Cười khi dõi theo cuộc đối thoại hồn nhiên của các con, chị Lê Huyền Sang (quận 3, TP HCM) bảo: “Na còn nhỏ đã được vợ chồng mình hướng dẫn không vứt rác bừa bãi làm ảnh hưởng đến môi trường và tập dần thành thói quen. Giờ bé đã có thể thay mẹ nhắc nhở và noi gương cho em rồi”.
Theo bà mẹ trẻ này, hiện nay ý thức người dân đã được nâng cao hơn nhưng vẫn có những người thờ ơ với vấn đề vệ sinh môi trường. Đặc biệt là trẻ nhỏ, vì chưa ý thức rõ tầm quan trọng của môi trường với cuộc sống, lại không được người lớn chỉ bảo nên chúng không biết phải làm thế nào cho đúng.
Chị Sang kể, cũng như bao đứa trẻ đồng trang lứa khác, bé Na chưa thể hiểu vứt rác bừa bãi sẽ gây tác hại thế nào. Con còn nhỏ nên không thể giải thích cặn kẽ bằng lý thuyết suông nên chị thường đưa ra những ví dụ rất cụ thể. Một lần chở con đi qua đoạn kênh Nhiêu Lộc bốc mùi hôi thối, mẹ chỉ cho Na thấy đó là do người ta vứt rác quá nhiều, lâu ngày không xử lý được sẽ thành hôi thối.
“Tôi mừng vì con biết sợ và nói rằng như vậy là không tốt. Từ đó bé không vứt rác lung tung. Có khi đi ngoài đường Na còn nhặt rác bỏ vào thùng và hướng dẫn em cùng các bạn làm nữa”, người mẹ chia sẻ.
Qua trò chơi, trẻ con học bài học về thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Ảnh: NVCC. |
Vợ chồng anh Nam, chị Nga (quận Bình Thạnh, TP HCM) thì dạy con “sống xanh” theo phương cách khác. Nhà có một khoảng sân rộng, anh biến thành khu vườn mini trồng cây và rau vừa làm đẹp, giữ mát cho căn nhà, vừa cung cấp rau sạch cho gia đình.
Bé Quyên con của anh chị đang độ tuổi tiểu học, rất hứng thú với khoảng vườn xanh đó. “Bé hay phụ giúp ba tưới cây. Quyên còn bắt chước ba, biết lấy bã trà và bã cà phê bón cho cây nữa”, người mẹ khoe.
Bố mẹ còn dạy con biết tiết kiệm và tái chế rác. Khi có thời gian rảnh, chị Nga cùng con cắt dán tạo ra những món đồ handmade đẹp mắt có thể sử dụng trong gia đình. Quyên tíu tít: “Con có một bộ sưu tập những hộp giấy, chai nhựa và bìa cứng đủ màu. Con thường dùng để gấp thành những món đồ yêu thích”.
Còn nhà bé Tùng, khi bé đã biết đọc biết viết, bất kể nơi nào có thiết bị điện trong nhà đều được bố mẹ dán một mảnh giấy nhỏ ghi chữ “Tắt khi không sử dụng”. Kèm theo đó là những biểu tượng mặt cười vui nhộn.
Lý giải cho sự ra đời của những tấm giấy mang thông điệp đáng yêu này, chị Ngọc Hoàng, mẹ bé Tùng, kể: “Từ khi cháu bắt đầu biết sử dụng tivi, máy quạt, vợ chồng tôi đã tập cho con thói quen tắt công tắc khi không cần sử dụng. Dạy con là vậy nhưng bố mẹ đôi khi cũng hay quên. Giờ con lớn hơn rồi, đang dùng cách viết 'thần chú' ngộ nghĩnh đó để nhắc nhở ngược lại bố mẹ”.
Trò chuyện với VnExpress.net, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Trưởng Hội quán các bà mẹ TP HCM, cho rằng để dạy con cái sống "xanh và sạch", đầu tiên cha mẹ cần phải là tấm gương cho chúng noi theo. Tuy nhiên, bà từng gặp nhiều phụ huynh có thói quen sống làm "gương mù" cho con.
Chẳng hạn có người nhất định phải mở máy quạt, máy lạnh trong khi con mình không hề cảm thấy nóng nực. Một số khác điều chỉnh nhiệt độ máy điều hòa thật thấp để rồi nằm đắp chăn run cầm cập. Chính những điều này đã tác động trực tiếp đến tư duy sống của trẻ, khiến chúng không phân biệt được đâu là đúng, sai.
Bà khẳng định: Không thể bắt trẻ phải sống xanh, thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên trong khi người làm cha làm mẹ lại dửng dưng với những điều đó. Người mẹ chia sẻ: "Gia đình phải phối hợp với nhà trường và xã hội để giúp trẻ hiểu được tầm quan trọng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường qua ví dụ thực tế".
Người sáng lập Hội quán các bà mẹ cho biết, vào ngày lễ Tết hoặc hè, vợ chồng bà thường tổ chức những chuyến dã ngoại cho các con đi chơi xa hoặc về quê. Trẻ có thêm nhiều cơ hội gần gũi với thiên nhiên, cha mẹ có thể khuyến khích và hướng dẫn con bảo vệ môi trường quanh mình bắt đầu từ những điều đơn giản nhất.
Thùy Trang
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet