Bài học về lời xin lỗi dạy bé lòng vị tha và biết tôn trọng người khác, đồng thời giúp rèn luyện một kỹ năng xã hội quan trọng cho các bé. Không chỉ là lời xin lỗi suông mà bé sẽ thật sự hiểu ý nghĩa câu nói của mình.
Lý do xin lỗi
Nói về lý do của lời xin lỗi giúp bé thấy được hậu quả các hành động tiêu cực. Thay vì đơn giản yêu cầu bé nói xin lỗi, hãy đề nghị bé suy nghĩ về hành động của mình và cảm thấy có lỗi. Nếu hành động của bé ảnh hưởng đến mọi người xung quanh, nhắc nhở bé hãy chú ý đến cảm nhận của người khác. Sau khi xem xét kết quả hành vi của mình, bé sẽ tự cảm thấy có lỗi và không phạm sai lầm tương tự.
Bản chất của lời xin lỗi
Dạy bé giải thích về lời xin lỗi sẽ giúp chúng củng cố thêm lý do để xin lỗi. Nếu bé liên tục nói xin lỗi khi phạm lỗi, chúng sẽ hình thành thói quen xin lỗi và sử dụng nó một cách bừa bãi. Nếu bé đánh bạn hoặc anh chị em của mình và nói “xin lỗi”, hãy hỏi lý do. Trường hợp lời giải thích là “Con xin lỗi vì đã đánh bạn”, bạn hãy tiếp tục hỏi bé chi tiết hơn như xin lỗi ai, tại sao lại đánh bạn..., bé sẽ từ từ giải thích tất cả một cách tự nhiên. Qua đó, bé có thể hiểu thêm về bản chất lời xin lỗi của mình.
Làm mẫu những lời xin lỗi
Cha mẹ luôn là tấm gương cho bé, bằng việc làm mẫu lời xin lỗi chân thật trong những tình huống nhất định. Như vậy, bạn đã dạy bé xin lỗi như thế nào và khi nào xin lỗi. Lời xin lỗi không chỉ dành cho người lớn tuổi mà đôi khi cả bố mẹ cũng phải xin lỗi con cái. Qua đó, các bé được dạy về trách nhiệm và tính khiêm tốn từ cha mẹ.
Chấp nhận lời xin lỗi
Khi dạy bé xin lỗi, đừng quên nhắc nhở bé việc chấp nhận lời xin lỗi. Các bé nên hiểu rằng lời xin lỗi không chỉ đơn giản để chữa lỗi trong một tình huống, nó còn có thể hàn gắn các mối quan hệ. Khi các bé học được cách tha thứ, chúng sẽ nhận ra tầm quan trọng của những lời xin lỗi. Khuyến khích bé chấp nhận lời xin lỗi và dễ dàng tha thứ, bạn đã giúp hình thành kỹ năng giải quyết những mâu thuẫn một cách êm đẹp cho bé.
Chiêu Ngân
Theo Ehow
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet