Năm ngoái, khi chương trình học mẫu giáo của con còn những 4 tháng nữa mới kết thúc nhưng hai vợ chồng tôi đã vội vàng tìm hiểu và đăng ký trước cho con một suất học ở trường quốc tế của Úc. Chồng tôi làm ngân hàng nhà nước, còn tôi làm cho một công ty nước ngoài nên cả hai cũng muốn con có được nền giáo dục tốt nhất.
Ngày ấy tôi như mê muội trước những lời quảng cáo mời gọi, và hứa hẹn của những ngôi trường này. Nào là trang thiết bị hiện đại, giáo viên bản ngữ, các thầy cô dạy học bằng tiếng Anh. Tôi đưa con vào đó học với niềm hi vọng con sẽ phát huy được tối đa khả năng.
Vỡ mộng trường quốc tế
Không giống như những gia đình khác phải thắt lưng buộc bụng cho con đi học ở ngôi trường đắt đỏ, về khả năng tài chính thì nhà tôi không có gì phải băn khoăn. Tuy nhiên, sau khi cho con học được một năm tôi thấy đắt mà chẳng “sắt ra miếng” tẹo nào.
Ban đầu cứ nghĩ con học trường quốc tế các thầy cô nói tiếng Anh chuẩn thì trình tiếng Anh của con cũng theo đó mà đi lên. Ai dè khả năng tiếng Anh của con tôi chẳng thấy cao hơn so với mấy đứa bé hàng xóm học trường công là mấy. Hỏi ra mới biết ở trường các thầy chú trọng hơn vào học và luyện nghe nói chứ không phải ngữ pháp như tôi vẫn kèm con ở nhà. Thế là tôi lại phải đăng ký thêm cho con một lớp luyện nghe nói riêng ở trung tâm.
Tôi luôn mong con có được nền giáo dục tốt nhất (Ảnh minh hoa)
Tệ hơn nữa là do nghe nói không tốt mà chương trình lại được giảng dạy đến 80% bằng tiếng Anh nên con tôi nghe câu được câu chăng, thành ra cả hai kỳ học, điểm lúc nào cũng gần như đội sổ. Tiếng Anh không tốt, kết quả học tập cũng chẳng khá khẩm gì, học sinh trong trường lại toàn con nhà đại gia, coi trời bằng vung, nên con hay bị bạn cùng lớp kỳ thị, chê cười. Còn mấy nhà xung quanh, con học ở trường công hết nên con cũng chẳng có ai chơi, nhiều lúc nghĩ mà tôi thấy tội cho con quá.
Sau một thời gian cân nhắc hai vợ chồng tôi quyết định xin cho con chuyển về trường công dù nhiều người can ngăn vì sợ bé bị “sốc văn hóa”. Tôi biết điều này là không tránh khỏi nhưng thà cho con đau một lần rồi cho con bắt đầu lại còn hơn cứ để con học mà trầy trật như thế này.
Cũng may bố chồng tôi quan hệ rộng, quen với một cô phó hiệu trưởng trường công gần nhà, nên chuyện giấy tờ được giải quyết nhanh chóng chứ nghe nhiều người nói giáo viên trường công rất ngại nhận học sinh chuyển về từ trường quốc tế.
Mấy hôm đầu đi học nghe con kể các bạn không chơi cùng, giờ ra chơi con phải ngồi trong lớp một mình, tôi cũng sót lắm. Tất cả đều là lỗi sai của hai vợ chồng tôi thế mà giờ lại để bé phải chịu hết. Hai vợ chồng tôi quyết định lên kế hoạch sửa sai.
Tôi bắt đầu bằng việc cho con kết bạn với mấy bé hàng xóm học cùng trường. Tối đến, dù bận việc thế nào tôi cũng sắp xếp cho con sang nhà hàng xóm chơi. Tôi cũng dạy con cách bắt chuyện với các bạn, rằng con cần phải hòa đồng và khiêm tốn thì mới được các bạn quý. Học ở trường quốc tế thì bị các bạn dè bỉu, sang trường mới cũng chưa quen, nay lại có thêm mấy người bạn hàng xóm cùng chơi cùng học, con vui tươi hơn hẳn.
Tôi cũng được nghe cô giáo lưu ý rằng chương trình học ở trường quốc tế và trường công không giống nhau nên quan tâm đến từng bài tập về nhà, từng bài kiểm tra của con. Kết quả học tập cũng theo đó mà tiến bộ. Tối tối ngồi dạy con học tôi thấy đó cũng là niềm vui, chứ không như hồi con học trường quốc tế, hàng ngày chỉ nhận tờ đánh giá từ thầy giáo chứ con chẳng bao giờ có bài tập về nhà.
Sau kỳ học đâu tiên đầy gian truân, giờ con đã có rất nhiều bạn mới, về nhà ăn cơm là cứ tíu tít kể chuyện ở lớp. Cô giáo cũng nói kết quả học tập của con có nhiều tiến bộ, con được các bạn trong lớp yêu quý, khác hẳn với những suy đoán ban đầu của nhiều người. Giờ thì tôi đã nhẹ nhõm được phần nào, giống như vừa sửa chữa được một sai lầm lớn vậy.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet