Người biết cách quản lý tiền bạc chưa chắc đã phải là người rất giàu có nhưng những người giàu có chắc chắn là những người biết cách quản lý tiền bạc.
Kỹ năng quản lý tiền bạc rất cần thiết trong cuộc sống nhưng nhiều trẻ không được bố mẹ dạy từ sớm, dẫn đến tình trạng lớn lên lúng túng, bỡ ngỡ ngay trong việc tự mua sắm vài món đồ dùng cho bản thân.
Dưới đây là những kỹ năng cần thiết về quản lý tiền bạc mà các chuyên gia giáo dục khuyên cha mẹ cần phải dạy con trước tuổi lên 10:
Biết chờ đợi để mua được thứ mình muốn
Con muốn mua ô tô đồ chơi đắt tiền? Đồng ý thôi, nhưng hoặc là tiết kiệm, hoặc là làm việc nhà để kiếm thêm tiền tiêu vặt, hoặc là con phải đợi đến sinh nhật/Giáng sinh/... thì bố mẹ mới mua cho được.
Cha mẹ phải để con hiểu không phải cứ đến cửa hàng đồng nghĩa với việc sẽ mang đồ về nhà, không phải cứ muốn thứ gì là sẽ được mua luôn thứ đó. Không thể chấp nhận ngay lập tức việc chi một số tiền quá lớn cho món đồ chơi xa xỉ đó mà không thấy được đổi lại bằng sự cố gắng của con. Ngay từ rất sớm, trẻ cần được học rằng nếu con thực sự muốn mua thứ gì, con phải biết chờ đợi để mua được nó.
Có một khoản tiền tiêu vặt và biết tiêu hợp lý
Cha mẹ nên cho con một khoản tiền tiêu vặt nho nhỏ để trẻ ăn sáng, mua dụng cụ học tập, đồ chơi... Khoản tiền này cần được cố định theo tuần hoặc theo tháng, để trẻ học cách xoay xở trong số tiền giới hạn và "nếm" hậu quả của việc tiêu quá mức cho phép.
Chẳng hạn như với từng này tiền hàng tháng, nếu trẻ lỡ tiêu quá nhiều tiền mua sticker thì phải chấp nhận là không được mua giày mới.
Đi mua sắm cùng bố mẹ
Đừng để con cái "chỉ biết xài, không biết giá", rất nguy hiểm. Hãy đưa con đi chợ, đi siêu thị... để con tập tự lấy đồ, xem giá và đưa tiền thanh toán cho người bán hàng.
Trẻ cần được biết gia đình đã tiêu tốn bao nhiêu tiền vào các sinh hoạt hàng ngày, cần nhìn cách bố mẹ ra các quyết định chi tiêu, so sánh giá cả, mặc cả, cách cân nhắc giữa những món đồ đắt rẻ khác nhau và đưa ra lựa chọn cuối cùng nên mua sản phẩm nào.
Có một khoản tiết kiệm
Đặt một chiếc lọ trong bếp để mỗi lần con đi mua đồ giúp bố mẹ còn thừa tiền lẻ thì bỏ vào đó, mua heo đất cho con bỏ tiền lì xì... là những cách giúp trẻ học về tiết kiệm.
Đặc biệt, bố mẹ nên chọn những món đồ trong suốt để con đựng tiền tiết kiệm. Nhờ đó, trẻ có thể nhìn thấy rõ ràng sức mạnh của việc "tích tiểu thành đại" qua từng ngày.
Biết được phải lao động vất vả mới kiếm ra tiền
Hãy phân tích cho bé hiểu rằng, để có tiền mua nhà, xe, sắm đồ đạc, thực phẩm, quần áo,..., bố mẹ phải làm việc vất vả như thế nào. Qua đó, các bé học được cách biết trân trọng đồng tiền, giữ tiền cẩn thận và không được lãng phí.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet