Tôi có cậu con trai năm nay gần 5 tuổi. Vì là con đầu cháu muộn nên ngay từ lúc chào đời, bé đã được cả gia đình nâng niu, chiều chuộng hết mực, đặc biệt là ông bà nội. Đã nhiều lần, trong những cuộc ‘trà dư tửu hậu’ cùng nhóm bạn thân, tôi phải than trời vì con quậy phá, nghịch ngợm và hay đánh bạn.
Con học mẫu giáo, mỗi lần tôi hỏi han tình hình con, cô giáo đều nói: bé bướng quá, bé thông minh nhưng hay quậy phá… Và con trai tôi được bạn bè cùng lớp gọi là Sơn ‘đầu gấu’ vì con hay giành giật đồ chơi với các bạn, khi không giành được thì quay ra cấu véo bạn. Khỏi phải nói các mẹ cũng đôi phần hiểu, tôi đau đầu và buồn thế nào khi con được gọi với biệt danh chẳng mấy hay ho.
Ở nhà, một vài lần khi thấy con gây sự với bạn, tôi cũng thử khá nhiều cách để trị con, từ đe nẹt phạt con úp mặt vào tường đến đánh đòn, cấm con không được chơi với bạn, không được đi chơi vào cuối tuần… nhưng xem ra, mọi biện pháp chỉ có hiệu quả rất ngắn. Tôi thực sự hết cách với con!
Con trai tôi rất hiếu chiến và thường xuyên gây sự đánh nhau với bạn (Ảnh minh họa).
Một bữa, cô bạn thân (là giáo viên dạy cấp II) đưa con trai đến nhà tôi chơi. Con trai tôi và con trai cô bạn thân có vẻ ‘ưng nhau’ ngay từ cái nhìn đầu tiên và nhanh chóng bày trò chơi xếp hình cùng nhau. Nhưng chỉ được dăm, bảy phút sau… chúng tôi nghe tiếng hai bé chí chóe. Đến lúc tôi và bạn kịp chạy ra xem xét sự tình thì đã thấy hai ‘chiến sĩ’ đang vật nhau ra nhà, cố dùng hết công lực của đôi tay và bàn chân để kéo tóc, cào mặt… và ghìm chặt lẫn nhau. Khi tôi còn chưa biết phản ứng thế nào thì bạn tôi nhanh nhẹn đến tách chúng ra và quay sang nghiêm mặt nhìn cậu con trai hàm ý ‘Con còn đánh nhau nữa thì ăn đòn!’. Nhưng cậu bé kia và con trai tôi vẫn rất hiếu chiếu, quyết không buông nhau nếu chưa phân thắng bại. Chúng lại lao vào nhau… coi mẹ như không có ở đó.
Sau 1 phút loay hoay ghìm cương hai ‘chiến mã’, cuối cùng chúng tôi cũng tách được chúng ra. Ngay lập tức, bạn tôi dùng tay đét vào mông con mấy cái thật mạnh và hỏi ‘Có đau không?’. Cậu bé khóc toáng lên nức nở: “Đau quá!” – “Đau sao còn đánh bạn? Lần sau có thế không?” – “Dạ không”, con trai bạn tôi thút thít trả lời.
Khi thấy bạn đánh con, tôi thì thầm vào tai bạn: “Sao lại đánh con mạnh tay thế? Biết đâu nguyên nhân ‘cuộc chiến’ này là do cu Sơn gây sự trước?”. Cô bạn khẽ lắc đầu, ra hiệu cho tôi im lặng. Đến khi chỉ còn 2 chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau, bạn mới giải thích rằng, khi bé đánh người khác, bé đâu biết mình đang làm người khác đau mà cứ nghĩ là bình thường. Sở dĩ bạn tôi đánh con đau như thế là để cho bé trải nghiệm, cho bé hiểu cảm giác bị đánh thì đau như thế nào. Bạn tôi cũng khuyên, thay vì lờ đi, coi như không biết gì hoặc quát mắng trẻ khi chúng gây sự đánh nhau với bạn thì tốt nhất, nên cho chúng ‘nếm’ vị đòn đau ngay sau khi trận chiến diễn ra...
Một lần, khi con trai tôi giở chứng 'đầu gấu', cấu cu Bin (bé trai nhà hàng xóm, kém con trai tôi 5 tháng tuổi) vì tranh chơi ô tô đồ chơi mà không được. Tôi liền đánh vào mông bé và hỏi "Có đau không?", bé cũng khóc toáng lên nức nở, nhìn mẹ đầy oan ức và kêu đau. Tôi hỏi con: "Mẹ đánh con, con thấy đau. Thế con cấu Bin, Bin liệu có đau không?" - "Có đau!", con tôi phụng phịu. "Thế lần sau có đánh bạn nữa không?", tôi hỏi nhưng con trai tôi chỉ im lặng. Tôi nói tiếp: "Con làm bạn Bin đau, con xin lỗi bạn đi!". Mới đầu con trai tôi ương bướng, không chịu nghe nhưng khi thấy thái độ nghiêm khắc của mẹ, con trai tôi lí nhí "Xin lỗi Bin!'.
Thật lạ, khi tôi copy cách dạy con bạn và áp dụng với con tôi thì hiệu quả. Sau một, hai lần bị mẹ đánh đòn vì gây sự đánh nhau với bạn, con trai tôi thuần tính hẳn.
Chia sẻ của chị Nguyễn Trần Minh Hà (Giảng Võ, Hà Nội)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet