Lần thì cào cấu, lần thì lấy chai nước đập vào đầu. Đây là những bạn khá yếu đuối trong lớp nên con tôi mới đánh được, vì thực tế nhiều lần con tôi cũng bị các bạn khác đánh, về nhà chân tay vẫn còn xước. Lúc đó tôi không biết xử lý ra sao, chỉ hỏi tại sao con lại đánh bạn, lần sau con không được làm thế nhé.
Con tôi vốn không lành tính lắm. Ở nhà, cháu thường gào thét, đá thúng đụng nia khi bị mẹ quát nhưng cháu cũng biết nem nép khi bị bố cho ăn đòn. Thường thì sau khi không khí trong nhà trở lại yên lặng, cháu mới xin lỗi mẹ.
Tôi cũng biết cháu sẽ không đánh ai cả nếu không bị các bạn gây sự trước, nhưng khi bị các bạn gây sự, trêu chọc, cháu thường phản ứng lại bằng bạo lực.
Tôi rất sợ con tôi cứ đánh nhau với các bạn như thế sẽ tạo tính cách không tốt. Cháu là con gái, mới học lớp hai, các bạn trong lớp còn lành. Nếu tính cách này cứ theo cháu đến lớn, sợ vào cấp hai, cấp ba, bọn trẻ biết xúm vào đánh hội đồng thì khổ. Tôi vẫn dặn cháu nếu bị bạn trêu thì lờ đi và đừng đánh nhau với các bạn nhưng cháu không nghe. Xin chuyên gia cho tôi lời khuyên nên làm gì để con không đánh nhau ở lớp nói riêng và lành tính hơn trong cuộc sống nói chung? (Ngọc)
Ảnh minh họa: wordpress |
Trả lời
Theo tôi, việc cháu nhà chị hung tính một phần do cách dạy dỗ của gia đình. Mẹ la hét mắng mỏ, bố đánh đập đều là những gương hành động khiến cho cháu thiên về hung tính như vậy. Vì thế, việc đầu tiên bố mẹ phải làm là ngưng ngay những hành vi bạo lực thân thể và tinh thần này lại. Cha mẹ cũng cần kiên nhẫn hơn khi giáo dục con, thành lập một bộ quy tắc hành động trong gia đình và yêu cầu mọi người thực hiện nghiêm túc. Khi có ai đó vi phạm dù đó là cha mẹ thì cũng cần phải chịu phạt cho công bằng.
Việc thứ hai cần phải làm là cha mẹ hãy rèn tính nhẫn nại cho con. Những công việc như: xâu chuỗi hạt, nhặt sạn cho gạo, nhặt rau, xâu kim, khâu vá, đan lát… sẽ giúp con kiên nhẫn hơn. Cha mẹ nên tập cho con làm thật nhiều để tính cách con trầm xuống, khả năng kiên nhẫn tăng lên sẽ giúp con giữ bình tĩnh tốt hơn.
Việc thứ ba cũng rất quan trọng là khi con nổi nóng, cha mẹ nên cầm hai tay con và yêu cầu con ngồi xuống một chỗ, tự giữ bình tĩnh. Cha mẹ lấy cho con 1 cốc nước mát, để con uống nước, sau đó lau mặt bằng khăn lạnh. Khi con đã làm xong, cha mẹ yêu cầu con ngồi suy nghĩ yên tĩnh trong vòng 30 phút rồi mới đi làm việc khác. Nếu lần nào con nổi nóng cũng được yêu cầu như vậy, dần dần con sẽ mềm tính hơn và suy nghĩ cặn kẽ hơn trước khi hành động.
Việc thứ tư, cha mẹ nên tâm sự với con về những kỉ niệm tuổi học trò của mình để con có thể vui vẻ kể các câu chuyện xảy ra tại lớp của con. Khi con đã dốc bầu tâm sự, cha mẹ nên kiên nhẫn lắng nghe, góp ý nhẹ nhàng cho con. Cách làm này sẽ xả hết mọi ức chế (nếu có) khi con đi học và giúp con bình tĩnh hơn khi xử lý mọi việc.
Tóm lại, theo tôi, khi con có chút hung tính, cha mẹ nên suy nghĩ lại những cách giáo dục con trong gia đình. Thay đổi một chút xíu, con sẽ điềm tĩnh và kiên nhẫn hơn nhiều đấy. Chúc gia đình một năm mới an khang thịnh vượng.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương
Giảng viên khoa Tiểu học - Đại học Sư phạm Hà Nội
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet