8h30 sáng ngày 5/9, hòa chung với không khí ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, thầy và trò trường Xã Đàn (Hà Nội) cũng vui tươi, náo nức tổ chức lễ khai giảng. Tuy nhiên, không giống với những ngôi trường bình thường khác, những cô bé, cậu bé ở đây mang trong mình nhiều thiệt thòi khi lớn lên mà không có khả năng nghe, nói.
Từ những năm đầu còn nhiều khó khăn vất vả, cả trường chỉ có hơn chục học sinh với vài thầy cô giáo, sau 37 năm, trường PTCS Xã Đàn đã vươn lên, trở thành một trong những ngôi trường chuyên biệt dành cho học sinh khiếm thính hàng đầu của Thủ đô cũng như cả nước.
Khác với các bạn cùng trang lứa, học sinh trường PTCS Xã Đàn, Hà Nội, nghe tiếng trống, hát Quốc ca trong ngày khai trường cũng như thể hiện niềm vui đón năm học mới qua động tác của đôi tay.
Ánh mắt hồi hộp, háo hức của các em khiếm thính ngày tựu trường.
Không như những cô bé, cậu bé bình thường, trên tai các em học sinh trường Xã Đàn thường đeo một dụng cụ trợ thính.
Những em bé bị khiếm thính khối mẫu giáo cũng cầm cờ hoa ngồi khai giảng cùng các anh chị.
Bên ngoài cổng trường, rất nhiều phụ huynh đang ngồi chờ lễ khai giảng cùng con.
Bé lớp một khiếm thính một mình trọ học xa nhà với ông nội 70 tuổi
Đứng nép bên hành lang trường, chị Phan Thị Lên (Hưng Yên) chăm chú đứng nhìn cậu con trai đang ngoan ngoãn ngồi cầm cờ làm lễ khai giảng. Hôm nay, bé Phong, con trai chị được vào lớp một.
Chị Lên và bé Phong mới lên Hà Nội được 2 ngày, hai mẹ con dậy từ 5 giờ sáng, 8 giờ mới đến được trường. Lần đầu được đến trường đến lớp, gặp bạn bè thầy cô, bé Phong rất vui và cười suốt. Vì còn nhỏ, chưa ý thức được những vất vả khi phải một mình sống xa nhà nên Phong vẫn rất hồn nhiên. Còn chị Lên, thương con, nghĩ đến cảnh để đứa trẻ mới tròn 8 tuổi, nói chưa biết nói nghe chẳng biết nghe phải ở một mình mà trong lòng ngổn ngang trăm mối. Tham dự lễ khai giảng hôm nay xong, hai mẹ con vẫn chưa tìm được nhà trọ ở Hà Nội.
Bằng tuổi Phong, những đứa trẻ bình thường còn chưa biết tự ăn tự mặc thì em đã phải một mình trọ học xa nhà để biết cái chữ cái số.
Đôi mắt đỏ hoe, chị Lên kể: "Bé Phong mắc chứng khiếm thính bẩm sinh từ khi được 6 tháng tuổi. Ngày ấy, gia đình chị chạy vạy khắp nơi, nghe thấy ai mách chỗ nào chữa được bệnh cho con cũng không quản xa xôi tìm đến". Chị Lên đã cho con đi châm cứu, mua máy trợ thính, thậm chí còn lần còn lên Bệnh viện Nhi, đăng ký cho con học một thầy một trò hàng tháng trời cũng chẳng ăn thua.
Ngày trước ở quê, khi các bạn bằng tuổi đi học, đến trường, bé Phong cứ phải lủi thủi một mình. Chị Lên cũng đã từng cho con đến trường mẫu giáo nhưng vì không biết nói, chẳng biết nghe, Phong cứ chơi thơ thẩn ngoài sân, chẳng ai chơi cùng. Khi cô giáo gọi các bạn vào lớp, bọn trẻ chạy ùa vào, để mặc Phong bơ vơ chẳng biết gì. Chứng kiến cảnh đấy, người mẹ trẻ lòng đau như cắt, lại nuốt nước mắt vào trong dắt con về nhà.
“Con tuy chưa biết nói, biết nghe nhưng rất tình cảm với cha mẹ và ngoan ngoãn. Nhiều khi thấy mẹ chuẩn bị làm gì là đều chạy đến đưa đồ cho mẹ. Bé chậm lớn nên bây giờ 8 tuổi mới được 15kg, người còi lắm. Nay lại phải một mình xa cha mẹ…”chị Lên nghẹn ngào
Cho con trọ học ở đây, mỗi tháng gia đình chị Lên phải lo liệu tiền học phí và tiền nhà cũng vào khoảng 5 triệu đồng. Bản thân bà mẹ trẻ đang mang bầu nên ở nhà không có thu nhập, chồng thì làm lái xe nhưng lại vợ chồng vẫn cố gắng xoay sở để con được đến trường, được hòa nhập với các bạn, được thầy cô dạy dỗ bảo ban, mong con nên người.
Khai giảng xong, bà mẹ trẻ đang bụng mang dạ chửa lại lái xe máy chở con về Hưng Yên. Chị Lên dự định sẽ tìm nhà trọ ở Hà Nội và cho bé Phong ở cùng ông nội 70 tuổi trên này để sáng ông đưa cháu đi học, chiều đón về cơm nước, hôm sau lại đến trường. Cuối tuần, vợ chồng chị lại đón con về Hưng Yên.
2 năm vẫn đứng khai giảng ở khối lớp 1
Giữa những phụ huynh đưa con đến dự lễ khai giảng ở trường Xã Đàn ngày hôm nay, chị Huyền Phương (Hà Nội) tỏ ra vô cùng tự nhiên, vui vẻ. Trò chuyện với chị, bà mẹ trẻ cho biết, tuy bé Khoa Bằng năm nay vào lớp 1 nhưng chị đã có 2 năm liền cùng con dự lễ khai giảng ở trường Xã Đàn. Năm nay, bé Khoa Bằng 7 tuổi, học lại lớp 1 lần thứ hai.
Chị Phương đưa điện thoại lên ghi lại khoảnh khắc con trai trong ngày khai giảng.
Gia đình chị Phương phát hiện Khoa Bằng bị câm điếc từ khá muộn. Trước đây khi thấy con không biết nói, chị Phương từng tưởng con mắc chứng tự kỷ. Gia đình đã mất 1 năm chạy chữa chứng tự kỷ nhưng không hiệu quả, lại thấy con vẫn rất hiểu biết, nhanh nhẹn. Mãi đến năm 3 tuổi, bé Khoa Bằng mới được xác định là mắc khiếm thính. Vì điếc, không nghe được nên Bằng cũng không biết nói.
“Với những đứa trẻ kém may mắn ở đây, thường những năm đầu tiểu học luôn phải học 2 năm một lớp. Tuy nhiên, Khoa Bằng rất thông minh, năm học vừa rồi còn được cô giáo khen, là học sinh giỏi nhất nhì lớp. Con biết làm toán, viết chữ, vẽ tranh rất đẹp” đôi mắt người mẹ ánh lên niềm hạnh phúc, tự hào khi nói về cậu con trai đầu của mình.
Các em giao tiếp với nhau thông qua những cử chỉ của đôi tay
Một cậu bé lớp lớn vui mừng gặp lại bạn bè sau 3 tháng hè.
Học sinh lớp 1 lạ lẫm, bỡ ngỡ khi lần đầu được chứng kiến những nghi thức khai giảng
Nụ cười hân hoan trong ngày khai giảng của các em học sinh
Thầy hiệu trưởng phát biểu trên sân khấu, ở dưới, cô giáo thể hiện lại bằng động tác tay cho học sinh.
Không lớn về quy mô, còn khó khăn nhiều về tài chính, lại gánh trên vai trọng trách nặng nề nhưng thầy và trò của trường luôn được cả cộng đồng hướng về, không chỉ với niềm cảm thông, thương xót mà còn bởi sự ngưỡng mộ, trân trọng.
Khai giảng năm nay, khối lớp 1 của trường Xã Đàn đón thêm 22 học sinh mới. 22 em bé là 22 gương mặt đáng yêu, xinh xắn. Tuy chưa biết nghe, biết nói nhưng các cô bé, cậu bé đều rất ngoan ngoãn ngồi yên, mắt hướng lên khán đài với niềm vui và sự tò mò, bỡ ngỡ xen lẫn háo hức. Cũng như bao bạn bè khác, hôm nay, các em vào lớp Một.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet