Là người lặn lội sang tận đất nước Israel xa xôi để đưa kinh nghiệm nuôi dạy con của các bà mẹ Do Thái về Việt Nam, chuyên gia giáo dục sớm Lại Thị Hải Lý (Sáng lập Tập đoàn Giáo dục và đầu tư VSK – phương án 0 tuổi tại Việt Nam) đã mang lại cho cộng đồng những kinh nghiệm nuôi con vô cùng hữu ích.
Từ những tìm hiểu đầu tiên cùng với những nghiên cứu, chứng kiến tận mắt tại Israel, các con của chị được tạo dựng nền nếp ngay từ khi còn nhỏ và sớm được "kích hoạt'' tài năng riêng. Kinh nghiệm nuôi con của người Do Thái được chuyên gia Lại Thị Hải Lý áp dụng ngay tại gia đình hết sức thành công.
Nhờ việc áp dụng cách nuôi dạy con của người Do Thái cùng sự nỗ lực của các con mà hiện nay 2 bé đều có sự phát triển tài năng đặc biệt. Con trai lớn của chuyên gia Lại Thị Hải Lý là Nhữ Hoàng Minh (11 tuổi) - một cậu bé tài năng, 4 tuổi thuộc 3 bộ sách Tam Quốc Chí, thậm chí có thể nhớ từng chương và từng hồi. Đến bây giờ, Hoàng Minh là MC của 3 kênh truyền hình, Minh cũng từng đạt vô địch quốc gia môn Dance Sport. Còn bé gái thứ hai là Bella đã bộc lộ khả năng học ngoại ngữ tuyệt vời, được "kích hoạt" khả năng nói 5 thứ tiếng trước lúc 2 tuổi.
Trên thế giới có rất nhiều phương pháp nuôi dạy con, vì lý do gì mà chị theo cách dạy con của người Do Thái vậy?
Ngay từ khi mang bầu cháu Hoàng Minh, tôi đã tìm đọc sách về phương pháp giáo dục sớm nhưng lúc đó trên thị trường Việt Nam còn hiếm dòng sách này. Mãi về sau, tôi mới tìm được cuốn "Em phải đến Havard học kinh tế”, đây là cuốn sách của bà mẹ Lưu Vệ Hoa viết về việc nuôi dạy cô con gái Lưu Diệc Đình. Đến năm 2009, tại Việt Nam xuất hiện cuốn sách “Phương án 0 tuổi” đã tạo thành cơn sốt trong các bậc cha mẹ mong muốn nuôi dạy con thành tài. Bản thân tôi nghĩ tại sao không đưa điều này triển khai ở Việt Nam vì Việt Nam đã đi sau thế giới khoảng 30 năm về giáo dục sớm trong khi nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Ý, Singapore đã đẩy mạnh và tăng tốc với vấn đề này. Thậm chí, người Do Thái còn ghi những điều này trong kinh Torah và bộ sách Talmudh từ 3 nghìn năm trước.
Khi áp dụng cách dạy con của người Do Thái vào chính con của mình, chị có sự chọn lọc hay đưa toàn bộ những gì trong sách?
Con cái chúng ta không phải là “nồi lẩu” cũng không phải là "chuột bạch", dân tộc Việt Nam cũng có những tinh hoa của mình. Chúng ta chỉ chắt lọc những tinh hoa của các dân tộc khác trên thế giới sao cho phù hợp với văn hóa của người Việt Nam. Sau "Phương án 0 tuổi" thì có rất nhiều trường phái dạy con theo phong cách Mỹ, Nhật gần đây đã nở rộ tại Việt Nam. Tất nhiên, không phải cứ đưa cái gì vào là đều sử dụng để nuôi dạy con được. Mỗi gia đình có một hoàn cảnh, điều kiện và sự ảnh hưởng của bố mẹ hay ông bà tới các con khác nhau. Vì vậy, tôi chắt lọc những tinh hoa của nhân loại, trong đó có phương pháp nuôi dạy con của người Do Thái để áp dụng cho các con mình và chia sẻ cho cộng đồng.
Chuyên gia Lại Thị Hải Lý
Khi nghe chị kể về cách áp dụng với các cháu, chắc chắn nhiều phụ huynh sẽ nghĩ hẳn là nhờ có yếu tố thông minh mới “thích nghi” được phương pháp trên. Phải chăng là vậy?
Thực ra mọi đứa trẻ đều là thiên tài, bên trong mỗi cháu đều có những khả năng riêng. Thậm chí, có thể có những em bé bị tổn thương não nhưng chỉ cần biết đúng phương pháp và kích hoạt sớm thì mọi tiềm năng sẽ được khai mở. Bí mật quan trọng nhất là vào thời kỳ sinh trưởng của não (0-6 tuổi), chỉ cần một tác động nhỏ đúng cách cũng rất có ý nghĩa.
Thiên tài chỉ có 1% là gen, 99% là phương pháp và sự nỗ lực của bản thân. Đúng thời điểm vô cùng quan trọng, để giúp những khả năng tiềm tàng được phát triển. Bộ não con người mới chỉ khai thác được 5%, với thiên tài cũng mới chỉ khai thác được 10%, tiềm năng não bộ của con người vô hạn mà chưa khai thác được hết. Mục tiêu của giáo dục sớm không phải tạo ra thần đồng mà là phát huy các tố chất của con người trong thời kỳ não sinh trưởng, nghĩa là phải cung cấp nguồn “dinh dưỡng” để khai thác được tiềm năng của não bộ.
Chị áp dụng phương pháp nuôi dạy con của mẹ Do Thái tại gia đình như thế nào?
Điều tuyệt vời nhất tôi học được của người Do Thái là từ giai đoạn mang thai. Với người Do Thái, phụ nữ mang thai là đang mang sứ mệnh cho dòng tộc, gia đình và quốc gia. Vì vậy, gia đình Do Thái có thể khó khăn nhưng họ rất tôn trọng người phụ nữ mang bầu. Người chồng luôn dành thời gian chăm sóc cho vợ. Thời gian mang thai có sự giao hòa giữa mẹ và con, trái tim hai mẹ con hòa cùng nhịp đập. Điều mà tôi áp dụng nhiều nhất chính là “Tinh hoa thai giáo đỉnh cao” và quan điểm dạy con không trở thành mọt sách mà phải biết vận dụng sự hiểu biết vào cuộc sống, luôn đề cao sự vượt khó của trẻ.
Đừng vội can thiệp
Như chị nói, người Do Thái đề cao sự vượt khó của trẻ, còn gia đình chị rèn cho các cháu sự vượt khó như thế nào vậy?
Hai cháu nhà tôi ở hai lứa tuổi khác nhau nên những việc các cháu làm cũng không hẳn giống nhau. Đối với cháu lớn, những việc trong khả năng, tôi để cháu tự làm hết. Kể cả việc cháu học hàng ngày. Tôi chấp nhận những lúc con bị thất bại hay cả việc bị điểm kém bởi đó là bài học để lần sau con cố gắng hơn. Bản thân tôi không làm hộ cháu bài tập để con lúc nào cũng đúng, tôi chấp nhận để con sai.
Ở nhà, cháu có tư duy làm chủ gia đình, không cảm thấy mình vô dụng. Được làm các việc như rửa bát, quét nhà… khiến con trai lớn Hoàng Minh của tôi cảm thấy có trách nhiệm với bản thân và gia đình. Cháu Bella (4 tuổi) có khả năng đọc từ lúc 1 tuổi và có những khả năng đặc biệt về ngôn ngữ, âm nhạc, hội họa, tư duy logic, phản biện, … ngay từ nhỏ cũng tự làm những việc nhà vừa sức mình. Dù có bận thế nào, tôi cũng luôn đưa các cháu ra ngoài cuộc sống để biết được những điều xung quanh.
Cháu Hoàng Minh - con trai lớn của chuyên gia Lại Thị Hải Lý.
Nhiều phụ huynh đổ cho bận rộn nên không có thời gian để con học được kiến thức xung quanh qua thực tiễn. Chị có mẹo gì để những ông bố bà mẹ đó thay đổi suy nghĩ?
Đúng là nhiều người cứ nói là quá bận rộn nên không thể áp dụng điều này cho con. Nhưng không cần phải cầu kỳ hay đi đâu xa, chỉ cần mỗi ngày trên đường đưa cháu đi học, bố hoặc mẹ đọc biển số những loại xe đi trên đường, đọc số nhà hay nói chuyện với con về những điều thú vị gặp xung quanh... Trong nhà, khi đi lên xuống bậc cầu thang, bố mẹ cũng có thể cho trẻ đếm, trong lúc làm việc nhà thì ca hát hay đọc thơ, nói chuyện… để con cái được thấm dần. Hay khi bắt đầu ngồi vào bàn ăn, bố mẹ có thể nói trẻ đếm số ghế, số người ăn, số bát, đũa, nhận dạng hình dáng của từng loại dụng cụ đựng đồ ăn… Học mọi lúc mọi nơi, trẻ sẽ hấp thụ dần dần.
Bố mẹ nên làm gì để trẻ thích nghi với việc tự vượt khó?
Bản chất của sự vượt khó đó là trẻ tự giải quyết tình huống hoặc vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Khi có khó khăn gì, bố mẹ đừng vội can thiệp ngay lập tức. Người Do Thái có câu "Phụ huynh 100 điểm không bằng phụ huynh 80 điểm". 20 điểm kia là họ dành cho tình yêu lý trí để con tự đứng ra giải quyết những vấn đề học tập hay làm việc nhà phù hợp lứa tuổi. Tại nhà tôi, quần áo các cháu tự chọn, tự cho vào máy giặt, phơi và gấp cẩn thận. Phụ huynh chỉ là "quân sư" chứ đừng làm "quản gia" cho con.
Cách dạy của chị theo người Do Thái, vậy 1 ngày với các bé không biết có gì đặc biệt không?
Thực ra 1 ngày của người Do Thái không bắt đầu từ bình minh và kết thúc buổi tối vì nếu như thế họ cho rằng sẽ rất ảm đạm. Ngày mới theo quan niệm của người Do Thái bắt đầu từ chiều tối. Vì vậy, bản thân tôi cũng áp dụng điều này. Thời gian dành cho con nhiều nhất là lúc các cháu tan học. Với các mẹ Việt Nam thì sau khi đón con về sẽ tất bật với chợ búa, chuẩn bị bữa tối. Tuy nhiên, tôi thường đưa con đi chơi, đến công viên hay vườn hoa, siêu thị... để cháu được thư giãn và hiểu được cuộc sống xung quanh. Sau đó, sẽ chuẩn bị bữa cơm tối một cách nhanh chóng với sự giúp đỡ của các con. Lúc gia đình quay quần bên mâm cơm, bố mẹ và con cùng kể về những việc tốt đã làm trong ngày, có điều gì hay sẽ cùng nhau chia sẻ, có gì khó khăn sẽ cùng nhau bàn bạc giải quyết.
Với buổi sáng, tôi không phải đặt đồng hồ báo thức và nhọc lòng khua khoắng ầm ĩ gọi các cháu dậy. Bởi ngay từ buổi tối hôm trước, tôi đã nói cho các cháu biết sáng sớm mai sẽ dậy thời điểm nào và làm những việc gì. Sự cài đặt trước đó khiến tất cả đi sâu vào tiềm thức của trẻ trong giấc ngủ nên chỉ cần đến 7h sáng là các cháu thức giấc. Sau đó, các con tự đánh răng, rửa mặt, tự chọn quần áo, giúp mẹ chuẩn bị bữa sáng và đến trường.
Đừng vội nghĩ con mình có năng khiếu
Cháu Hoàng Minh – con trai lớn của chị đã có những thành công nhất định ở lĩnh vực dance sport. Chị khám phá ra năng khiếu của cháu từ lúc nào để bồi dưỡng?
Thực ra, phụ huynh có thể không biết con mình có năng khiếu ở bộ môn nào nếu không qua thử nghiệm. Qua quá trình cho trẻ tiếp xúc, phụ huynh quan sát sự hứng thú của con thì sẽ nhận ra. Với cháu Hoàng Minh, lúc 4 tuổi, khi thấy các bạn khác nhảy dance sport ánh mắt của cháu thật sự hào hứng. Thêm 2-3 lần như thế nữa, cháu thể hiện sự khao khát của mình nên tôi quyết định cho cháu học. Có những bố mẹ khác thấy con cầm bút vẽ nguệch ngoạc đã nghĩ con mình thích hay đam mê hội họa, không nên vội vàng như vậy. Thậm chí, ở mỗi lứa tuổi, trẻ có những đam mê khác nhau.
Bé Bella là con gái thứ hai của chuyên gia Lại Thị Hải Lý. Bé đã bộc lộ khả năng học ngoại ngữ tuyệt vời từ nhỏ
Còn bé gái thứ hai Bella có khả năng ngôn ngữ rất tuyệt vời, cháu được học thế nào từ chị vậy?
Bella là em bé may mắn được áp dụng phương pháp giáo dục sớm từ trong bụng mẹ. Khi mang thai, các mẹ hãy nói chuyện với con nhiều để con phát triển khả năng ngôn ngữ. Bạn có thể nói những câu hàng ngày như “Con yêu, mẹ đi làm nhé”, “mẹ bật đèn nhé” hay kể những việc hàng ngày với con… sẽ giúp trẻ học tiếng mẹ đẻ ngay từ trong bụng mẹ. Bởi giai đoạn mang thai giữa mẹ và con có sự liên hệ chặt chẽ hơn bao giờ hết. Khi cháu ra đời thì bắt đầu dạy thêm tiếng Anh bằng cách nói với cháu song song cả tiếng Việt và tiếng Anh, dán trên mỗi đồ vật các thẻ chữ song song hai ngôn ngữ để cháu tiếp cận.
Hiện nay, ngoài tiếng Việt, cháu Bella đã đã được "kích hoạt" 5 thứ tiếng khác trước lúc 2 tuổi. Mỗi ngôn ngữ sẽ có một giáo viên riêng, tạo phản xạ cho cháu chỉ dùng ngôn ngữ đúng với mỗi giáo viên. Có một cách khác cũng rất hiệu quả là dạy ngoại ngữ theo thời gian trong ngày, ví dụ, buổi sáng thức dậy, bố mẹ chỉ nói với con bằng tiếng Anh, tối chỉ nói với con bằng tiếng Trung chẳng hạn. Việc học ngôn ngữ qua bài hát cũng rất có tác dụng, với một bài hát, tôi cho cháu nghe bằng các ngôn ngữ khác nhau như tiếng Trung, Anh, Pháp, Esperanto, Tây Ban Nha. Cách học song song này làm cho trẻ rất dễ nhớ còn nếu học mà không liên quan đến nhau cũng dễ bị làm trẻ bị rối.
Theo chị, các phụ huynh có thể dạy con ngoại ngữ như thế nào để trẻ học tốt nhất?
Có 3 phương pháp dạy con học ngoại ngữ gồm:
- Có thể bố mẹ không biết gì về tiếng Anh có thể nhờ Internet hỗ trợ. Bố mẹ học cùng con, cùng chơi và thi để xem ai học nhanh hơn.
- Học nửa hoàn cảnh là bố mẹ có thể không giỏi tiếng Anh lắm nhưng có thể nói chuyện song song với con
- Phương pháp hoàn hảo là học trực tiếp bằng ngôn ngữ đó với 1 giáo viên nhất định trong giai đoạn trước 3 tuổi để phát triển khả năng mẫn cảm của trẻ.
Cảm ơn chị đã trả lời phỏng vấn!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet