Đặt chân đến mảnh đất Sapa, bất cứ ai cũng bị choáng ngợp bởi những cảnh đẹp nguyên sơ như tranh vẽ, mộng mơ mây ôm ấp núi, sương khói mập mờ, những con đường cheo leo men theo sườn núi hay những mảnh ruộng bậc thang nối tiếp, trùng điệp nhiều màu sắc trong mùa lúa chín.
Không chỉ thế, sapa còn để lại trong lòng bao khách phương xa sự quyến luyến đến lạ kỳ bởi ẩm thực độc đáo, thơm ngon nhưng luôn phảng phất chất hoang sơ, kỳ vĩ.
Rau đặc sản
Có lẽ Sapa là vùng đất nổi tiếng với nhiều thứ rau đặc sản xanh mướt trong lành. Đó hẳn phải là những ngọn rau su su làm nức lòng thực khách, rau cù khởi có cái tên lạ lẫm mà thơm ngon hay thứ rau đậu Hà Lan nhỏ bé những ngọt vô cùng...
Ngọn su su
Ngọn su su là loại rau rất phổ biến nhưng nó chỉ ngon khi được trồng các ở khu vực miền núi phía Bắc, nơi mùa đông có cái lạnh cắt da, cắt thịt hay mát mẻ vào mùa hè như Sapa chẳng hạn. Nếu một lần đặt chân đến Sapa, một màu xanh mướt của ngọn su su trập trùng bên các sườn núi sẽ ôm trọn tầm mắt của bạn.
Nếu một lần đặt chân đến Sapa, một màu xanh mướt của ngọn su su trập trùng bên các sườn núi sẽ ôm trọn tầm mắt của bạn
Tuy là được trồng ở miền núi, nhưng rau cũng được người dân làm giàn cẩn thận, ngọn su su cứ thế mà leo lên, hưởng những ái ưu của thời tiết, của khí trời mà lan toả hết giàn này đến giàn khác, cứ bạt ngàn trong tầm mắt người ngắm. Và có lẽ cũng vì thế mà su su ở khu vực này mới ngọt hơn, giòn hơn nơi khác, mới thành thứ đặc sản mà ai đến đây cũng muốn mang về thưởng thức hay làm thứ quà biếu người thân, bạn bè.
Hương vị của núi, của rừng, của những màn sương lạnh giá nhập nhoạng như mây cứ hòa quyện trong từng ngọn rau, chiếc lá
Ngọn su su chẳng cần xào với các nguyên liệu khác cũng ngon. Chỉ cần nhặt sạch, cho vào xào cùng tỏi, mỡ, nêm chút gia vị là có thể thưởng thức ngay được. Hương vị của núi, của rừng, của những màn sương lạnh giá nhập nhoạng như mây cứ hòa quyện trong từng ngọn rau, chiếc lá.
Rau đậu Hà Lan
Nhắc đến đậu Hà Lan có lẽ người ta chỉ nghĩ đến việc thu hoạch quả và hạt nhưng ít ai ngờ rằng, thứ cây thân leo này cũng cho những ngọn rau ngon ngọt vô cùng. Chẳng thế mà người dân Sapa (Lào Cai) đã sớm biến nó thành loại rau đặc sản để bán cho du khách.
Rau đậu Hà Lan đem nấu canh rất ngon
Rau đậu Hà Lan được trồng và mọc theo giàn, ngọn rất nhỏ nhưng mềm mang màu xanh nhạt mà non tơ. Thường người ra dùng loại rau này để nấu canh với thịt băm, xương… hoặc đơn giản chỉ là nấu suông nhưng ngon ngọt vô cùng.
Rau cù khởi
Nghe cái tên vừa lạ lại vừa khó nhớ nhưng nếu nếm thử một lần rồi đảm bảo bạn sẽ chẳng thể nào quên được hương vị hấp dẫn của thứ rau dại (mọc ở hàng rào) trên mảnh đất Sapa đầy xa ngái. Trước đây, ở Sapa có rất nhiều loại rau ngon vì thế củ khởi ít mấy ai để ý đến nhưng nhờ có vị hơi đắng lại ngòn ngọt và mùi thơm đặc trưng nó lại trở thành một thứ đặc sản mà ai lên tới đây cũng muốn ăn thử và thích mang về.
Khi mới ăn rau củ khởi, thực khách có cảm giác hơi đắng ở đầu lưỡi, nhưng sau có vị ngọt bùi đọng lại, khiến người ăn không biết ngán bao giờ
Rau củ khởi thường nấu với nước xương hầm hoặc thịt băm. Khi nấu chỉ đun nước sôi già rồi bắc nồi ra, bởi để lâu trên bếp canh sẽ bị nồng và mất mùi thơm của rau. Canh rau củ khởi ăn nóng và nguội đều ngon. Khi mới ăn, thực khách có cảm giác hơi đắng ở đầu lưỡi, nhưng sau có vị ngọt bùi đọng lại, khiến người ăn không biết ngán bao giờ.
Rau cải mèo
Đến các bản xa trung tâm Sapa như Tả Van, Cát Cát… du khách no mắt bởi màu xanh mỡ màng của những luống rau cải mèo bên cạnh ruộng bậc thang thoai thoải. Cải mèo vốn thuộc hàng rau có bẹ, lá dài màu xanh đậm, viền lá xoăn cảm giác như có gai, loại có lông, loại trơn, đó cũng là lý giải cho cái tên là lạ của cải. Cải mèo cũng được coi là loại rau quý vì được thiên nhiên chọn lọc nên sức sống mãnh liệt, nó có thể vượt qua thời tiết mùa đông khắc nghiệt có băng ở vùng núi này và sinh trưởng khỏe, để có thứ rau đặc sản cho con người.
Rau cải mèo là thứ đặc sản của người Mông, Sapa
Cải mèo có vị ngon và giòn, nên được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Dù chế biến đơn giản hay cầu kỳ, người nấu thường vặn tròn để ngắt rau thành từng đoạn thay vì lấy dao thái, như vậy mới đảm bảo giữ nguyên hương vị ngọt tự nhiên của cải.
Cách chế biến đơn giản và được ưa chuộng nhất là thái nhỏ, giã gừng đổ nước vào đun sôi và sau khi nêm nếm là có một bát canh nóng hổi. Rau có thể nấu cùng với thịt gà băm nhỏ cùng gừng, nêm vừa mắm, muối, sẽ dễ cảm nhận chất ngọt của thịt gà hài hòa với cái ngọt mát, ngăm ngăm đắng của rau cải làm cho người ăn cảm thấy không bị ngán.
Đồ nướng
Đồ nướng không phải là món ăn xa lạ nhưng đến với Sapa, mảnh đất của mảng sương dày, của những cái lạnh cứ mỗi chiều buông xuống thì nó lại là một đặc sản vô cùng hấp dẫn. Các nguyên liệu dùng để nướng ở đây đều mang hương sắc của núi, của rừng, của mây mờ quanh năm che phủ. Đó là những bắp ngô, củ khoai, sắn hay mía trồng trên các nương rẫy cứ thơm ngon ai đi qua cũng phải hít hà.
Đồ nướng không phải là món ăn xa lạ nhưng đến với Sapa, mảnh đất của mảng sương dày, của những cái lạnh cứ mỗi chiều buông xuống thì nó lại là một đặc sản vô cùng hấp dẫn
Đồ nướng ở đây không chỉ đơn giản có thế, bạn có thể tìm mua cho mình những xiên thịt nướng từ thịt lợn cắp nách vô cùng hấp dẫn. Những xiên thịt nuớng Sapa vàng ươm đượm vị còn có cả da, nhưng không hề dai mà giòn, mềm, càng ăn càng ngọt. Bởi thế nếu đã nếm thử một xiên, chẳng mấy ai có thể cầm lòng mà đành phải gọi thêm vài xiên để ăn cho thỏa. Không chỉ được tẩm ướp gia vị sao cho vừa miệng, những xiên thịt ở đây còn được quấn kèm nấm kim châm trắng và rau cải mèo xanh, vừa hấp dẫn, đẹp mắt, vừa giúp đổi vị cho thực khách nhờ sự kết hợp tuyệt hảo của các đặc sản Sapa.
Đồ nướng Sapa rất phong phú
Trứng gà nướng hay cơm lam nướng cũng là một trong những đặc sản ở nơi này. Trứng gà luộc, cơm lam nấu chín sau đó đem nướng trên những ngon than hồng sẽ đem lại trải nghiệm đặc biệt về hương vị. Vào những buổi tối mờ sương, khi thị trấn đã lên đèn, trong ánh sáng nhập nhoạng chập chờn, dưới tiết trời lành lạnh, được ngồi nhâm nhi những món nướng ấm áp này thì chẳng còn gì bằng cả. Ngoài ra, món nướng còn có tôm, rau củ, hạt dẻ... chắc chắn sẽ làm từng thực khách hài lòng.
Cá hồi Sapa
Loại cá được nuôi tại Sapa chủ yếu là cá hồi vân, hay còn gọi là cá hồi ráng. Với khí hậu quanh năm mát mẻ và một mùa đông lạnh thậm chí có cả tuyết bao phủ, chất lượng và màu sắc của cá hồi Sapa không thua kém so với bất cứ loại cá hồi nào được nhập khẩu vào Việt Nam.
Cá hồi vân là đặc sản của Sapa
Cá có thịt chắc, thớ săn, không có mỡ, màu hồng tươi, mềm và béo ngọt rất thích hợp để chế biến thành nhiều món khác nhau như sashimi, chiên xù, hấp, nấu cari..., nhưng nổi bật nhất là các món lẩu cá hồi, gỏi cá hồi, cá hồi nướng, cháo cá hồi, cá hồi tẩm bột chiên. Mỗi món ăn đều có một hương vị gì đó rất riêng, có lẽ đó là của mây, của núi của một vùng đất hoang sơ nhưng kì vỹ tạo thành.
Xôi ngũ sắc của người Tày
Đến với mảnh đất mù sương này, du khách còn có thể bắt gặp những thúng xôi nhiều màu sắc sặc sỡ của người Tày được bày bán khá nhiều ở chợ. Thông thường, xôi có 5 màu: đỏ, xanh, vàng, tím và trắng vô cùng hấp dẫn. Nếu tình cờ đi qua hàng xôi ấy, mùi thơm của loại xôi được làm từ thứ gạo nương ngon dẻo của tỏa ra thơm nức, như muốn níu lấy chân người.
Nguyên liệu làm xôi ngũ sắc gồm: gạo nếp thơm dẻo, hạt đều không lẫn tẻ, trộn với các loại lá cây rừng để nhuộm màu. Màu đỏ dùng quả gấc, lá cơm đỏ. Màu xanh dùng lá gừng, lá cơm xôi xanh, hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng, đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi. Màu vàng dùng củ nghệ già giã lấy nước. Màu tím dùng lá cơm đen, hoặc lá cây sau sau…
Đến với mảnh đất mù sương này, du khách còn có thể bắt gặp những thúng xôi nhiều màu sắc sặc sỡ của người Tày được bày bán khá nhiều ở chợ
Trước khi nhuộm màu xôi, gạo nếp vo sạch đem ngâm trong nước lã từ 6 - 8 giờ để hạt gạo có độ nở vừa phải. Chia gạo ra thành 5 phần, mỗi phần tương ứng với một màu.
Sau khi nhuộm màu, đến công đoạn cuối cùng là đồ xôi. Nghe nói, khâu này đòi hỏi người nấu phải thật khéo léo mới có được món xôi như ý. Loại gạo ngâm màu nào dễ phai nhất sẽ được cho vào chõ đầu tiên, kế đến là các màu còn lại, màu trắng trên cùng. Phải đồ mỗi màu một chõ.
Trứng thuốc Bắc
Đây cũng là một trong những món ăn độc đáo của người Sapa. Món trứng sau khi luộc xong được đập dập vỏ, rồi nấu trong thuốc Bắc ít nhất 8 giờ. Khi ăn, trứng sẽ rất chắc, thơm mùi thuốc và có những đường vân vô cùng đẹp mắt. Trứng thuốc Bắc của người Sapa gần giống với món trứng trà của người Trung Quốc.
Món trứng thuốc Bắc ở Sapa
Tuy nhiên, cách nấu cụ thể như thế nào và có bí quyết gì để món trứng thuốc Bắc hấp dẫn bất cứ ai thưởng thức thì chỉ có những người trực tiếp làm ra mới biết được.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet