Mặc dù hiện nay có khá nhiều món ăn mới lạ, song chè kho cúng giao thừa thì nhiều nhà vẫn ưa tự làm lấy. Nấu chè kho đúng cách để ngon không dễ, phải khuấy luôn tay khoảng tiếng đồng hồ nên rất mệt. Chểnh mảng một chút là chè khê, cháy. Nóng vội, cẩu thả một chút là chỉ vài ba hôm chè đã mốc meo, thiu vữa.
Muốn chè kho ngon trước hết phải biết chọn đỗ. Đỗ xanh phải là loại đỗ mới, hạt đều tơi và thơm. Đỗ được xay vỡ, ngâm, đãi sạch vỏ, rồi đem rang, xay thành bột. Cho đường trắng vào thắng với nước lã. Ngọt nhạt tùy theo sở thích. Đường tan, bắc xuống, lấy một chiếc rây, vừa rây vừa khuấy cho bột tơi đều. Bắc xoong bột lên bếp đun lửa liu riu. Cái khó nhất là phải khuấy đều tay. Ngừng tay hoặc làm hời hợt, là bột, đường sẽ vón lại và bén đáy nồi ngay. Không được để to lửa cho chè chóng chín. Đó là chưa kể khi bột sôi dễ bắn tung cả lên tay, lên mặt. Nấu khoảng một giờ khi nào bột từ loãng chuyển sang đặc dần, thấy tay khuấy hơi nặng, đừng nghĩ rằng bột đã chín, mà phải khi nào bột sôi một lúc rồi dần dần loãng ra mới được. Trước khi bắc nồi chè xuống rắc thêm chút va-ni cho thơm.
Chè vừa chín, nhẹ nhàng múc ra từng chiếc đĩa nhỏ xinh xinh, lấy vừng đã xát vỏ, rang chín rắc lên đĩa chè, rồi lấy miếng lá chuối nhỏ ấn nhẹ cho đĩa chè mịn đều. Mùi đỗ xanh thơm phức hòa cùng mùi va-ni thơm mát, thật quyến rũ.
Và chỉ có ai đi xa trong những ngày cuối năm mới thấm thía được, nỗi nhớ của những người xa Tổ quốc, nhớ khung cảnh tấp nập của chiều ba mươi. Nhớ không khí đầm ấm bên mâm cỗ tất niên, được quây quần với những người thân, nhớ nụ cười móm mém của ông, tiếng cười hồn nhiên của đứa em nhỏ, thèm miếng bánh chưng do chính tay mẹ gói cùng miếng chè kho ngọt mát, và nôn nao chờ đợi đón giao thừa để được nghe bà kể chuyện ngày xửa, ngày xưa.
(Theo Nhân Dân)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet