Bố mẹ nào nuôi con cũng háo hức chờ những tiếng bập bẹ đầu tiên của trẻ. Cùng tham khảo những gợi ý dưới đây để kích thích bé biết nói sớm hơn.
Đặt đồ yêu thích trước mặt bé nhưng không cho bé chạm tới
Để đồ ăn, con gấu bông bé ưa thích, bông hoa đẹp,... hay bất kể vật gì bé thấy hứng thú trước mặt bé nhưng bé không thể với tới được. Khi bé có phản ứng quơ tay đến và tỏ ý muốn có được vật đó, bạn hãy nói mẫu từ chỉ vật đó cho bé bập bẹ theo.
“Tám” với bé thường xuyên
Kể cả khi trẻ chưa đến tuổi tập nói, bố mẹ - những người tiếp xúc gần gũi với trẻ nhiều nhất – nên nói chuyện với bé thật thường xuyên, kể cả khi cho bé ăn, bé đi tắm hay bé chơi đùa,... để bé quen với việc nói năng, phát triển khả năng ngôn ngữ. Sau một ngày làm việc, mẹ có thể thủ thỉ với bé chuyện hôm nay mẹ làm những gì, mẹ gặp ai,..., khi chuẩn bị cho bé ăn, hãy kể cho bé nghe thực đơn hôm nay của bé là gì,..., mặc dù bé không hiểu gì cả nhưng những câu chữ này sẽ là bước đệm hình thành nhận thức trong bé về việc giao tiếp. Trong quá trình nuôi dạy trẻ, nếu để ý bạn sẽ thấy, sau một thời gian trò chuyện với bé, bé sẽ có thể chăm chú nghe hay quay đi tìm người đang nói chuyện với bé.
Hãy tích cực "tám" với bé ngay cả khi bé chưa biết nói. (Ảnh minh họa)
Không bắt chước ngôn ngữ của bé
Trẻ tập nói có xu hướng nói ngọng, nói không chuẩn như “uống nước” thành “uốn nướt”, “thịt gà” thành “chịt gà”,... Mọi người trong gia đình thường thấy thế rất đáng yêu và nhại theo những câu chữ ngô nghê của bé, vô tình khiến bé chậm nói chuẩn và thành tật khó sửa. Vì thế, bất cứ khi nào thấy bé phát âm sai, bố mẹ phải uốn nắn lại ngay lập tức.
Cho bé gặp gỡ nhiều người
Tạo cho bé cơ hội tiếp xúc với nhiều người, đặc biệt là các bạn đồng trang lứa càng nhiều càng tốt. Môi trường giao tiếp đa dạng sẽ làm bé hứng thú với việc trò chuyện hơn.
Hát cho trẻ nghe và dạy trẻ hát
Thường xuyên hát cho trẻ nghe những bài hát vui nhộn, ngôn từ dễ hiểu, trong sáng và dạy trẻ hát theo bạn. Giai điệu của âm nhạc dễ đi vào nhận thức của trẻ hơn, góp phần làm phong phú vốn từ của trẻ, kích thích trẻ nhanh biết nói và nói tốt hơn, hay hơn.
Thường xuyên hát cho trẻ nghe và dạy trẻ hát theo sẽ kích thích bé nhanh biết nói. (Ảnh minh họa)
Đọc sách cho bé nghe
Thường xuyên đọc sách và cho trẻ xem tranh. Khi đọc sách cho trẻ nghe, người lớn cần phải chú ý đọc to, rõ ràng và phát âm phải thật chuẩn xác.
Luôn luôn đáp lời bé
Ngay cả khi bé mới chỉ biết “ê a”, hãy chú ý bắt chuyện với con với một thái độ thích thú, nhiệt tình và tạo cho con cơ hội để đáp trả lại. Bé sẽ bắt đầu hiểu rằng, từ lúc còn rất nhỏ, giao tiếp là cho đi và nhận lại.
Cổ vũ bé nhiệt tình
Khi bé mới bắt đầu bập bẹ, thậm chí mới chỉ phát ra những âm thanh vô nghĩa, hãy dành cho bé lời khen thật nhiệt tình, tích cực, có thể kèm phần thưởng, để bé tăng độ tự tin, thích nói hơn và tiếp tục học nói.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet