Gần 10 năm sau khi nhận giải thưởng danh giá Kovalevskaya, bà Phạm Thị Đức Hòa vẫn tất bật ngày đêm chăm sóc những người con tật nguyền của mình. Chỉ khác một điều, con gái 40 tuổi, nặng chưa đầy 10kg thì ngày càng cần có người túc trực bên cạnh, trong khi bà thì ngày một già yếu.
Hơn 3 giờ đồng hồ mới bón xong bữa cơm
Kể từ ngày được trao giải thưởng Kovalevskaya (giải thưởng nhằm tôn vinh những nhà khoa học nữ có nhiều đóng góp; riêng ở Việt Nam, giải thưởng còn dành tặng những tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội) năm 2005 đến nay, cuộc sống của bà vẫn hàng ngày tất bật, vội vã để lo những bữa cơm, thang thuốc cho con, cho chồng. Chỉ có điều, tuổi tác cùng bệnh xương khớp đã khiến cho sức khỏe của bà kém hơn, khó khăn hơn khi trái gió, trở trời.
Cô con gái đầu của bà Hòa, chị Nguyễn Thị Phương Thúy (SN 1975) vẫn như một đứa trẻ vừa vài tháng tuổi. Gần 40 năm nay, bà Hòa vẫn khao khát một lần con gái gọi tiếng “mẹ ơi…”. Nhưng điều ước ấy có lẽ luôn xa vời với bà, “bởi gần 40 năm, Thúy không nói được, nhìn được, nghe được, đi lại được, cảm nhận được những gì xung quanh cả”. Hai cánh tay nhỏ quắt, đầu ngoẹo sang bên, có lúc chân tay co cứng lại, gồng lên, lưng oằn lại. Cô gái nặng chưa đầy 10kg chỉ nằm một chỗ để mẹ chăm sóc suốt mấy chục năm trời. Trẻ con muốn ăn thì đòi khóc, còn con bà muốn ăn cũng chỉ chảy nước mắt mà thôi. Trở trời, con bà khóc ngặt 2 – 3 ngày ròng rã, bà cũng khóc theo ngần ấy ngày vì xót con mà không giúp được gì cho con.
Với người khác, sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi có thời gian để nghỉ ngơi còn bà thì 24 giờ nhiều khi không đủ để chăm sóc cho con. Tắm rửa, vệ sinh cá nhân, giặt giũ, rồi ăn uống… mỗi công việc đã chiếm mất 2 - 3 giờ đồng hồ. Chỉ riêng ăn một bát cơm, người mẹ ấy cũng phải tỉ mỉ, khéo léo bón từng tí một, mất hơn 3 tiếng. Vệ sinh cá nhân cho con cũng mất nguyên 1 tiếng… Buổi sáng, bà dậy từ 5h. Lẽ thường, người ta đi thể dục, thư giãn, bà lại lo cho việc của con. Chưa xong việc vệ sinh thì đã đến buổi trưa… Cứ như thế, ngày ngày, đều đặn từng ấy việc, bà làm không ngơi tay. Và mới đó mà đã 40 năm trôi qua rồi. Tóc bà đã bắt đầu bạc, sức khỏe đã yếu dần đi, chỉ có các con của bà nằm trên giường thì vẫn thế, vẫn không khóc, không cười, không nói, không nghe, không thấy và không biết gì cả.
“Đừng gọi tôi là người phụ nữ phi thường”
Nhắc đến giải thưởng Kova mà bà được nhận năm 2005, bà chỉ cười rất nhẹ nhàng. Với bà, giải thưởng Kova là một sự vinh dự lớn lao cho người phụ nữ, nhưng bà không xem đó là thành tích và cũng chẳng kỳ vọng sẽ được giải này, giải khác mà bởi với bà, đó là lẽ tất yếu của tình yêu mà các bà mẹ trên đời này đều muốn dành cho con: Tình yêu thương.
“Với tôi, mọi thứ đơn giản là tình mẫu tử. Niềm vui của người phụ nữ là chăm sóc chồng con và nhìn thấy các con trưởng thành. Tôi không thích người khác gọi tôi là người phụ nữ phi thường bởi có rất nhiều người khác khổ cực và phi thường hơn tôi. Và nữa, tôi cũng không muốn con cái mình như thế này, tôi chỉ cần chúng là những đứa con bình thường, không bệnh tật, không đau khổ. Bởi đó là một thiệt thòi rất lớn mà sự chăm sóc của mình nhiều khi không bù đắp được”, bà Hòa tâm sự.
Bằng tình yêu thương của một người mẹ, ngoài sự chăm sóc chu đáo cho người con gái tật nguyền nằm một chỗ, bà còn gieo vào lòng người con trai khiếm thị Trần Thanh Tùng (SN 1979) sự dũng cảm để vươn lên trong cuộc sống. Tuy không có đôi mắt sáng, nhưng bằng nghị lực, Trần Thanh Tùng giờ đây là một trong những nghệ sĩ đàn bầu nổi tiếng với nhiều giải thưởng danh giá và được mời đi biểu diễn khắp thế giới.
Chồng bà, ông Nguyễn Thanh Sơn là người đàn ông hiền hậu, thương vợ, thương con và sống nhẹ nhàng, giản dị. Từng vào Nam, ra Bắc ở những chiến trường ác liệt, khi hết chiến tranh, ông cưới vợ mà không hề biết trong mình đã bị nhiễm chất độc da cam. Đó cũng chính là di chứng để lại cho hai con là Trần Thị Phương Thúy và Trần Thanh Tùng.
Lúc mới sinh Thúy, hai vợ chồng bà phải vượt qua nỗi đau về tinh thần, ngược xuôi kiếm tiền mưu sinh. Để có tiền chạy chữa cho con, bà Hòa nhận thêm hàng về may tại nhà. Hàng ngày, ngoài các chi phí khám, chữa bệnh bằng phương pháp thủy châm được bệnh viện miễn phí, Thúy còn phải tiêm một số loại thuốc quý hiếm, trong đó có huyết não bò, bỏ trong túi trấu và đá cây để vận chuyển. Vậy mà, bao nhiêu nỗ lực cố gắng của cha mẹ đều đổ xuống sông biển. Thúy mãi mãi là một đứa bé không lớn.
Sau Thúy, vợ chồng bà lại đón nhận thêm một nỗi đau khi cậu con trai Trần Thanh Tùng bị khiếm thị. Cuộc sống đã khó khăn lại càng chồng chất khó khăn. Ông Sơn vừa làm ở nhà máy cơ khí, vừa làm nhiếp ảnh gia để kiếm thêm tiền chữa bệnh cho con. Vất vả, cực nhọc, có những lúc bà thấy tủi thân. Nhưng rồi nhìn những đứa con cần bàn tay chăm sóc và tình yêu thương của cha mẹ, bà lại cố gắng, nỗ lực gấp năm, gấp mười lần…
Nhìn vợ, ông Sơn nói rằng, cuộc đời ông có nhiều nỗi vất vả, những đứa con đầy bệnh tật, nhưng ông cảm thấy hạnh phúc bởi đã lấy được một người vợ thật tuyệt vời. “Trước đây, khi người ta chưa biết đến chất độc da cam, cũng có những lời nói ra nói vào là do chúng tôi ăn ở này kia. Có những khi bà ấy khóc tủi mà tôi cảm thấy đau đớn vô cùng. Nhưng rồi thời gian, bằng tình yêu thương chúng tôi đều vượt qua tất cả”, ông Sơn chia sẻ.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet