Khi trao đổi về phương pháp cho bé ăn dặm kiểu Nhật, mẹ Aichan nhận thấy hầu hết các mẹ đều còn nhiều thắc mắc, chưa rõ về phương pháp này. Mà cũng phải thôi, chỉ nghe qua, đọc blog... không có sách vở hay chương trình phổ biến gì có quy củ... thì mẹ nào không lúng túng mới lạ. Mẹ Aichan xin tổng kết lại và giải đáp phần nào những lo âu của các mẹ, nhất là các mẹ đang chuẩn bị cho con ăn dặm kiểu Nhật.
1. Thống nhất tư tưởng và tâm lý
Trước khi bé bước vào độ tuổi ăn dặm, gia đình cần phải thống nhất về tư tưởng cũng như tâm lý. Đứa trẻ sinh ra, cả nhà đều yêu quý, nhưng đừng biến đứa trẻ thành trung tâm của vũ trụ, để sinh ra vô vàn mâu thuẫn của người lớn.
Ở Việt Nam, gia đình sống chung mấy thế hệ, việc mâu thuẫn xảy ra là đương nhiên, nhất là phương pháp ăn của Việt Nam khác xa so với Nhật. Vấn đề chuẩn bị tư tưởng này, trước hết là cha mẹ bé, rồi tới thuyết phục ông bà... nếu không có sự thống nhất thì khó có thể làm được.
Trong quá trình ăn dặm, kể cả ăn dặm kiểu Nhật hay Pháp, Mỹ... gì cũng thế thôi, có lúc bé hợp tác lúc không, cũng phải nên lường trước cả những lúc khó khăn nữa.
2. Xác định rõ thành quả mong muốn
Phương châm của ăn dặm kiểu Nhật là chú trọng sử dụng thực phẩm của tự nhiên hoặc do nuôi trồng. Đó là rau, củ, quả, cá, thịt, đậu... còn các thực phẩm đã qua chế biến như đồ hộp, thịt hun khói, gia vị các loại... họ đều khuyến cáo đừng cho trẻ ăn sớm từng nào hay từng đó.
Vì thế, chọn ăn dặm kiểu Nhật là chọn cách cho bé ăn nhạt, vị của cháo, của súp... tất cả đều là từ rau củ quả, hoặc dashi (cá bào và rong biển konbu). Cho bé ăn nhạt từ đầu sau điều chỉnh rất dễ, chứ cho bé ăn mặn sớm, sau này những đồ nhạt (đặc biệt là rau) bé sẽ không chịu đâu. Tập thói quen ăn mặn nhanh lắm, chỉ vài bữa là xong, ăn nhạt mới khó đấy. Điều này rất mâu thuẫn với phương pháp cho trẻ ăn ở Việt Nam, vì thế các mẹ cũng nên chuẩn bị trước.
Người Nhật mong muốn thành quả gì ở bé. Thứ nhất, mong bé phát triển bình thường, không mong bé béo. Thực đơn của món dặm Nhật chú trọng nhiều rau, cân đối giữa chất bột, đạm, vitamin, đặc biệt là chất đạm ăn rất ít (giai đoạn cuối 12-18 tháng mà cũng chỉ cho con ăn nhiều nhất là 20g), không quan trọng phải ăn thật nhiều đường sữa. Trẻ con Nhật không béo nhưng chắc và chơi khỏe, tự lập.
Thứ hai, thông qua ăn dặm, họ giáo dục trẻ biết cách ăn. Đứa trẻ biết nhai, có ý thức trong việc ăn uống, biết yêu cầu, từ chối, biết khẳng định mình... Để đạt được thành quả như thế quả là 1 quá trình gian nan nhất là với các mẹ Việt Nam mình, luôn mềm yếu, thôi thì miễn bé ăn đc cho mình là tốt rồi, thế là lại bài ca bật ti vi, vừa chơi vừa ăn... hoặc bế rong cho ăn.
Trước khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật, cha mẹ phải thống nhất về tư tưởng. (Ảnh minh họa)
Như Aichan đây, biết nhai không ngậm, biết tự ngồi ăn một chỗ đến hết bữa, nhưng phản ứng kịch liệt khi bị ép ăn hoặc khi không thích ăn món gì... nhưng để tới hôm nay không biết bao lần mẹ lo lắng và vất vả về chuyện ăn của Aichan, vì khi tập ăn thô Aichan ọe rất nhiều, thích ghét nhiều thứ... xót con nên có lúc cũng mềm lòng đấy.
Rất nhiều mẹ thấy con còi còi nên cho con ăn dặm sớm, hi vọng bé sẽ ăn nhiều hơn để mập hơn. Mẹ Aichan cũng đã từng nghĩ như thế. Thực ra, vì sao phải ăn dặm? Vì cơ thể của trẻ đến độ tuổi cần bổ sung các chất khác, phù hợp với sự phát triển về thể chất nên cần phải ăn dặm để bổ sung chất và tập thói quen ăn uống sau này.
Tuy nhiên, cơ thể thật sự cần đủ dinh dưỡng thông qua ăn dặm khi trẻ đc khoảng 9 tháng. Vì thế, phương pháp ăn kiểu Nhật trong giai đoạn đầu 5,6,7,8 tháng chỉ là nhằm cho trẻ làm quen với thực phẩm, quen độ thô, và tập cho bé thói quen ăn uống. Khi thói quen ăn uống của bé tốt, có bé sẽ ăn như 1 sở thích, có bé ăn ít, thích ghét nhiều loại...
3. Ăn dặm kiểu Nhật không có nghĩa là phải dùng nguyên liệu Nhật
Thay vì dùng nước xương nấu cháo, kiểu Nhật dùng nước dashi cũng rất nhiều canxi. Nhưng cá bào, rong biển konbu ở Việt Nam bán khá đắt, cũng là một trở ngại đối với những gia đình có thu nhập trung bình. Ăn dặm kiểu Nhật chủ yếu là phương pháp cho con ăn thô đúng thời điểm.
Ở Việt Nam, rau quả phong phú như vậy, cứ miễn là rau tươi, an toàn... thì ta nên tận dụng. Chứ ko nhất thiết phải theo đúng thực đơn kiểu Nhật, rau kiểu Nhật, gia vị Nhật... Aichan về Việt Nam ăn hoa quả đã đời, nấu kiểu Nhật (cơm riêng, thức ăn mặn riêng) nhưng món Việt Nam hết, mấy món phở bún, sốt cà chua hay canh mùng tơi rau dền... Aichan rất thích đấy.
4. Có phải bữa dặm kiểu Nhật là phải cho ăn riêng từng thứ không?
Cái này chưa hoàn toàn đúng. Nó chỉ đúng ở thời điểm đầu tiên khi mới cho con ăn dặm. Lúc này, cần kích thích vị giác của bé, bởi thế thay vì nấu lẫn lộn, vị nọ vị kia không rõ ràng thì nên cho bé tập ăn từng vị riêng của thực phẩm. Cháo ra cháo, rau ra rau. Kể cả vị của nó nhạt, thơm, đắng chút xíu thì bé cũng nên thử vào lúc này.
Khi đã quen các loại, thì có thể trộn lẫn để thay đổi món cho con. Tuy nhiên, mẹ Aichan khuyên là nếu tập ăn nhạt như thế thì tất cả (bao gồm cả hoa quả...) cũng nên làm nhạt đi nhé. Món dặm nhạt thếch mà món phụ như hoa quả lại làm ngọt sắc thì cũng phản tác dụng. Giai đoạn đầu tập ăn nhạt thì nên làm loãng những vị đậm hoặc ngọt quá. Ví dụ, hoa quả có thể trộn với sữa chua, nước quả thì pha loãng ra 1 chút.
Mẹ Aichan chưa nấu kiểu Việt Nam bao giờ, nhưng nấu kiểu Nhật riêng biệt thế này, mẹ cháu thấy dễ "sáng tác" món ăn lắm. Sử dụng phương pháp làm đông lạnh, đồ ăn của Aichan phong phú hơn mỗi ngày, mỗi bữa 1 loại rau củ khác nhau, bữa ăn cháo riêng, bữa trộn hết vào. Mục đích để con thích ăn cơm, mẹ chú trọng cho Aichan ăn cháo trắng. Bây giờ Aichan ăn cơm cùng gia đình, chỉ có món mặn là mẹ phải đầu tư chế biến thôi.
5. Hãy tôn trọng bé
Hãy coi bé là 1 thành viên trong gia đình. Cho bé ăn không chỉ là việc đút, đưa đồ ăn vào miệng bé, mà còn phải quan tâm chú ý cả tâm lý của bé nữa. Kinh nghiệm ở đây chỉ là tham khảo, còn mỗi bé một khác, mỗi giai đoạn thay đổi khác nhau, điều đó người mẹ cần phải nắm bắt, điều chỉnh, hướng dẫn và chiều theo cả bé nữa.
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là tập luyện cho bé ăn thô đúng thời điểm, nhưng đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm của cha mẹ nữa. Đừng để ý đến bé A hay bé B ăn được thế này mà con mình thì... , hãy cố gắng điều chỉnh độ thô phù hợp với bé, điều chỉnh dần dần, không cần nóng vội. Các mẹ cũng cần chuẩn bị sẵn sàng tâm lý rằng sẽ có 1 lúc bé quay ngoắt lại với những gì mình đã tập luyện, đã ưa thích... nhưng hãy tin rằng đó chỉ là 1 giai đoạn khó khăn thôi, đừng stress làm ảnh hưởng đến bé, cần chiều theo con cho qua giai đoạn đó đã nhé.
Một khía cạnh nữa của việc tôn trọng bé, đó là cách cho bé ăn. Không khí, bối cảnh, màu sắc cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc ăn của bé. Mỗi bà mẹ có cách cho con ăn của riêng mình, vì phụ thuộc vào từng đứa trẻ, ai cũng có thể là nghệ sĩ, làm trò vui cho con ăn ngoan.... dù thế nào bữa ăn của trẻ, hãy nên để tràn ngập niềm vui.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet