhiều hương liệu khác như tiêu, hạt cumin, quế… Bên cạnh món cơm chiên thông thường còn có cơm nấu với cá, thịt gà, rau củ.
Người Ấn dùng món càri trong mỗi bữa cơm thường ngày với rất nhiều khẩu vị khác nhau: càri trứng, hải sản, thịt băm càri, chả viên càri, càri gà, càri bắp cải khô, càri rau củ… và thường là được nấu ở dạng khô. Món càri kiểu Ấn thơm ngon luôn có sự góp mặt của nhiều loại gia vị như: dầu, bơ, quế, đinh hương, nguyệt quế, thảo quả.
Các món thịt cũng được chế biến hết sức độc đáo. Theo phong tục của người Ấn, trong các buổi tiệc cưới hỏi, lễ lạc quan trọng không thể thiếu món cừu nấu với hạnh nhân, món thịt cừu nướng cũng được xem là món ngon nhưng có cách chế biến khá lạ. Thịt cừu được đặt trong nồi đất, nấu trên bếp than hay bếp củi, bên trên nắp phải đặt than hồng. Theo họ, như thế thịt cừu vừa thơm vừa giữ được vị ngọt nguyên thủy.
Nước sữa và nghệ tây là một trong những thức uống phổ biến nhất ở Ấn Độ. Được chế biến từ hạnh nhân, hạt pít-tat, sữa, thảo quả, nghệ tây, cho thêm chút rượu. Thường được dùng như một thức uống giải khát thường thấy trong các lễ hội hoa đăng, lễ hội mùa xuân.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet