Nội dung

Câu chuyện viết từ tâm dịch sởi của nữ nhà báo Hoàng Hải Yến từng lấy nước mắt của không biết bao nhiêu bà mẹ và cả độc giả dù khó tính nhất. Một căn bệnh từng được nhiều người nghĩ đơn giản, chỉ cần kiêng cữ tại nhà sẽ khỏi nhưng năm 2014 lại khiến biết bao gia đình đau đớn vì mất con.

Có mặt tại bệnh viện nhi TW trong hơn 2 tuần liền, nhà báo Hoàng Hải Yến đã chứng kiến được biết bao mảnh đời, hoàn cảnh, số phận. Nhân ngày 21/6, chúng tôi có cuộc trò chuyện đầy xúc động với chị. Thời gian đã trôi qua, dịch sởi tạm lắng nhưng cảm xúc của nữ nhà báo này về dịch sởi vẫn còn đọng lại nhiều cảm xúc.

Không dám nghĩ nhiều đến những gì đã thấy

Là phóng viên được trực tiếp có mặt ở Bệnh viện Nhi trong những ngày dịch sởi cao điểm, xin chị chia sẻ về những gì đã được chứng kiến ở đó?

Mười mấy ngày trực ở viện để làm tin bài về dịch sởi, tôi không chỉ chứng kiến cảnh các bé nhỏ tuổi nhập viện thâm chí cả những bé tử vong. Nỗi đau của những người làm cha làm mẹ khi nhận được tin con không qua khỏi chỉ vì một căn bệnh mà vốn dĩ người ta từng nghĩ đơn giản, chỉ chữa tại nhà là khỏi thực sự rất  kinh khủng. Giữa bộn bề của công việc, nỗi nhớ con trai ở nhà khiến tôi muốn viết một cái gì đó.

 Bà mẹ nhà báo và nỗi ám ảnh từ tâm sởi

Chị Hoàng Hải Yến bên con trai.

Điều gì đã khiến chị viết nên một câu chuyện đầy tình thương và khiến nhiều người rơi lệ như vậy?

Vốn dĩ, tôi là người thích viết cho con vào những ngày đặc biệt. Có những lúc chứng kiến các gia đình bị mất con do sởi mà tôi chỉ muốn chạy về nhà ôm con nhưng không về được. Tôi ở trong viện từ 2/4-16/4 để viết tin, bài, chứng kiến biết bao mảnh đời, hoàn cảnh, có người nghèo nhưng cũng có người nhiều tiền thấy con bị sởi nằm đó mà vẫn không cứu được, vì diễn tiến bệnh quá nhanh.

Có nhiều điều khiến chị ám ảnh khi thực hiện các bài viết trong 3 tuần lễ?

Tôi gần như bị ám ảnh khi có mặt ở bệnh viện, sự ra đi của những đứa trẻ bị bệnh nặng khiến cho nhiều người sợ hãi. Không ngờ một căn bệnh trước đây mọi người nghĩ đơn giản, chỉ cần kiêng nước, kiêng gió là sẽ khỏi nhanh nhưng năm nay lại khủng khiếp như vậy. Có những đứa trẻ không thể cứu chữa được, bố mẹ đành phải đưa về. Bởi vì đơn giản họ chỉ nghĩ rằng, không muốn con mình chết đường chết chợ, cái cảm giác lúc đó dù là người ngoài cũng thấu hiểu rõ sự tuyệt vọng của họ. Chỉ có đưa con về nhà mới có thể cảm giác an lòng nhất.

Hình ảnh nào là ám ảnh nhất khiến chị không thể quên được?

Ám ảnh nhất đó là gia đình có điêu kiện kinh tế khá giả nhưng do diễn tiến bệnh quá nhanh nên đứa trẻ tử vong. Người mẹ gần như không tin vào mắt mình, đôi mắt của chị ấy đến bây giờ khiến tôi không quên được. Một ánh mắt  thảng thốt nhưng lại đầy vẻ giễu cợt. Không phải vì chị ấy trách bác sĩ mà không thể tin nổi rằng đứa con ra đi nhanh như vậy. Trong khi, một ngày trước đó, bé còn ti sữa, ăn bột, chơi đùa…Cho đến khi bế con ra về, chị vẫn ôm con và nói sẽ mua cho con đồ chơi này, có bạn bè đến chơi…Dường như lúc đó người ta không nghĩ ra được điều gì, quên hết mọi thứ và bất ổn tạm thời.

Một trường hợp khác cũng khiến tôi nhớ là 1 gia đình ở Bắc Ninh từng có 2 đứa con đã tử vong vì sởi. Cả gia đình dồn sức chăm cho 1 đứa con còn lại cũng đang phải chiến đấu với sởi. Chứng kiến cảnh người bố một mình làm mọi việc từ bóp bóng oxi tới chạy ra ngoài nghe bác sĩ thông báo… mà chua xót đến nao lòng. Điều khiến tôi thắc mắc là không biết người vợ ở đâu nhưng sau đó biết rằng chị ấy đã về quê vì còn gì sốc hơn khi hai đứa con đã chết vì sởi. Thậm chí, nếu đứa trẻ đang nằm trên giường bệnh mà ra đi nữa thì người vợ cũng không sống được. Giữa lúc bộn bề lo toan cho con như vậy nhưng người chồng vẫn phải gọi điện về cho hàng xóm nhờ động viên vợ ở nhà để chị ấy không nghĩ quẩn.

Lúc đó, tiền cũng không cần, các ông bố bà mẹ chăm con bị sởi chỉ thầm cầu mong một điều làm sao để các bé sớm vượt qua bệnh tật. Đáng nhớ nữa là hình ảnh mọi người đùm bọc nhau. Các bé tiêm mũi tăng sức đề kháng nhiều tiền, có gia đình không đủ tiền để tiêm cũng nhận được sự giúp đỡ của các gia đình khác. Con bị sởi mà vượt qua được 10 ngày xem như một kỳ tích. Có những bé mới sinh được 10 ngày đã phải nhập viện. Bên cạnh sự chăm sóc của các bác sĩ, có lẽ hầu như mọi người chỉ còn biết cầu mong điều kỳ diệu sẽ đến.

 Bà mẹ nhà báo và nỗi ám ảnh từ tâm sởi

Nhà báo Hoàng Hải Yến không dám nhớ lại những gì đã chứng kiến ở tâm dịch sởi

Người ta thường nói người làm báo nhạy cảm nên mới viết được như vậy, chị có nghĩ như thế?

Nghề báo cứng rắn trong mọi hoàn cảnh, tôi không nghĩ chỉ có mình mới viết được như vậy. Tôi tin nếu người khác có cơ hội đứng ở đó cũng sẽ viết được những câu chuyện tâm huyết như vậy. Tôi ngồi cùng những người nhà của các bé, chỉ cần bác sĩ không gọi tên con, chính họ cảm giác trút được một gánh nặng, Tuy nhiên, có gia đình khi nghe gọi tên, sợ không dám vào. Bởi vì, họ sợ phải đón nhận một cái gì đó đau khổ, cuống quýt và không bước đi nổi.

Tôi viết chỉ trong vòng 30 phút, ngoài câu chuyện mà bạn bè thắc mắc về diễn biến của sởi trong bệnh viện Nhi TW thì nhiều người lại nói tôi ngu ngốc và khờ dại. Thật khó tin khi một người mẹ có con nhỏ mới 5 tuổi và đang mang một đứa trẻ mới hình thành trong bụng đã dám vượt qua tất cả để vào tâm dịch sởi. Nhưng tôi biết trước đây mình từng bị sởi nên không thể bị lại lần nữa. Mặt khác, đứa trẻ trong bụng cũng chưa thể nhiễm bệnh khi mới hình thành được vài tuần. Còn đối với con trai lớn, trong 3 tuần lễ, cháu phải sang nhà ông bà ngoại. Tôi không được ôm con, không được ở gần con.

Làm báo không chăm con được tốt

Một phóng viên nữ có con trai còn nhỏ và đang mang thai mà chị vẫn dám vào tâm sởi, nghĩ lại chị có thấy điều đó quá nguy hiểm?

Ông xã chỉ biết vợ vào viện Nhi chứ không hay biết là tôi vào đó để viết bài mấy ngày liền. Nhưng đến khi nghe tin về dịch sởi, ông xã cũng hoảng hốt. Lúc đó chỉ còn biết cách tự bảo vệ cho con bằng cách tẩy trùng rất cẩn thận. Những bộ quần áo khi mặc ở viện được giặt sạch sẽ, tắm ngay khi bước vào nhà. Ngoài ra, còn mua các dụng cụ khử trùng khác để vệ sinh nhà cửa.

 Bà mẹ nhà báo và nỗi ám ảnh từ tâm sởi

Chị Yến cho rằng: "Làm báo không chăm con tốt bằng chồng"

Chị có suy nghĩ nhiều trước khi quyết định sẽ bám trụ ở viện Nhi để chuyển tới độc giả những bài viết nóng hổi nhất?

Tôi không nghĩ gì, trước đây từng thưc hiện các đề tài khác còn nguy hiểm hơn nhiều nên mọi thứ đều rất nhẹ nhàng. Đúng là tôi có đam mê và thích làm những cái gì đó nguy hiểm một chút. Điều tôi nhớ là giữa lúc các gia đình cuống quýt như vậy, nhưng không ai than trách bác sĩ một lời nào. Có những bác sĩ trực 3 ngày liên tục, trong lúc căng thẳng nhất cũng chỉ biết làm hết sức mình để cứu lấy từng đứa trẻ.

Đến bây giờ tôi không muốn nhớ lại những hình ảnh đã chứng kiến. Tôi vào viện viết bài bằng tất cả trách nhiệm và tâm huyết. Nhưng sau khi viết xong sẽ gạt ra khỏi đầu, tôi sợ ám ảnh lắm. Nếu bây giờ cho viết lại chắc tôi không viết được, cảm xúc lúc đấy dâng trào mãnh liệt lắm.

Nhiều người thường nói phụ nữ làm báo vất vả lắm, chuyện chăm con chắc cũng có phần ảnh hưởng. Chị thấy bản thân mình thế nào?

Làm báo không chăm con tốt như mọi người, thậm chí tôi không chăm con tốt bằng chồng. Với công việc tại một tờ báo điện tử, có những khi đi chơi với chồng con mà vẫn dán mắt vào máy tính xách tay. Có lẽ ông xã cũng ngán ngẩm nhưng tôi biết chồng rất yêu mình và yêu cả nghề báo này nữa. Người chồng khi lấy vợ làm báo phải biết thông cảm và chia sẻ nhiều hơn. Tôi mặc cả với chồng từ thời yêu nhau là khi yêu em phải cảm thông, chia sẻ và chấp nhận những phút hâm bất chợt.

Có nghĩa chị dành thời gian cho con rất ít?

Từ khi con biết ăn, tôi bón cơm cho con ít lắm. Đôi khi cho con ăn cũng chỉ là cho cơm vào miệng chứ không đùa nghịch hay biến hóa thành tàu hỏa, sân bay như chồng.

Người làm báo thường có cá tính mạnh, điều này có ảnh hưởng đến quan điểm của hai vợ chồng chị khi dạy con?

Bất đồng nhiều chứ, vợ chồng tôi khác nhau về quan điểm dạy con. Tôi thường nói với con trai rằng không được làm nũng, mè nheo, đàn ông phải thế này phải thế kia. Nhưng ông xã lại suy nghĩ, con đang còn bé thay vì dạy con phải thế này thế kia thì nên hỏi con muốn gì là đúng nhất. Có những cuộc tranh cãi sau đó giúp tôi nhận ra bản thân quan niệm sai trong việc dạy con.

Chị nghĩ sai lầm đó là gì vậy?

Ví dụ như tôi muốn con trai phải học giỏi, thông minh, ra đường phải ngoan. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng như vậy. Khi con ra đường mà nói trống không thì tôi sẽ chấn chỉnh. Nhưng quan điểm của chồng là đứa trẻ cũng có lòng tự trọng, chỉ nên  nhắc nhở khi ở nhà, không nên uốn nắn ngay trước mặt người lạ.

 Bà mẹ nhà báo và nỗi ám ảnh từ tâm sởi

Hiện chị Yến đang mang bầu bé thứ 2.

Nhưng chị đã khắc phục điều này bằng cách nào để con không còn sợ mẹ, sẵn sàng chia sẻ nhiều hơn?

Có một thời gian con trai tôi như tự kỷ, sợ chia sẻ, thích chơi một mình. Từ câu chuyện đó, chồng tôi nói nên bớt thời gian ngồi máy tính, cho con ra công viên chơi, nói chuyện với con 30 phút là sau giờ đi học…Tôi cũng đã dành thời gian để nói chuyện với con nhiều hơn nhưng tôi vẫn quan niệm dạy con rất quyết liệt.

Nếu sau này con trai thích làm báo, chị có ủng hộ?

Nếu con thích làm báo, tôi sẽ ủng hộ. Dù còn nhỏ tuổi nhưng con trai tôi đã nói ước mơ trở thành nhà báo trong tương lai.

Xin cảm ơn chị đã chia sẻ. Chúc chị ngày 21/6 nhiều niềm vui và ý nghĩa!

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Những sai lầm ăn uống khi nuôi con bằng sữa mẹ

Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ giúp trẻ nhỏ tăng cường hệ miễn dịch mà còn là nền tảng cơ bản cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ. Nhưng việc cho con bú đôi khi lại khiến các bà mẹ lo lắng vì không biết thức ăn mà họ dùng có ảnh hưởng đến sức khỏe của thiên thần bé nhỏ hay không. Dưới đây là một số quan niệm sai lầm của các bà mẹ đã được các chuyên gia nhi khoa lý giải:

Xem thêm  

Đừng chủ quan khi chở trẻ bằng xe máy

Các bậc phụ huynh nên ý thức về những mối nguy hiểm luôn rình rập trẻ khi tham gia giao thông, để tránh những tai nạn đáng tiếc cho trẻ khi đi trên đường. Nhiều thương tích nghiêm trọng có thể phòng...

Xem thêm  

Dạy bơi cho trẻ: Yêu cầu của Bộ bị ‘chìm nghỉm’?

Trước tình trạng trẻ tử vong đuối nước có xu hướng ngày một tăng cả về số người lẫn số vụ, cách đây mấy năm, Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu các trường tiểu học trên cả nước phổ cập dạy bơi cho học sinh. Nhưng đến nay, đề xuất này vẫn trên giấy.

Xem thêm  

Lòng bao dung của người mẹ chồng

Chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con trai nhưng vì cháu nội, người mẹ đã nuốt nước mắt, tha thứ cho con dâu. Cô gái trẻ có mái tóc bới cao, nước da trắng ngần, không ngừng vặn vẹo đôi tay khi ngồi trên...

Xem thêm