Vụ 2 bảo mẫu tại cơ sở mầm non tư thục Phương Anh tại Hiệp Bình Phước, Thủ Đức (TP HCM) hành hạ trẻ bằng cách lấy khăn bịt mũi, bóp cổ, nhấn đầu vào xô nước để dọa trẻ ăn... đã dấy lên sự phẫn nộ của dư luận cũng như gây hoang mang cho không ít phụ huynh khi gửi con đi nhà trẻ.
Theo bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang, Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), khi bị bạo hành, trẻ có thể xuất hiện các dấu hiệu stress sau sang chấn, liên quan đến hầu hết sinh hoạt hàng ngày, như:
- Trẻ rối loạn giấc ngủ như ác mộng, tỉnh thức quá mức trong giấc ngủ...
- Trở nên kém tập trung hơn trước, thu rút lại, ít tham gia chơi hơn trước, cảm xúc co cụm lại, bứt rứt.
- Xuất hiện những nỗi sợ hãi mới mà trước đây không có, sự lo âu chia ly càng tăng khi phải xa mẹ hay người chăm sóc. Trẻ cố ý tránh những gợi ý gây sang chấn như không dám nhìn cô giáo, bảo mẫu hay người chăm sóc, không dám đi vào phòng tối, không ngồi vào ghế khu vực nhà ăn…
- Tình trạng thoái lùi, phân ly như tè dầm trở lại, không thể thực hiện các khả năng tự lập trước đây trẻ đã hoàn thành như muốn được bồng bế, muốn được đút.
Bác sĩ Quỳnh Trang đưa ra một số khuyến cáo cha mẹ cần lưu ý xem xét khi gửi con đi nhà trẻ. Những câu hỏi quan trọng cần đặt ra khi chuẩn bị gửi con vào nhà trẻ:
1. Nhà trẻ đó có là môi trường tốt cho trẻ không?
Tốt ở đây nghĩa là có kích thích giúp trẻ lớn lên như có đủ không gian, thời gian, có đồ chơi, có cô giáo hướng dẫn, có bạn cùng chơi để trẻ có thể khám phá học hỏi thế giới bên ngoài. Bên cạnh đó, môi trường nhà trẻ cần có sự nâng đỡ bé và sử dụng kỷ luật phù hợp như làm trẻ tự tin, mạnh dạn, vui vẻ để ăn ngủ, đi vệ sinh và chơi phù hợp lứa tuổi.
Do đó, cha mẹ cần tham quan nhà trẻ để biết kế hoạch hoạt động cũng như tỷ lệ thầy/cô giáo mỗi lớp. Cha mẹ mạnh dạn hỏi về giấy phép hoạt động và uy tín của nhà trẻ trong thời gian qua. Điều tiên quyết là cha mẹ phải cảm thấy yên tâm khi chọn nhà trẻ này để gửi con mình.
Trẻ cần được học hành, phát triển trong môi trường an toàn. Ảnh minh họa: Lê Phương. |
2. Nhà trẻ đó có an toàn không?
Chúng ta đang nghe dư luận về việc bảo mẫu đánh trẻ dã man. Thật vậy, hàng nghìn trẻ mỗi năm bị chấn thương do đi nhà trẻ. Những lĩnh vực nguy cơ mà cha mẹ nên quan tâm ở nhà trẻ:
- Chỗ ngủ của con có an toàn không?
- Chỗ chơi của trẻ có vật dụng nguy hiểm gây chấn thương hay phỏng cho trẻ.
- Giường hay cũi của trẻ có an toàn không, có quá cao gây chấn thương khi trẻ leo trèo, có gối có thể làm trẻ ngạt thở.
- Cửa sổ song chắn phù hợp hay màn cửa có ảnh hưởng đến tầm nhìn của người chăm sóc quan sát trẻ không?
3. Nhà trẻ này có phù hợp với gia đình không?
Cần xem xét nhà trẻ có gần nhà để tiện đưa trẻ đi lại, phù hợp với công việc của cha mẹ trẻ hiện nay. Học phí có phù hợp với mức sống của gia đình? Thường học phí sẽ tương xứng với chất lượng nhưng cha mẹ cần xem xét vấn đề này.
Theo bác sĩ Trang, không phải dễ dàng để chuẩn bị mọi thứ cho con đi nhà trẻ, vì vậy bố mẹ cần sẵn sàng đối mặt với những thách thức có thể gặp như:
- Lây bệnh: Nhà trẻ là môi trường trẻ sẽ tương tác sinh hoạt với nhiều bạn khác nhau vào thời điểm còn rất nhỏ, cha mẹ cần được hướng dẫn cách phòng ngừa bệnh thường gặp bằng cách chích ngừa cho trẻ đầy đủ, giữ vệ sinh cụ thể là cách thay tã cho trẻ, giúp trẻ đi vệ sinh, rửa tay sau khi đi tiêu, cầm nắm thức ăn.
- Cha mẹ và trẻ phải đối mặt với "sự chia ly" khi con đi nhà trẻ. Do đó một giai đoạn chuyển tiếp sẽ giúp cả cha mẹ và con trẻ yên tâm, bằng cách hình thành sự gắn bó với một người chăm sóc khác không phải mẹ để khi không hiện diện mẹ, trẻ vẫn cảm thấy an toàn vì đã quen với người chăm sóc mới và dần dần trẻ mới có thể tiếp cận với thế giới xung quanh.
- Gây hấn, bạo hành như tát, đánh, nhốt trẻ vào phòng tối, bịt mũi để cho trẻ ăn khi trẻ từ chối, ném trẻ xuống đất khi không nghe lời... là những cách thể hiện bất lực của người chăm sóc khi chưa hiểu trẻ. Do đó, thời điểm đưa đón chính là cơ hội cha mẹ quan sát thái độ và mối quan hệ giữa con với người chăm, thầy cô hay bảo mẫu.
Sau vụ bạo hành trẻ kinh hoàng ở TP HCM, nhiều bậc phụ huynh đã gửi lên Facebook kinh nghiệm để giúp con an toàn khi đi nhà trẻ. Phụ huynh Lan Anh cho rằng trước khi đưa con tới lớp cũng như lúc đón con, bố mẹ nên trò chuyện, hỏi con về chuyện trường, lớp bằng “ngôn ngữ trẻ nhỏ”. Chẳng hạn hỏi gián tiếp về các bạn trong lớp chứ không hỏi thẳng “con có bị đánh không?”. Có nhiều trẻ bị cô giáo đánh vì mắc lỗi, cô giáo dọa không được nói với bố mẹ… sẽ không dám tâm sự thật với bố mẹ. Nhưng được hỏi về bạn khác, trẻ sẽ dễ “trút bầu tâm sự” hơn. Cha mẹ kết hợp quan sát thái độ, cử chỉ, khuôn mặt, hành động của con, đặc biệt là lúc giao con cho cô giáo và đón con từ tay cô để biết sự thật. Khi thấy bất thường, cha mẹ cần nói chuyện trực tiếp với giáo viên, nói rõ những thất thường của con và hỏi cách cô giáo trách phạt các bạn trong lớp. Trong quá trình nói chuyện, “bắt sóng” thật nhanh thái độ, cử chỉ của cô, nếu thấy có gì đó không thật, lúng túng, lấp liếm thì tốt nhất bố mẹ nên tìm cho con một trường học khác. |
Lê Phương
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet