Khi bé Gà vừa đến tuổi đi nhà trẻ, tôi liền bàn với vợ sinh thêm con. Cô ấy chần chừ: “Em còn trẻ, còn phải phấn đấu công việc cho ổn ổn một chút. Đợi vài năm nữa kinh tế khá hơn, con cũng lớn hơn rồi đẻ vẫn chưa muộn anh ạ. Chứ giờ chỉ chăm bé Gà thôi là đã vất vả rồi, vợ chồng mình tập trung lo cho con được đầy đủ đã.” Tôi nổi quạu: “Con đi lớp rồi còn vất vả cái gì! Ông bà đã nói: “Chỉ nhà vô phúc mới có độc mụn con!” Mà anh thì đâu còn trẻ nữa…” Chiều lòng tôi, vợ bầu bí lần 2.
Lần trước mang thai bé Gà thì nhẹ như bẫng, nhưng đến lượt con Heo không hiểu sao vợ lại yếu thế. Cô ấy gần như phải nằm viện suốt cả thai kì để theo dõi. Cũng may là 9 tháng 10 ngày sau thì mẹ tròn con vuông. Tôi vui mừng khôn xiết, bởi với tôi, con cái là của cải quý giá nhất. Tôi tự nhủ sẽ cùng vợ chăm sóc các con thật tốt!
Vì ốm đau triền miên khi bầu bí bé Heo nên vợ bị mất việc. Tôi lại thấy yên tâm lắm vì các con được chăm sóc đầy đủ. Thú thực, tôi cũng chẳng muốn vợ đi làm, phụ nữ mà mải lo sự nghiệp thì sẽ xao nhãng việc gia đình. Dù vợ tỏ ra tiếc nuối vì cô ấy có công việc khá ổn, nhưng tôi động viên rằng khi con lớn đi làm lại cũng có sao. Vả lại lương của tôi cũng đủ lo cho gia đình.
Những vất vả, tốn kém khi nuôi con quá lớn khiến tôi lúc nào cũng quay cuồng, lo lắng.
Trước có mỗi bé Gà nên việc chăm con vợ tôi làm hết. Tôi chỉ việc cưng nựng, chơi với con những lúc rảnh rỗi mà thôi. Vậy nên với tôi việc nuôi một đứa trẻ chẳng khó nhọc gì. Chỉ từ khi có thêm con Heo, tôi bắt buộc phải “xắn tay” lên phụ vợ. Từ giặt giũ, tắm táp, cho con ăn và vệ sinh,… tôi đều được “nếm trải” hết. Thật ra tôi chẳng ngại ngần gì vì làm những việc đó tôi thấy hạnh phúc; có điều tôi cũng bắt đầu thấm thía thế nào là mệt mỏi.
Nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì đâu có gì đáng nói. Số là vợ tôi từ khi sinh bé thứ hai xong thì cơ thể rất yếu. Cô ấy hay ốm hơn và cả những lúc bình thường thì sức lực cũng không có nhiều. Điều đó đồng nghĩa rằng công việc của tôi dần tăng lên vô hạn. Nhớ những lần vừa phải trông con, vừa chăm vợ ốm lại phải đi làm ở cơ quan, tôi gần như kiệt sức. Hai mắt tôi vàng khè vì thiếu ngủ, vậy mà việc vẫn làm không xuể.
Tôi, từ một người đàn ông phong độ, trước đây chỉ biết chỉnh tề đến cơ quan thì giờ trở thành như thế này: Sáng ra đầu bù tóc rối dậy từ sớm phụ vợ nấu nướng, phơi đồ, thức con lớn dậy để chuẩn bị đi học. Nhiều hôm đưa con đến trường xong phóng vội tới cơ quan mới nhớ là mình cũng chưa kịp ăn gì, trong khi áo quần thì lếch thếch, nhàu nhĩ. Bé Heo từ khi sinh ra đã yếu ớt và quấy lắm, vợ tôi thường xuyên phải thức suốt đêm để dỗ con, rồi cả đống công việc hàng ngày nên chẳng có thời gian chăm lo cho chồng nữa. Không kể những lần Heo ốm nặng, vợ phải một mình ăn chực nằm chờ ở bệnh viện với con. Tôi thì vừa đi làm vừa phải lo cho bé Gà, chỉ buổi trưa tranh thủ phi thật nhanh ra viện với vợ con chút rồi về cho kịp giờ làm. Những bữa trưa thư thả cùng đồng nghiệp với tôi giờ trở nên hết sức xa xỉ, thay vào đó là những ổ bánh mì khô khốc nuốt vội.
Cuộc sống của tôi gần như phải tiết kiệm từng giây, từng phút cho con. Bởi đồng lương đơn thuần đã không còn đủ cho hàng trăm khoản chi tiêu phát sinh ngoài dự kiến nữa. Tôi phải tranh thủ làm thêm, “cày cuốc” bên ngoài thật nhiều để kiếm tiền. Quỹ thời gian cho con vì thế càng trở nên hạn hẹp. Đôi lần, tôi cảm thấy quá mệt mỏi nhưng vẫn phải động viên mình không được đuối, vợ và các con cần tôi.
Nghĩ lại mới thấy hối hận thật nhiều. Vẫn biết có thêm con là thêm hạnh phúc, nhưng giờ vợ chồng tôi đâu còn lúc nào mà hưởng thụ điều đó. Có lẽ tôi đã ích kỉ quá, bởi nghĩ cho cũng thì ai chẳng thích có nhiều con. Nhưng tôi đã không lường trước được hậu quả, nên chỉ vì mong muốn của mình mà khiến cả vợ và các con phải khổ. Dạo này vợ tôi có nhiều dấu hiệu trầm cảm và sức khỏe thì càng tệ hơn. Cô ấy đã yếu đi nhiều sau lần sinh thứ hai, lại thêm cú sốc mất việc; nhiều lần vợ chia sẻ rằng, nhìn chồng vất vả kiếm tiền một mình, con thì không được chăm sóc đầy đủ, kinh tế gia đình ngày càng khó khăn khiến vợ cứ trằn trọc suy nghĩ. Nhìn vợ ngày càng lặng lẽ, buồn phiền, rồi mất ngủ và ăn uống chẳng đâu vào đâu, tôi xót xa lắm!
Tôi biết mình sai nhưng giờ chẳng thay đổi được gì nữa rồi. Tôi chỉ biết cố gắng làm việc, làm thật nhiều để lo cho gia đình. Nhưng sức lực của con người có hạn, mà chặng đường phía trước của tôi còn dài quá! Hai con đều còn bé nên tôi không biết phải gồng mình đến khi nào nữa. Tôi cứ lùng bùng với những bộn bề của cuộc sống hàng ngày, thấy bế tắc khủng khiếp!
Tâm sự của anh Trần Thành Trung (nhân viên sale của một Công ty Nội thất)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet