Thực tế đã chứng minh, không hiếm những người mắc chứng tự kỷ có kĩ năng đặc biệt trong toán học, âm nhạc, nghệ thuật, và đọc hiểu và nhiều thứ khác. Những lĩnh vực chuyên môn này có thể đem đến sự thoả mãn và tự hào cho trẻ bị tự kỷ. Tuy nhiên, làm sao để vừa phát huy được nặng lực đặc biệt đó và sự hòa hợp với cộng đồng ở những trẻ tự kỷ cũng không phải điều đơn giản.
Điển hình là cháu Hoàng Đình Thuận (6 tuổi – Vĩnh Phúc) phải điều trị chứng tự kỷ trong một thời gian khá dài, nhưng lại có khả năng hội họa không phải người bình thường nào cũng làm được. Theo đó, cháu Thuận bị rối nhiễu tâm lý rất nặng, nếu người ngoài nhìn những hành động của Thuận thì rất “khó hiểu” và cho là không phù hợp.
Tuy nhiên, Thuận lại có năng khiếu rất đặc biệt đó là hội họa. Điều đáng nói, mỗi khi vẽ tranh Thuận rất say mê và có thể vẽ bất cứ ở nơi đâu, hơn nữa những bức tranh Thuận vẽ không chỉ đơn giản chỉ là thỏa sự đam mê hay vô hồn, mà đó là những bức tranh có bố cục, ý nghĩa và có nội dung truyền cảm rất lớn đối với người xem.
Cần phải vừa phát huy năng lực của trẻ, đồng thời giúp trẻ tụ kỷ hòa nhập với cộng đồng.
Cháu Thuận chỉ là một trong những trường hợp điển hình khi trẻ mắc bệnh tự kỷ nhưng có năng khiếu đặc biệt về một lĩnh vực nào đó. Đây tuy là điều tốt đối với các bé, nhưng đôi khi lại là nguyên nhân khiến nhiều trẻ bị chính cha mẹ mình “hiểu lầm” là thần đồng.
Lý giải về những trường hợp trên, nhà nghiên cứu về bệnh tự kỷ Robyn Young, thuộc Đại học Flinders ở Adelaide (Australia) cho biết, theo các nghiên cứu thì cứ 10 trẻ loại này thì một em có kỹ năng đặc biệt.
Theo ông Robyn Young kỹ năng bác học này, dù là trong âm nhạc, toán học hay khoa học không gian…, đều xuất phát từ một bộ xử lý nhanh như tia chớp trong não. Bộ phận này chia sự vật, thời gian, không gian hay một vật thể thành những phần đều nhau.
Sự phân chia thời gian giúp một đứa trẻ thông minh biết rõ giờ chính xác phải thức dậy, giúp người nhạc trưởng, trong một tích tắc, phân biệt được âm thanh lạc điệu của một nhạc khí nào đó giữa một rừng nhạc khí…
Tuy nhiên, năng lực đó chỉ được thể hiện ở một lĩnh vực nhất định. Vì thế, để vừa phát huy được thế mạnh này, đồng thời vừa giúp trẻ tự kỷ hòa đồng với cuộc sống thì chúng ta cần phải giáo dục một cách toàn diện.
Trả lời báo chí liên quan về vấn đề này, BS Quách Minh Thúy - Nguyên Trưởng khoa Tâm bệnh (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, thông thường tự kỷ có 2 loại đó là tự kỷ trí tuệ kém và tự kỷ trí tuệ khá hoặc trung bình. Trong đó tự kỷ chậm trí tuệ chiếm phần lớn. Có khoảng 5-7% trẻ có chứng tự kỷ chức năng cao.
Theo BS Thúy, những đứa trẻ tự kỷ chức năng cao để phát triển thành "thiên tài" hay "thần đồng" về lĩnh vực nào đó, thực sự là có nhưng rất hiếm. Bởi, phần lớn trẻ chỉ có khả năng nhớ máy móc, có năng khiếu về khía cạnh nào trong thời gian không ổn định chứ không toàn diện.
Ngoài ra, những cháu tự kỷ có khả năng đặc biệt thông thường có vùng não nào đó phát triển tốt nhưng giữa các vùng của não liên hệ với nhau rất kém. Não có nhiều vùng như: vùng trán, vùng chẩm, vùng thái dương, vùng trung tâm, vùng cảm giác, vùng vận động… Những đứa trẻ tự kỷ chức năng cao đó chỉ có 1 vùng phát triển nhưng sự liên kết giữa các vùng kém, liên kết giữa các vùng bán cầu não trái và phải không chặt chẽ, lỏng lẻo. Vì thế rất khó để phát triển toàn diện.
Cuối cùng BS Thúy nhận định, tuy trẻ tự kỷ không phát triển toàn diện được như những trẻ khác, nhưng cần động viên khuyến khích tài năng của trẻ để trẻ tự tin hơn. Nếu có phương pháp dạy và tích cực rèn luyện cho tài năng ấy, trẻ tự kỷ sẽ đóng góp tài năng cho xã hội, không trở thành những người vô dụng.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet