Việc luyện chữ đẹp không chỉ khiến nhiều bé gặp khó khăn khi bắt đầu đi học, mà ngay cả phụ huynh cũng “chật vật” không kém. Có mẹ thậm chí đã ước giá như bỏ được môn này khỏi chương trình học của con, vì bé thì căng thẳng mà mẹ cũng stress không kém. Nhưng liệu môn này có quá “khó nhằn” như vậy không? Hãy cũng tham khảo phương pháp sau đây để các con hứng thú với môn này và viết thật đẹp.
“Chơi” với chữ để con viết đẹp hơn
Chắc mẹ cũng nhớ, khi học mẫu giáo, các bé thường thích thú với môn vẽ, thủ công, múa hát,... Nhưng khi lên lớp 1, chương trình lại thay đổi theo chiều hướng nhàm chán hơn với phần lớn thời gian dành cho môn Toán và Tiếng Việt. Và thời gian "gò lưng" với những con chữ khiến bé vô cùng khó chịu, nhất là khi viết chưa được đẹp, bị ba mẹ la mắng thì việc luyện tập này càng trở nên như cực hình vậy. Đã thế, mẹ mà càng ép con tập nhiều, bé sẽ càng sợ hãi. Kết quả là chữ con chẳng khá khẩm lên chút nào, mà con còn sợ học gấp bội.
Để bé cảm thấy mình đang "vẽ" chữ thay vì luyện chữ (Ảnh minh họa)
Vì thế, để khỏi tạo áp lực cho bé, sao mẹ không biến môn học khô khan, cần sự tập trung và kiên nhẫn này thành... trò chơi để bé hứng thú nhỉ? Hãy rủ con vẽ những bức tranh về các chữ cái cho thật đẹp nào! Đảm bảo bé sẽ thích thú như khi vẽ bất cứ bức tranh nào ở trường mẫu giáo vậy. Có thế bé sẽ ngạc nhiên lắm khi hỏi mẹ: "Tại sao vẽ tranh lại không dùng màu, và phải vẽ trên giấy ô ly?" chẳng hạn; thì hãy giải thích rằng có rất nhiều loại tranh khác nhau, và khi con vẽ giỏi, bức tranh nào cũng sẽ thật đẹp.
Sau đó, mẹ chỉ việc hướng dẫn cho bé cách "vẽ" đúng nhất. Đầu tiên là cầm bút ra sao này, tư thế ngồi đúng và thoải mái chưa. Mẹ cầm tay con trong những nét đầu tiên để bé hình dung ra cách viết thế nào. Rồi để con tha hồ luyện sao cho giống bức tranh gốc nhất. Hãy khích lệ đúng mức giúp con đánh giá được thành quả của mình, và có động lực để tiếp tục cố gắng.
Ngay cả khi bé vẫn chưa viết nổi những chữ thật đẹp, mẹ không nên vội than vãn. Hãy kiểm tra lại xem con đã ngồi, đã cầm bút đúng tư thế và thoải mái chưa, có bị gò bó hay gặp vấn đề gì không. Nếu không thì chỉ cần mẹ kiên nhẫn thêm một chút, một chút nữa thôi. Và tuyệt đối không bao giờ được giục giã hay quát tháo con.
Viết chữ hoa không khó
Khi bé đã quen với mẫu chữ thường rồi, mẹ hãy chuyển sang dạy bé luyện những chữ hoa nhé. Nhiều mẹ than rằng bản thân mình còn không viết nổi những chữ hoa đẹp, vì chúng quá rối rắm và... phức tạp; vậy thì làm sao con viết đẹp được. Đừng nghĩ như vậy, vì con có thể làm được nhiều hơn những gì bạn nghĩ, chỉ cần chúng được khích lệ và chỉ dạy đúng cách.
Mẹ cầm tay hướng dẫn để bé khỏi bỡ ngỡ. (Ảnh minh họa)
Khi bé học viết chữ hoa, mẹ hãy nói với con rằng chúng ta sẽ vẽ những bức tranh đẹp hơn. Sau đó, mẹ chỉ cho con cách "vẽ" các nét cho đúng. Đôi khi, mẹ có thể để bé "phiêu" với trí tưởng tượng của mình, để vẽ ra những bức tranh chữ khác nhau. Cuối cùng là chỉ cho con thấy bức tranh đẹp nhất (chữ mẫu) và "rủ" bé cùng luyện theo sao cho thật giống.
Với cách này, mẹ không nhất thiết phải viết chữ đẹp. Bởi vai trò của mẹ là hướng dẫn để con viết đúng, viết đẹp thôi. Thậm chí bé có thể viết đẹp hơn cả mẹ cũng chẳng sao, vì càng có thêm động lực để con cố gắng.
Không bao giờ tạo áp lực cho con
Não bộ của bé giai đoạn này mới chỉ phát triển đủ dành cho các hoạt động tập trung ngắn hạn, vì vậy, mẹ không nên ép con luyện viết trong thời gian quá dài. Hãy để bé dần làm quen với việc luyện chữ trong thời gian phù hợp, và tăng lên từ từ. Tránh để bé "đánh rơi" hứng thú với môn này và kết quả trở nên tệ hơn.
Mẹ cũng lưu ý là tạo ra không gian học tập thân thiện; bàn ghế, bút vở phải đúng quy cách. Mẹ cũng có thể tham khảo về tư thế ngồi và cách cầm bút "chuẩn" dưới đây nhé!
Tạo không gian thoải mái để bé hứng thú, tránh bị áp lực. (Ảnh minh họa)
Tư thế ngồi: Để tránh các tật về xương, mắt, mẹ phải hướng dẫn bé ngồi sao
cho thật thoải mái, không gò bó. Khoảng cách từ mắt đến vở 25 -30 cm. Cột sống luôn ở tư thế thẳng đứng, vuông góc với mặt ghế ngồi. Ghế bé ngồi phải vuông góc với hông, cằm và chân con.
Cách cầm bút: Bút được cầm bằng 3 ngón: ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa. Phần di động bút khi bé viết sẽ do ba ngón này đảm nhận. Đầu ngón trỏ cách đầu ngòi bút chừng 2,5cm. Ngón áp út và ngón út cong lại và đặt thoải mái trên bàn. Đây là phần cố định của bàn tay khi bé viết.
Mép bàn tay là điểm tựa của cánh tay phải khi đặt bút xuống bàn viết. Lúc viết, điều khiển cây bút bằng các cơ cổ tay và các ngón tay. Cố gắng không cho bé di chuyển cả cánh tay khi viết. Nếu con chưa tập được mẹ có thể cho trẻ nằm trên sàn để tập cố định cánh tay trong thời gian đầu. Khi trẻ đã quen bạn tập cho trẻ ngồi viết trên bàn trở lại.
Không để ngửa bàn tay quá, tạo nên trọng lượng tì xuống lưng của hai ngón tay út và áp út (ngón đeo nhẫn). Ngược lại không úp quá nghiêng bàn tay về bên trái (nhìn từ trên xuống thấy cả 4 ngón tay: trỏ, giữa, áp út và út).
Cầm bút xuôi theo chiều ngồi. Góc độ bút đặt so với mặt giấy khoảng 45 độ. Tuyệt đối không cầm bút dựng đứng 90 độ. Đưa bút từ trái qua phải từ trên xuống dưới các nét đưa lên hoặc đưa sang ngang phải thật nhẹ tay, không ấn mạnh đầu bút vào mặt giấy.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet