TS.BS Lê Thị Hồng Hanh – Phó trưởng khoa Hô hấp cho biết, các bác sĩ vừa thực hiện gắp thành công một dị vật đường thở rất nguy hiểm trong khí quản của một bệnh nhi nhỏ tuổi.
Bệnh nhân L. được đưa đến Bệnh viện nhi Trung ương chiều ngày 01/5 trong tình ho sặc sụa, không suy hô hấp. Sau khi chụp X-Quang, các bác sĩ phát hiện có dị vật bằng kim loại tròn.
Mẹ bệnh nhân kể, cháu L. nuốt phải đầu tròn của chiếc bấm móng tay trong lúc chơi.
Khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ xác định đây là dị vật đường thở rất nguy hiểm và rất khó gắp do dị vật tròn và di động, nên đã hội chẩn với kíp soi để nội soi phế quản cấp cứu. Sau hơn 15 phút các bác sĩ nội soi phế quản gắp thành công dị vật.
Hình ảnh X-Quang cho thấy hình ảnh dị vật đường thở của bệnh nhân. (Ảnh: BS cung cấp)
Theo TS. BS. Lê Hanh, trẻ em thường có thói quen đưa các vật cầm ở tay vào mồm. Người lớn trong khi làm việc cũng có những người quen ngậm một số những dụng cụ nhỏ vào mồm, đó là điều kiện dễ đưa tới dị vật rơi vào đường thở hay vào thực quản. Dị vật bị rơi vào đường thở khi hít vào mạnh hoặc sau một một trận cười, khóc, ngạc nhiên, sợ hãi ...Dị vật bị rơi vào đường thở do bị liệt họng, thức ăn rơi vào đường thở.
Hình ảnh dị vật đường thở đã được nội soi phế quản gắp thành công. (Ảnh: BS cung cấp)
TS Hanh cho biết, mọi lứa tuổi có thể bị dị vật đường thở, hay gặp nhất là trẻ dưới 4 tuổi. Dị vật đường thở là những chất vô cơ hay hữu cơ mắc vào thanh quản, khí quản hoặc phế quản. Hay gặp nhiều nhất là hạt lạc, rồi đến hạt ngô, hạt dưa, hạt na, hạt hồng bì... mẩu xương, vỏ tôm, cua, đốt xương cá, mảnh đồ nhựa, kim, cặp tóc…
Các chuyên gia khuyến cáo, bậc phụ huynh chú ý không để trẻ em chơi những đồ vật sắc nhọn hoặc nhỏ, dễ sặc hóc và rất thận trọng với những thức ăn có thể làm cho trẻ mắc dị vật như: hạt lạc, hạt ngô, vỏ tôm, cua ..để hạn chế những tai biến đáng tiếc xảy ra.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet