Điều tra năm 2003 tiến hành trên 1.200 phụ huynh tại Mỹ cho thấy 87% trẻ 1,5-2 tuổi có cơn thịnh nộ, tỷ lệ này đạt mức tối đa 91% ở trẻ 2,5-3 tuổi và giảm xuống còn 58% ở trẻ 3,5-4 tuổi. Cơn thịnh nộ thường kéo dài 2 phút ở trẻ một tuổi và lên tới 5 phút ở trẻ 4 tuổi.
Cơn thịnh nộ xuất hiện dưới đủ hình thái. Cha mẹ có thể thấy bé gào khóc, gồng cứng chân tay, ưỡn cong người, giậm chân, đá lung tung, ngã lăn xuống đất, đập phá hay bỏ chạy. Trong một số trường hợp, trẻ có thể đột nhiên nín thở đến xanh tím, nôn, phá phách đồ đạc hoặc trở nên hung hãn.
Một số nguyên nhân dẫn tới cơn thịnh nộ:
- Tính cách: Một số trẻ hay nổi cơn thịnh nộ hơn những bạn khác.
- Căng thẳng, đói, mệt và kích thích quá mức.
- Những tình huống trẻ không đủ sức đối phó - ví dụ khi bị bạn lớn hơn lấy mất đồ chơi.
Các cơn thịnh nộ thường kết thúc sau tuổi lên 4, tuy nhiên chúng sẽ vẫn tiếp diễn nếu trẻ có thể dùng phương tiện này để đạt những gì mình muốn. Để cơn thịnh nộ không theo đuổi bé lâu dài, điều quan trọng nhất là cha mẹ đừng vô tình khen thưởng cơn nóng giận của con.
Ảnh minh họa: Ahmadiyyapost.blogspot.com. |
Xử lý cơn thịnh nộ nhẹ
Cách này phù hợp với trẻ rất nhỏ (1-2 tuổi), hoặc trẻ không nổi cơn thịnh nộ thường xuyên, cơn giận không quá nghiêm trọng:
- Giảm stress: Trẻ mệt mỏi, đói và kích thích quá mức thường dễ nổi cơn thịnh nộ.
- Hiểu rõ cảm xúc của bé: Nếu thấy cơn nóng giận chớm xuất hiện, cần nhanh chóng đánh lạc hướng sự chú ý của bé vào một hoạt động khác.
- Xác định các yếu tố gây cơn thịnh nộ: Nhiều bé thường nổi đóa khi cùng mẹ đi mua sắm, thăm người quen hay trong thời gian bữa ăn. Hãy nghĩ cách giảm nhẹ căng thẳng cho con, chẳng hạn rút ngắn thời gian đi cửa hàng để bé không quá mệt, cho bé ăn trước khi đi chơi lâu.
- Khi cơn thịnh nộ xuất hiện, hãy bình tĩnh (hay tỏ ra bình tĩnh). Nếu cha mẹ nổi giận mọi chuyện sẽ càng tồi tệ hơn. Nếu bạn nhất thiết phải lên tiếng thì hãy giữ giọng nói thật trầm tĩnh và hành động hết sức chậm rãi.
- Chờ cho cơn thịnh nộ qua đi: Hãy phớt lờ hành vi của con cho tới khi bé ngừng làm mình làm mẩy. Khi cơn nóng giận đang đạt đỉnh điểm, việc đánh lạc hướng hay giải thích lý lẽ sẽ chẳng có ích lợi gì. Bé sẽ chẳng có tâm trạng nào để nghe bạn. Hành động của bạn có thể khiến bé hiểu rằng cơn thịnh nộ thu hút toàn bộ sự chú ý của cha mẹ.
- Không nhân nhượng: Nếu cơn thịnh nộ xuất hiện vì bé không muốn làm điều gì đó (ví dụ bé thích vầy nước và không muốn ra khỏi bồn tắm), hãy nhẹ nhàng nhưng cương quyết yêu cầu con làm việc này (bế bé ra khỏi bồn). Nếu cơn giận xuất hiện vì con muốn thứ gì đó, đừng cho bé thứ bé muốn.
- Hãy kiên định và bình tĩnh: Nếu bạn không nhất quán trong phản ứng với cơn thịnh nộ, lúc thì cho con thứ bé muốn, lúc lại không thì vấn đề có thể trở nên tồi tệ hơn.
- Khen thưởng hành vi tích cực: Nhiệt tình khen ngợi khi bé kiềm chế tốt cơn bực tức của mình.
Xử lý cơn thịnh nộ nghiêm trọng
Bạn có thể chọn cách tiếp cận sau nếu con lớn hơn 2 tuổi và cơn thịnh nộ khá nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống gia đình hoặc khiến cả mẹ và con cùng bất an. Bạn thấy khó lòng phớt lờ cơn thịnh nộ của con. Bạn lo lắng rằng mình có thể nổi nóng và đánh con khi bé nổi cơn thịnh nộ.
Các bước tiếp cận sau đây đã được thử nghiệm trong thời gian dài, thông qua các nghiên cứu khoa học và tỏ ra hữu ích trong việc giúp cha mẹ xử lý cơn thịnh nộ của trẻ:
1. Ghi nhật ký về các cơn thịnh nộ của bé trong vòng 7-10 ngày. Kẻ bảng và chia thành 4 cột để ghi lại ngày tháng, địa điểm, những gì diễn ra trước và sau cơn thịnh nộ.
2. Xác định các tình huống dễ dẫn đến cơn thịnh nộ (ví dụ bé mệt, phải đi cửa hàng). Lập kế hoạch phòng tránh những tình huống này hay tìm cách khiến chúng bớt căng thẳng đối với bé.
3. Xác định yếu tố khởi phát cơn thịnh nộ, đó thường là khi bé bị từ chối việc gì đó hoặc bị yêu cầu làm một điều gì. Tìm cách giảm hoặc tránh các yếu tố này. Bảng dưới đây cho cha mẹ một số ý tưởng.:
Yếu tố khởi phát | Cách phòng tránh |
Bị nói "không" | - Đặt các đồ chơi hấp dẫn nhưng dễ vỡ ngoài tầm với của trẻ (yêu cầu các anh chị lớn cất đồ chơi yêu thích của mình vào chỗ an toàn). - Nói "có" khi điều này là hợp lý. - Cho bé một vài giải pháp để lựa chọn. - Đánh lạc hướng trẻ bằng hoạt động khác. |
Được yêu cầu làm việc gì đó | - Chỉ đưa ra ít mệnh lệnh, tránh suốt ngày yêu cầu trẻ - Các mệnh lệnh phải hợp lý, cơn thịnh nộ thường xảy ra - Nói trước cho bé về việc bé cần làm để trẻ có |
Nổi cáu với đồ vật hay trò chơi | - Giúp bé xử lý các tình huống khó, chẳng hạn lắp đồ chơi - Cất kín các đồ vật hay trò chơi khiến bé nổi cơn thịnh nộ. - Dành thời gian hướng dẫn con cách sử dụng các |
4. Khi bé nổi cơn thịnh nộ, hãy chọn một trong hai giải pháp:
- Làm ngơ: Quay ra chỗ khác và đừng nhìn hay nói bất kỳ điều gì khi con đang nổi giận. Bạn có thể bước xa khỏi nơi con đứng nếu điều này vẫn an toàn cho bé.
- Dùng phương pháp phạt time - out (đứng im một chỗ), đây là một chiến lược hiệu quả nếu cơn thịnh nộ đặc biệt nguy hiểm hoặc nếu bạn thấy không thể làm ngơ trước cơn nóng giận của con.
5. Giúp trẻ học và thực hành các kỹ năng đối phó với tình huống khó khăn. Ví dụ, mẹ có thể nói: “Bông ơi, năm phút nữa mẹ sẽ yêu cầu con tắt TV. Con sẽ cho mẹ thấy con có thể bình tĩnh tới mức nào và đã người lớn đến đâu được không?". Hay bố có thể nói: "Vịt con, hít vào thật sâu và giữ bình tĩnh. Bố muốn con bình tĩnh sau khi nghe câu trả lời của bố, con có làm được không?".
6. Khen thưởng khi bé biết giữ bình tĩnh trong những tình huống khó khăn.
Làm gì để bản thân cha mẹ không nổi nóng?
Đối phó với cơn nóng giận có thể là điều hết sức căng thẳng và mệt mỏi đối với cha mẹ. Sau đây là một số ý tưởng giúp bạn giữ bình tĩnh:
- Lên kế hoạch rõ ràng để biết bạn sẽ làm gì khi con nổi nóng và cố gắng thực hiện kế hoạch này khi cơn nóng giận nổ ra.
- Chấp nhận rằng bạn không thể kiểm soát trực tiếp cảm xúc hay hành vi của con. Bạn chỉ có thể giữ cho con được an toàn và làm những điều bạn cần để cơn thịnh nỗ ít xảy ra hơn trong tương lai.
- Chấp nhận rằng sẽ cần nhiều thời gian để có thể thay đổi hành vi của bé. Học cách kiểm soát cảm xúc không phải việc trẻ có thể làm một sáng một chiều.
- Đừng đánh giá khả năng làm cha mẹ của mình theo số cơn thịnh nộ của con. Hãy nhớ rằng tất cả trẻ em đều có thể lên cơn thịnh nộ. Thay vào đó hãy tập trung suy nghĩ tìm cách phản ứng tốt nhất với cơn cáu giận của con.
Bác sĩ Trần Thu Thủy
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet