“Bị ma rừng ăn hết tim, gan”
Làng Nước La (xã Đắk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) nằm dưới những dãy núi rộng, dài, bạt ngàn cây cối. Khi chúng tôi đến đây, hỏi về cô bé Y Nôn, người mới được thoát chết kì diệu thì người dân nào cũng biết.
Theo chân một cậu bé dân tộc, chúng tôi bước vào căn nhà sàn đơn sơ, ẩm thấp. Sau màn chào hỏi, anh A Hành và chị Y Đương thinh lặng, không buồn trả lời những câu được hỏi. Người thân cho hay, từ ngày biết tin con gái được cứu sống, hai vợ chồng trở nên buồn rười rượi, lầm lì suốt ngày, không nói năng gì.
Căn nhà của vợ chồng A Hành
Hơn một ngày ở lại trong căn nhà ấy động viên, đêm đã về khuya, ngọn lửa đã được thắp lên, vợ chồng A Hành mới chịu lên tiếng. Góp nhặt trong những câu nói đứt quãng, chúng tôi vẫn có thể hiểu được câu chuyện buồn của gia đình. Y Nôn là một trong năm đứa con của họ. Khi sinh ra, cháu vẫn bình thường. Thế nhưng, cách đây chừng một năm, trên người cháu bỗng dưng nổi lên hàng loạt nốt mẩn đỏ rồi vỡ ra thành ghẻ lở.
Vợ chồng A Hành lên tận rừng sâu kiếm cây thuốc về chữa trị cho con. Nhiều lần, hai người đến tìm già làng hỏi về phương thuốc cứu con nhưng đều không có hiệu quả. Cả hai buồn lắm. Trong lúc này, nhiều người trong làng bàn tán về căn bệnh của Y Nôn. Họ cho rằng, cháu bị con ma bắt đi rồi. Từ trước đến nay, những điều về ma quái ở ngôi làng này vẫn được truyền tụng, do đó, khi nghe đến ma cỏ, vợ chồng A Hành sợ hãi vô cùng.
Vợ chồng A Hành nhờ thầy cúng của làng đến xem thì người này phán: “Vợ chồng A Hành à. Y Nôn nó bị con ma ăn hết tim, gan rồi không thể sống nổi đâu. Nếu mày muốn, tao cúng cho rồi đưa nó ra bìa làng chờ con ma đưa đi hãy đem về nhà. Nếu không, con ma lại sang gây sự với những người khác trong nhà mày bây giờ”. Trước những lời ma mị của thầy cúng, vợ chồng A Hành hốt hoảng.
Y Nôn lúc bị bệnh
Đêm đó, Y Đương ôm Y Nôn khóc ngất. Cô thương con nhưng không biết phải làm bằng cách nào. Lúc này, được sự động viên của chồng, cô chấp nhận làm theo lời thầy cúng. Chỉ vài ngày sau, vợ chồng Y Đương chuẩn bị lễ vật để thầy cúng sang cúng cho Y Nôn. Thầy cúng cắt tiết gà, lấy máu gà bôi khắp người Y Nôn khiến cho bệnh tình của cháu thêm nặng. Sau đó, vợ chồng A Hành cùng người dân chặt cây, làm một cái lều nhỏ bên bìa làng rồi bế Y Nôn ra đây.
Y Đương nói: “Tao đem thêm hai bộ áo quần hàng ngày Y Nôn vẫn mặc ra lán. Hàng ngày, thằng con lớn của tao ra canh gác, đến bữa đem cơm ra cho Y Nôn ăn. Nó chờ khi nào Y Nôn chết sẽ về báo cho vợ chồng tao ra đưa về làm đám ma”.
Trở về từ cõi chết
Vào sáng 16/2/2014, cán bộ xã Đắk Long vào làng Nước La làm đường giao thông nông thôn. Khi đến bìa rừng, thấy chiếc lều nhỏ, cán bộ hỏi người dân. Mọi người đều né tránh, chỉ có một cô gái lỡ lời: “Nơi thả Y Nôn cho con ma làng đấy”. Cả nhóm cán bộ rợn người, vội vàng chạy vào bên trong. Lúc này, khắp người Y Nôn bị ghẻ lở. Những vết sần đỏ ăn sâu vào trong xương tủy. Một con mắt của cháu đã bị hỏng. Nhiều con giòi lúc nhúc trên da. Cơ thể gầy đét, tay chân cử động rất nhẹ… Một đồng bào dân tộc thấy vậy sợ hãi bỏ chạy.
Chiếc lán bên bìa rừng giờ đã bị phá bỏ
Cán bộ xã định đưa Y Nôn đi cấp cứu thì A Hành giằng lại bảo: “Con tao bị con ma rừng ăn hết tim gan rồi, không thể sống được nữa. Cán bộ đừng đưa nó đi đâu hết”. Cán bộ xã hỏi: “Sao A Hành biết Y Nôn bị con ma rừng ăn hết tim gan?”. Người cha thật thà: “Thầy cúng bảo thế”. Dù cán bộ khuyên nhủ thế nào, A Hành vẫn không chịu cho Y Nôn đến bệnh viện.
Lúc này, biết không thể khuyên nhủ được A Hành, bí thư đảng ủy xã Võ Thị Lễ yêu cầu cán bộ chia làm hai nhóm, một nhóm đưa Y Nôn đến bệnh viện, một nhóm kéo A Hành lại. Khi cháu bé đã được đưa đi, bà Lễ bảo: “Con ông sắp chết rồi, không chữa thì không thể sống nổi. Nếu, ông không cho chúng tôi đưa con ông đi chữa trị thì cán bộ đành bắt ông đi tù”. Nghe đến đây, A Hành hoảng sợ, chỉ biết im lặng theo chân cán bộ đến bệnh viện.
Các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum cho hay, phải rùng mình khi nhìn thấy Y Nôn. Bác sĩ ở đây công tác khá lâu năm nhưng chưa bao giờ nhìn thấy một con người bị lở loét nhiều như thế. Ngay khi tiếp nhận, các y tá được yêu cầu làm vệ sinh sạch sẽ, lấy hết giòi trên người cô bé. Cháu chỉ biết đau rên không nói được lời nào. Sau khi khám, bác sĩ nhận định, cháu bị viêm da toàn thân rất nguy cấp, chỉ còn 20% cơ hội sống. Nhận thấy bệnh tình của cháu quá nặng, trong khi đó, thiết bị y tế ở bệnh viện không đáp ứng đủ nhu cầu, hai ngày sau, cháu được chuyển đến bệnh viện Phong và da liễu trung ương Quy Hòa (tỉnh Bình Định).
Y Nôn đã hồi sinh
Trong suốt thời gian dài, cán bộ tại Bệnh viện Phong và da liễu trung ương Quy Hòa cố gắng hết sức để níu lấy sự sống của Y Nôn. Hàng ngày, bác sĩ thay nhau mớm thức ăn cho cháu. Mỗi khi rảnh lại kể những câu chuyện vui vẻ và hát cho cháu nghe… Thời gian trôi qua, bệnh tình cháu đã ổn định, những vết ghẻ lở đã săn lại và cháu đã có thể cười và nói. Tuy nhiên, con mắt phải của cháu đã bị ghẻ lở ăn hỏng, không thể chữa trị được. Ông Nguyễn Thanh Tân (giám đốc Bệnh viện Phong và da liễu trung ương Quy Hòa) chia sẻ: “Sự hồi sinh của Y Nôn là một điều kì diệu. Khi chúng tôi tiếp nhận cũng không dám khẳng định có cứu sống được cháu hay không. Cứu cháu sống là một kì tích”.
Sau ba tháng chữa trị, Y Nôn được cán bộ xã đón về. Người dân trong làng nhìn thấy cháu hồi sinh thì vô cùng ngỡ ngàng. Chỉ vì một lời nói của thầy cúng mà suýt nữa đã tước đi mạng sống của một con người.
Đến nay, bệnh tình của Y Nôn vẫn chưa khỏe hẳn. Cháu đang được bà Lễ nuôi tại nhà, hàng ngày bôi thuốc, chữa trị. Không chỉ thế, gia đình bà Lễ còn dạy cháu học chữ lẫn tiếng Anh. Sinh mệnh của cháu đã được hồi sinh. Đây là một lời cảnh tỉnh đối với những hủ tục vẫn còn ẩn sâu ở trong cộng đồng người dân tộc.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet