Ở nhà chăm con và nội trợ nên chị Hoàng Thủy (Hải Dương) có rất nhiều thời gian để vào bếp. Chị tâm sự, bản thân rất yêu thích nấu ăn. 9X nhớ lại, ngay từ khi còn học lớp 6, 7 mình đã có những cuốn vở ghi lại các công thức nấu ăn hoặc các loại bánh học được từ người quen hay sách báo, tivi...
Hơn thế, ngày nhỏ, lúc nào cũng được thưởng thức món ngon mẹ nấu cũng là nguồn cảm hứng, khiến chị thích thú, tò mò hơn với căn bếp gia đình. Thế rồi từ khi học lớp 7 trở đi, ngày nào được nghỉ học ở nhà, chị Thủy vừa trông em, vừa nấu cám lợn rồi nấu cơm để chờ bố mẹ về. Tuy vẫn đang tuổi ăn tuổi chơi nhưng cô bé 14 tuổi ngày ấy lại không hề thấy phiền khi bố mẹ giao nhiều vụ như vậy. Ngược lại, bản thân lại rất thích thú, hào hứng thực hiện.
Chị tâm sự, trước đây hai vợ chồng chị đều làm bên y tế nhưng vì có con nhỏ, chị chuyển sang làm giáo dục cấp mầm non để tiện thời gian đưa đón bé. Tuy nhiên dịch bệnh xảy ra, con không đi học, công việc của 9X cũng tạm dừng, vì thế chị nghỉ hoàn toàn ở nhà để chăm sóc bé. Để không quá rảnh rỗi và tăng thêm thu nhập, chị còn làm thêm bánh ngọt để bán. Cũng vì ở nhà nhiều nên chị cũng chăm chút cho bữa cơm gia đình hơn.
Hiện tại, mỗi bữa bà mẹ 1 con sẽ nấu cho 4 người ăn. Chị cho biết, tùy mỗi bữa mà thời gian chế biến cũng khác nhau, dao động từ 45 phút đến 1,5 giờ. Là người "tay hòm chìa khóa" trong nhà, chị Thủy rất biết cách cân đối chi tiêu. Chính vì thế, chi phí mỗi bữa cơm của gia đình chị trung bình từ 60-100 nghìn đồng, trừ những ngày "đổi gió".
"Mỗi ngày thức dậy thì mình đã nghĩ ra các bữa ăn và sắp xếp sao cho hợp lý rồi. Ví dụ như ngày hôm đó có món chiên hay có dầu mỡ thì nên ăn vào buổi trưa, giảm tải buổi tối. Và nếu món mặn bữa đó là chiên, xào rồi thì sẽ kết hợp cùng canh rau hoặc rau luộc sẽ nhẹ nhàng cho hệ tiêu hóa của chúng ta hơn", chị nói.
Để việc vào bếp trở nên nhẹ nhàng, đơn giản, không gấp gáp, bà mẹ đảm thường đi chợ và sơ chế thực phẩm trước cho 3 ngày đến 1 tuần. Đồ gì cần ướp sẵn thì chị sẽ ướp luôn sau đó dán tem, ghi tên món ra ngoài hộp đựng. Khi nào cần, chị sẽ bỏ ra nấu cho nhanh gọn.
Vốn linh hoạt trong nấu nướng nên 9X thường xuyên thay đổi thực đơn giúp bữa cơm thêm hấp dẫn. Chị nói vui, "nếu không chồng chê, chồng chán đó". Bà mẹ một con chia sẻ, mình sẽ thay đổi bằng cách như trưa ăn cơm, chiều ăn bún, hoặc trưa ăn đồ rán, chiên, xào thì tối sẽ ăn đồ luộc. Ngày hôm trước ăn cá thì ngày hôm sau sẽ là thịt lợn, thịt gà… "tuỳ cơ ứng biến" và tuỳ tâm trạng ông xã nhà chị. Ngoài nấu các món mặn, chị Thủy cũng thích làm các món nước, làm bánh ngọt cho chồng con thưởng thức.
Có lẽ chăm chút cho nấu ăn nên chồng con luôn ăn hết các món chị nấu. Con gái chị hay nói "ngon quá mẹ ơi!" trong khi ông xã chị lại nhắc nhở "mẹ nó nấu đơn giản thôi, dạo này bụng bố to rồi đó”. Chồng nói thế nhưng chị lại cho biết, "anh vẫn ăn và ăn đến giọt cuối cùng!".
"Với mình mâm cơm nhà luôn là điều thiêng liêng và ấm áp, bất kỳ ở Châu lục hay thời đại nào chắc cũng thế cả. Được nấu và nhìn những người thân yêu ăn ngon lành món mà mình làm ra, thật là vui và hạnh phúc. Bữa cơm nhà là nơi gắn kết, là nơi bình yên mà mọi người đều hướng về. Vì vậy mình và mọi người cùng cố gắng giữ lửa bếp thật lâu, thật lâu về sau nhé!", chị vui vẻ nhắn nhủ với chị em nội trợ.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet