Khoảng đầu năm 1973, bà Năm mở quán hủ tiếu với hương vị đậm đà bản sắc Sa Đéc. Quán được bày trí tre lá theo phong cách "văn minh miệt vườn" giữa lòng Sài Gòn. Ngồi trong quán có thể phóng tầm mắt nhìn ra nhiều hướng thuộc những con đường huyết mạch của vùng quận 10, Sài Gòn. Hủ tiếu ở đây hoàn toàn khác với hủ tiếu của mấy "Chú Ba" trong Chợ Lớn. Sợi bánh mềm mà không bở, cũng không dai, vị bánh không chua, hương bánh thơm mùi gạo mới, trắng tươi màu sữa.
Có người kháo nhau rằng, bánh hủ tiếu được bà Năm lấy từ làng bột Tân Phú Đông mỗi ngày, do cánh xe đò Sa Đéc - Sài Gòn chuyển tới. Người ăn có thể gọi hủ tiếu thịt hoặc hủ tiếu xương tùy thích, mà xương hay thịt thì cũng mềm và có mùi thơm đặc biệt không như những nơi khác. Cái mùi thơm ấy là do tay nghề của bà Năm khi chế biến và đun nấu ở một nhiệt độ thích hợp cho nồi "xí quách" (còn gọi là nước lèo, nước dùng). Khi tô hủ tiếu được bưng ra, mùi thơm ngào ngạt, thực khách có thể gia giảm nào là nước mắm, nước tương, dấm đỏ, chanh, ớt, giá nhúng nước sôi hay giá sống thì tùy mà vẫn không đánh mất hương vị độc đáo của tô hủ tiếu Sa Đéc chính hiệu này. Bây giờ, quán hủ tiếu ấy vẫn còn nhưng đã đổi chủ, thay tên.
Sa Đéc còn có một tập đoàn hủ tiếu gõ, họ có một đội ngũ gần 20 người với năm, 6 xe đẩy, bán chủ yếu về đêm và có phân chia khu vực hẳn hoi, liên minh chặt chẽ. Nhờ hợp tác trong việc mua thịt, bánh, gia vị, nên giá thành hạ, tô hủ tiếu có giá rẻ đến bất ngờ. Giữa khuya, ngồi tại nhà nghe tiếng lóc cóc, muốn ăn hủ tiếu sẽ được mang đến ngay, nóng hổi, nghi ngút khói.
Người Sài Gòn ngày nay vẫn đến những quán hủ tiếu Sa Đéc để tìm hương vị tuyệt vời vượt thời gian. Sẽ là một thiếu sót nếu du khách về miền tây Nam Bộ mà không ghé qua Sa Đéc, thưởng thức tô hủ tiếu của một vùng quê sông nước từng mệnh danh văn minh miệt vườn.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet