Vào những ngày hè đỉnh điểm như tháng 6,7 nắng nóng lên 40 độ C trẻ dễ có nguy cơ mắc bệnh. Nhiều mẹ chủ quan khi thấy con sốt mà dùng các biện pháp chữa trị tại nhà. Một số trường hợp bệnh của trẻ không tiến triển tốt mới tá hỏa đưa bé đi viện và gây nhiều biến chứng nguy hiểm, khó lường.
Những dấu hiệu ban đầu của viêm màng não
Những ngày nắng nóng, lượng bệnh nhân tại các khoa Nhi tăng đột biến. Theo các chuyên gia, đây là thời điểm thuận lợi để một số vi trùng và siêu vi trùng xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây viêm màng não. Theo ghi nhận tại một số khoa Nhi bệnh viện nhưBệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai số trẻ nhập viện do bị viêm màng não ngày càng có xu hướng gia tăng.
Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Lượng trẻ vào viện do viêm màng não trong 4-5 tuần trước tăng hơn so với đầu năm. Trung bình một ngày tại khoa Nhi tiếp nhận 1-2 trường hợp. Nhiều gia đình do chủ quan, khi thấy con sốt không đưa đến viện sớm nên diễn biến bệnh của trẻ càng nặng.
Tại các viện nhi lượng trẻ nhập viện tăng nhiều vào ngày nắng nóng
Bác sĩ Nam cũng cho biết thêm, bản thân viêm màng não có những biểu hiện dễ nhầm với cảm hay sốt virus nên nhiều gia đình khó phân biệt và thường chủ quan. Các mẹ cần lưu ý đến những dấu hiệu bất thường của trẻ, ví dụ như:
- Đối với trẻ sơ sinh thì quấy khóc nhiều, bú kém, bỏ bú hoặc nôn, sốt, co giật...
- Trẻ kêu đau đầu, sốt, nôn hoặc co giật thậm chí thay đổi tình trạng tri giác ...
- Trẻ sốt cao, dai dẳng.
- Trẻ có dấu hiệu phát ban trên cơ thể.
Bệnh viêm màng não thường lây qua đường hô hấp, siêu vi trùng hay vi trùng gây bệnh có trong các chất tiết đường hô hấp.
Viêm não - màng não ở trẻ thường lây nhiễm do:
- Trẻ tiếp xúc trực tiếp với nước bọt (ho, hôn) với người bị bệnh.
- Bệnh viêm não, màng não cũng có thể lây truyền qua muỗi đốt.
Làm gì khi thấy trẻ có biểu hiện Viêm màng não?
Viêm màng não là loại bệnh nặng cần được điều trị cấp cứu, nếu không điều trị hay điều trị trể bệnh có thể gây tử vong hay để lại những di chứng như điếc, mù lòa, bại não.
Khi cha mẹ thấy trẻ có những biểu hiện trên cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế và bệnh viện chuyên khoa để chẩn đoán, chữa trị kịp thời. Tuyệt đối không chủ quan và tự ý điều trị bệnh cho trẻ tại nhà để tránh diễn biến xấu có thể xảy ra ở trẻ.
Khi trẻ có những dấu hiệu bị bệnh nên đưa đến các cơ sở y tế kịp thời (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, để phòng ngừa viêm màng não, phụ huynh nên cho con tiêm phòng vắc – xin viêm não Nhật Bản. Khi trẻ bị nhiễm bệnh lý hô hấp, tai mũi họng nên chú ý điều trị dứt điểm.
Trong chế độ dinh dưỡng các mẹ cũng nên bổ sung vào thực đơn cho trẻ những thực phẩm tăng sức đề kháng như: sữa, cam, thịt lợn, thịt bò, thịt gà hoặc những loại rau củ quả có màu xanh đậm có trong: súp lơ, rau dền...
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet