Miền Bắc
Xôi gấc
Theo quan niệm của dân ta từ xưa thì màu đỏ là màu của may mắn hạnh phúc, vì vậy trong các ngày rằm, ngày lễ đặc biệt là ngày Tết đến sẽ có 1 đĩa xôi gấc. Xôi gấc được nấu từ gạo nếp ngon trộn với gấc tươi rồi cho vào nồi hấp, sau khi đồ chín xôi sẽ có màu đỏ tươi rất đẹp.
Bánh chưng
Nhắc đến Tết là nhắc đến bánh chưng, 1 loại bánh có lịch sử lâu đời trong nền văn hóa ẩm thực của người Việt thể hiện sự kết tinh của đất trời, để có chiếc bánh chưng ngon cần có đôi bàn tay khéo léo để làm ra những chiếc bánh vuông vức, thơm ngon. Bánh được gói từ gạo nếp với đậu xanh, thịt lợn và 1 chút hạt tiêu sau đó luộc trong khoảng 14 tiếng.
Thịt nấu đông
Một món ăn ngon đặc trưng của mùa đông ở miền Bắc đó là thịt đông, tiết trời se lạnh mà thưởng thức món thịt đông sẽ mang lại cảm giác rất lạ nhưng lại hấp dẫn người ăn.
Dưa hành
Một món ăn bình dị trong mâm cỗ tết đó là món dưa hành, với vị chua chua cay nhẹ được dùng ăn kèm với bánh chưng hay thịt đông là món chống ngán hữu hiệu trong ngày tết.
Thịt gà luộc
Một món ăn ngon ngày tết tuy đơn giản nhưng không thể thiếu là Thịt gà luộc. Những miếng thịt gà có màu vàng tươi, được rắc thêm những sợi lá chanh thái nhỏ chấm với gia vị chanh ớt tạo nên một hương vị khó quên.
Nem rán
Nem rán một món ăn độc đáo không chỉ quen thuộc ở bữa cơm gia đình hàng ngày mà còn là món không thể thiếu trong mâm cỗ tết miền bắc. Những miếng nem được rán vàng với lớp vỏ giòn rụm, nhân bên trong có thịt, trứng, mộc nhĩ, giá thơm mềm. Món ăn này được rất nhiều người ưa thích còn được coi là ” quốc hồn quốc túy ” của người Việt.
Giò
Khi chuẩn bị mâm cỗ cổ truyền của người miền bắc thì chắc chắn các bạn không thể quên món giò. Những khoanh giò trắng mịn là món dễ ăn và tiện lợi.
Canh măng
Một bát canh măng thơm lừng và béo ngậy cũng là một món ăn cũng không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Canh măng được nấu từ măng khô nấu với xương sườn hoặc móng giò.
Miền Trung
Bánh tét
Nếu như bánh chưng là món nhất định phải có trong dịp Tết ở miền Bắc thì tại miền Trung, những chiếc bánh tét mềm dẻo mang hương vị đậm đà lại là món ngon không thể thiếu trong những ngày Tết. Bánh tét cũng được chế biến từ các nguyên liệu giống như bánh chưng nhưng được gói thành hình trụ dài thay vì hình vuông.
Thịt lợn ngâm nước mắm
Được chế biến từ thịt heo luộc chín cùng với nước mắm pha đường, thịt lợn ngâm nước mắm là một trong các món ăn ngày Tết không thể thiếu trên mâm cỗ của người dân miền Trung. Vị mặn, ngọt của món thịt khi kết hợp thêm với dưa món, củ kiệu chua ngọt và rau sống, rau thơm càng trở nên hấp dẫn.
Bánh tổ
Là sự kết hợp tinh tế của mè, gừng, đường đen và gạo nếp, khi thưởng thức, bánh tổ có thể được xắt ra thành từng miếng để dùng ngay hoặc nướng bánh trên bếp than hồng cho mềm hay đem chiên với dầu đậu phộng cũng rất ngon.
Dưa món
Là sự kết hợp của nhiều loại nguyên liệu khác nhau như củ kiệu, củ cải, dưa leo, đu đủ, cà rốt… ngâm chua mặn, dưa món là một món ăn ngày Tết không thể thiếu trên mâm cỗ của những người dân miền Trung.
Miền Nam
Thịt kho nước dừa
Món ăn Tết truyền thống nổi tiếng nhất của dân miền Nam có lẽ là thịt kho nước dừa, hay còn gọi là thịt kho riệu, thịt kho hột vịt. Ngày giáp Tết, ngoài việc nấu bánh tét, các gia đình nam bộ còn hay chuẩn bị một nồi to để nấu món thịt kho này. Thịt kho hột vịt trông rất hấp dẫn, ăn ngon miệng, để cho khỏi ngấy, món này thường ăn kèm dưa giá.
Dưa món
Trong khi miền Bắc là dưa hành, thì miền Nam với miền Trung ưa chuộng dưa món như một món dưa góp ăn kèm ngày Tết. Dưa món có thành phần là các loại củ quả (cà rốt, củ cải, su hào, đu đủ…) được muối mặn ngọt trong nước mắm đường qua nhiều ngày. Khi ăn, dưa món thường dùng kèm bánh chưng, các món có thịt để giảm ngấy.
Củ kiệu tôm khô
Miền Nam cũng chuộng củ kiệu như miền Trung, nhưng đặc biệt củ kiệu ở miền Nam không ăn với bánh tét, mà thường ăn kèm tôm khô thành một món riêng. Củ kiệu được ngâm chua ngọt, khi ăn kèm tôm khô, rắc thêm miếng đường cát, món ăn có đủ vị giòn, dai, mặn, ngọt, hăng, nhâm nhi vừa ngon lành thú vị.
Bánh tét
Trong khi bánh tét ở miền Trung chuộng sự giản dị, chỉ khác bánh chưng truyền thống về hình dáng, thì bánh tét ở miền Nam đã được “cải tiến” rất nhiều. Bánh tét miền Nam có hai loại chính là bánh tét nhân mặn và nhân ngọt. Nhân mặn ngoài loại có đậu và thịt mỡ truyền thống, nhiều nhà gói bánh tét còn có trứng muối, lạp xưởng…cho nhiều khẩu vị khác nhau. Trong khi đó bánh tét nhân ngọt phổ biến với nhân chuối, đậu đỏ, đậu xanh… Bánh Tét miền Nam, nhất là miền Tây nam bộ trông rất bắt mắt, ngoài cách gói vuông vức, chắc đẹp, nếp nấu bánh còn được nhuộm màu rau ngót, lá cẩm để tạo nên màu sắc nổi bật và hấp dẫn. Một địa phương nổi tiếng với món bánh tét thập cẩm rất đẹp và ngon miệng là Trà Vinh với Bánh tét Trà Cuôn.
Canh khổ qua nhồi thịt
Đây là món ăn thường ngày trong mỗi gia đình miền Nam, và cũng được dùng trong những ngày Tết với ý nghĩa giúp đẩy những điều “khổ” đi “qua”. Đây cũng là món ăn giải nhiệt bổ dưỡng cho cơ thể trong những ngày Tết, khi trời miền Nam bắt đầu nắng nóng.
Lạp xưởng
Lạp xưởng là món ăn rất phổ biến ở miền Nam. Vào dịp Tết, tìm mua lạp xưởng ngon để ăn và đãi khách là nhu cầu không thể thiếu của bà con Nam bộ. Lạp xưởng trong Nam có nhiều loại: lạp xưởng tươi, lạp xưởng khô, lạp xưởng nạc, lạp xưởng tôm, lạp xưởng cá… nhiều địa phương miền Tây nổi danh với món lạp xưởng như Sóc Trăng, Cần Giuộc (Long An), An Giang… Lạp xưởng có thể luộc, chiên, nướng trước khi ăn. Cách được nhiều người ưa chuộng là chiên bằng nước (không dùng dầu), vừa ngon vừa an toàn cho sức khỏe.
Dưa giá
Dưa giá là món dưa muối rất được ưa thích vì tính mát, vị giòn ngon của nó. Dưa giá ăn với cơm, cuốn bánh tráng nhưng thích hợp nhất vẫn là ăn kèm thịt kho hột vịt trong mấy ngày Tết vì tác dụng giải ngấy rất hiệu nghiệm. Thành phần trong món dưa giá gồm giá, hẹ, cà rốt, rất bổ dưỡng cho cơ thể. Món này có thể muối xổi hoặc muối kỹ.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet