Chia sẻ kinh nghiệm trong một buổi tọa đàm về phương pháp giúp con thích đọc sách , chị Kim Trang (quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết, ngay từ khi mới sinh bé Bean, vợ chồng chị sắm hẳn một tủ sách truyện tranh và truyện cổ tích. Con còn bé nhưng tối nào hai vợ chồng cũng thay phiên nhau đọc truyện cho con nghe.
"Đến nay cháu đã học lớp một. Cứ mỗi khi đi học về đến nhà lại lục truyện ra đọc và có gì không hiểu, bé lại hỏi ba mẹ để được giải đáp", bà mẹ trẻ nói.
Chuyên gia tâm lý khuyên cha mẹ nên tạo cho con thói quen đọc sách từ nhỏ. Ảnh: lamsao. |
Còn anh Thành (TP HCM) kể, trước đây anh không thường xuyên đọc sách. Từ khi có đứa con đầu lòng, vợ chồng anh luôn cố gắng tập thói quen đọc sách để làm gương cho bé.
"Tôi thấy cách này khá hiệu quả. Từ khi cháu chập chững biết đi, hễ thấy bố mẹ đọc sách là lại đến bên lấy sách ra xem. Tốt nhất là trong nhà nên có nhiều loại sách khác nhau để cả bố mẹ và con cái đều có thể chọn sách phù hợp cho mình", ông bố phấn khởi nói.
Chuyên viên tâm lý Trần Đăng Thảo, văn phòng tư vấn TT&T, Đài 1088 TP HCM cho rằng, đọc sách rất quan trọng vì tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của tư duy, nhận thức xã hội, tinh thần và tình cảm của trẻ. Đọc sách một cách chủ động và thích thú sẽ giúp trẻ tích lũy được những kỹ năng, nhận thức và kinh nghiệm cần thiết cho cuộc sống sau này.
"Vì thế nên tập cho trẻ thói quen đọc sách ngay từ khi còn nhỏ. Đừng đợi đến khi bé lớn lên mới tập sẽ khó hơn rất nhiều". Theo nhà tâm lý Đăng Thảo, có nhiều cách để cha mẹ giúp bé hình thành thói quen đọc sách, tùy thuộc vào điều kiện và sở thích của từng gia đình .
Cha mẹ có thể tham khảo một trong những cách sau đây:
1. Làm gương cho con
Trẻ chưa thể tự mình ham thích đọc sách, cha mẹ nên kích thích sự hiếu kỳ của trẻ bằng việc đọc sách trước làm gương. Nên giữ thói quen và nhịp độ đọc mỗi ngày từ khi con mới sinh ra cho đến khi trưởng thành.
Ngoài ra cha mẹ nên hướng dẫn trẻ quan sát môi trường xung quanh. Từ đó phát hiện những vấn đề, nảy sinh thắc mắc, khơi gợi lòng ham muốn hiểu biết của trẻ bằng cách nêu ra vấn đề như “chỉ có đọc sách con mới biết được những điều đó”.
2. Xây dựng một thư viện nhỏ tại nhà
Sau khi trẻ bắt đầu quan tâm đến những cuốn sách thì đây chính là thời gian bắt đầu thu thập sách để tạo dựng một "thư viện mini" ở nhà. Hãy thiết kế một không gian để trẻ thích thú hơn và nuôi dưỡng lòng đam mê của trẻ khi đọc sách. Làm đa dạng kệ sách bằng cách thêm vào bất cứ cuốn sách nào mà bạn cho là phù hợp với lứa tuổi của bé. Chẳng hạn như:
- Từ 1-5 tuổi là giai đoạn trí não trẻ phát triển mạnh về trí tưởng tượng, khiếu thẩm mỹ. Nên đầu tư vào kệ sách những quyển truyện tranh, truyện cổ tích...
- Từ 6 đến 12 tuổi (tiểu học): Trẻ bắt đầu có nhu cầu khám phá thế giới xung quanh. Vì thế nên cho bé đọc những quyển sách về khoa học cơ bản nói về các hiện tượng thời tiết, thiên nhiên (mưa, gió) hay sách truyện trinh thám để kích thích tư duy logic.
- Từ 12 tuổi trở lên (từ trung học cơ sở): giai đoạn này trẻ phát triển mạnh về tư duy nên cha mẹ cần trang bị vào "thư viện gia đình" những quyển sách về khoa học phổ thông, những phát minh sáng chế, giải thích các hiện tượng trong vũ trụ và vạn vật xung quanh.
3. Kể chuyện cho trẻ
Chuyên gia Jim Trelease là tác giả của cuốn sách "Read Aloud Handbook" khẳng định: "Chúng ta nên đọc cho trẻ nghe ngay từ khi mới lọt lòng. Việc đọc cho trẻ nghe không chỉ mang lại những lợi ích như hình thành sự kết nối trong não trẻ, hay tạo sự gần gũi giữa cha mẹ và con cái, mà vốn từ của trẻ càng phong phú, càng khơi gợi trí tưởng tượng cũng như cải thiện kỹ năng giao tiếp cho trẻ. Từ đó kích thích trẻ yêu mến những quyển sách hơn".
4. Đọc truyện trước khi xem chúng trên tivi
“Con đoán xem Harry Porter sẽ làm gì tiếp theo?”. Thật thú vị khi trẻ thấy các nhân vật tưởng tượng của mình xuất hiện trên tivi. Cha mẹ cũng có thể cho trẻ xem tranh ảnh về thế giới động vật và sau đó thấy chúng thật linh động trong các chương trình truyền hình. Hãy kết hợp việc đọc sách của trẻ và việc xem tivi để trẻ có hứng thú và sự ham muốn học hỏi. Đồng thời cách làm này cũng hạn chế tình trạng trẻ con ngồi hàng giờ vô bổ dán mắt vào màn hình tivi hoặc vi tính.
5. Đừng để trẻ xem việc đọc là một hình phạt, bị ép buộc
Chắc chắn trẻ sẽ cảm thấy nặng nề khi bạn quát rằng: “Tắt tivi và vô phòng đọc sách”. Đừng ép buộc con đọc nếu nó không thoải mái hay chưa sẵn sàng, khi đó trẻ sợ hãi và sẽ tìm cách tránh né. Hãy để việc đọc sách với trẻ là một niềm vui chứ không phải như việc nhà hay một bổn phận phải làm. Hãy đánh thức sự đam mê tri thức và dạy trẻ cách yêu sách và đọc vì ham tìm tòi.
Kenny Nguyễn
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet