Nội dung

Nhiều bà mẹ có thói quen diện cho con từ đầu đến chân mà không biết rằng, đó có thể là một trong những nguyên nhân gây ra vấn đề nghiêm trọng cho bàn chân non nớt của trẻ.

Cẩn thận với đồ body liền thân

Body liền thân là một trong những mốt quần áo rất được các mẹ ưa chuộng vì trông “sang như Tây” và có nhiều kiểu dáng dễ thương, bắt mắt. Nhất là đối với các mẹ ở những khu vực có thời tiết lạnh thì đây là lựa chọn lý tưởng để giữ ấm cho bé. Tuy nhiên, với những bộ đồ bọc luôn cả chân thì cha mẹ phải lưu ý không để chúng ảnh hưởng đến sự phát triển của bàn chân con.

Chân của sơ sinh và trẻ nhỏ rất khác với chân của người lớn. Nếu để ý, bạn sẽ thấy lòng bàn chân bé khá to còn gót chân rất nhỏ, hẹp với các ngón chân bé xíu thường cong cong chứ không thẳng như người lớn. Giai đoạn này xương của bé cũng chưa phát triển mà chủ yếu là sụn nên rất mềm và dẻo. Đôi chân bé xíu này có tốc độ phát triển rất nhanh. 26 xương trong mỗi bàn chân liên tục phát triển trong suốt những năm đầu đời, đến 7-8 tuổi bé sẽ có bàn chân phát triển về cơ bản nhưng phải đến tuổi thiếu niên mới gọi là hoàn thiện.

Để đảm bảo cho đôi chân của bé lớn lên theo đúng quỹ đạo này, cha mẹ phải để nó phát triển tự nhiên hết mức có thể. Bạn nên khuyến khích bé tập thể dục bằng cách đá chân hay co duỗi tự nhiên để các cơ ở bàn chân và bắp chân ngày càng khỏe hơn cho đến khi bé sẵn sàng bước những bước đi đầu tiên. Nếu vậy bé phải được mặc những bộ quần áo có độ co dãn và có kích thước phù hợp. Hãy luôn để mắt đến quần áo của bé, nếu trông chúng hơi chật bạn phải đổi sang size lớn hơn hoặc cắt phần chân của những bộ đồ liền thân ra để chân bé có thể vận động dễ dàng.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên chú ý đến tất chân, chăn mền hoặc các vật dụng xung quanh có thể cản trở đến sự phát triển của bé. Trong thực tế, có không ít bé bị lệch gót chân vì được cha mẹ mang cho những đôi vớ thun quá chặt (để không bị rớt như bao chân). Vì vậy, bạn nên chọn những đôi tất vừa chân cho bé, cũng đừng quấn hoặc chèn bé quá chặt và hãy cắt móng chân thường xuyên cho bé.

 Mẹ ham đẹp coi chừng hại chân con

Nếu mẹ có diện cho bé bộ đồ liền thân thì cần đặc biệt lưu ý (Ảnh minh họa).

Trẻ sơ sinh không cần tới giày

Cũng như quần áo, các mẹ rất dễ bị “quyến rũ” bởi những đôi giày bé bé xinh xinh, với muôn vàn màu sắc kiểu dáng khiến nhiều mẹ không cưỡng nổi sự cám dỗ mà sắm liền một lúc vài đôi khi con chỉ vừa... đầy tháng.

Thực tế, ở giai đoạn này, bé chưa cần tới giày dép. Bàn chân phẳng với lòng bàn chân rộng của bé được tạo hóa thiết kế dành cho các hoạt động với đôi chân trần để các cơ ở bàn chân mau săn chắc hơn. Điều này sẽ tạo cơ sở vững chắc cho đến khi bàn chân và cả cẳng chân của bé trở nên cứng cáp hơn. Việc các mẹ chỉ cần làm là hãy đảm bảo sàn nhà luôn sạch sẽ để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng,  cũng như không có các vật dụng nào có thể gây tổn thương đôi chân của bé. Đồng thời, như đã nói, lúc này chân của trẻ sơ sinh còn rất mềm dẻo, linh hoạt và không quá nhạy cảm nên có thể bé sẽ không phải ứng với những tác nhân có thể làm hại cho chân của mình như độ nhám hay độ ma sát của sàn nhà. Vì vậy, việc kiểm tra đôi chân của bé thường xuyên là điều rất cần thiết, tốt nhất là trong lúc cha mẹ tắm cho bé.

Khi bé đã đến tuổi để đi bộ bên ngoài, lúc này một đôi giày mới là điều cần thiết. Hãy chọn cho bé một đôi giày tốt, đừng quá rộng cũng đừng quá chật. Giày chật quá sẽ hạn chế sự phát triển của chân bé còn rộng quá sẽ làm chân bé hình thành những nếp nhăn và nhiều vấn đề khác. Một đôi giày vừa phải, có đủ không gian cho chân bé hoạt động thoải mái với mũi giày làm bằng da là tốt nhất. Bạn cũng nên thường xuyên kiểm tra kích thước giày mỗi 6-8 tuần một lần cho đến khi bé được 1 tuổi, vì giai đoạn này chân bé phát triển rất nhanh. Khi giày chật hãy thay ngay giày mới cho bé.

Điều cuối cùng là, đừng nên ép trẻ đi quá sớm. Nhiều mẹ hay nóng ruột khi thấy con người khác đã đi thành thạo còn con mình thì vẫn “bình chân như vại”. Nhưng cũng giống như việc mọc răng, việc bé biết đi sớm hay muộn là tùy vào mỗi bé. Bé sẽ đi khi nào bé cảm thấy sẵn sàng, thường là trong giai đoạn từ 10 đến 18 tháng tuổi, và nếu có muộn hơn thì cũng không nhất thiết là có vấn đề. Bạn chỉ cần tận hưởng hạnh phúc thấy con mình bước những bước đi đầu tiên là đủ.

Những lưu ý thêm dành cho mẹ:

- Thay giày, vớ lớn hơn cho bé ngay khi cần thiết.

- Đôi vớ phù hợp với bàn chân là vớ có độ dài lớn hơn ¼ so với ngón chân dài nhất của bé.

- Khi bé tập đi, hãy dạy bé đưa các ngón chân thẳng về phía trước. Ngón chân bị quặp vào hay xòe ra đều làm cho bàn chân yếu đi khiến cơ thể mất thăng bằng.

- Cho dù trong mùa lạnh cũng nên tắm rửa bàn chân cho bé ít nhất 2-3 lần một tuần trong nước ấm.

- Cắt móng chân cho bé dọc theo đường cong của móng. Không làm tròn các góc.

- Nếu thấy chân của bé bị vòng kiềng, hay ngón chân quặp vào (như cân chim bồ câu) hãy mang bé đi khám chuyên khoa. Đây có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề về chân khác. Nếu được phát hiện sớm các khiếm khuyết ở chân của bé sẽ dễ được điều chỉnh hơn.

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Những sai lầm ăn uống khi nuôi con bằng sữa mẹ

Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ giúp trẻ nhỏ tăng cường hệ miễn dịch mà còn là nền tảng cơ bản cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ. Nhưng việc cho con bú đôi khi lại khiến các bà mẹ lo lắng vì không biết thức ăn mà họ dùng có ảnh hưởng đến sức khỏe của thiên thần bé nhỏ hay không. Dưới đây là một số quan niệm sai lầm của các bà mẹ đã được các chuyên gia nhi khoa lý giải:

Xem thêm  

Đừng chủ quan khi chở trẻ bằng xe máy

Các bậc phụ huynh nên ý thức về những mối nguy hiểm luôn rình rập trẻ khi tham gia giao thông, để tránh những tai nạn đáng tiếc cho trẻ khi đi trên đường. Nhiều thương tích nghiêm trọng có thể phòng...

Xem thêm  

Lòng bao dung của người mẹ chồng

Chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con trai nhưng vì cháu nội, người mẹ đã nuốt nước mắt, tha thứ cho con dâu. Cô gái trẻ có mái tóc bới cao, nước da trắng ngần, không ngừng vặn vẹo đôi tay khi ngồi trên...

Xem thêm