Khi chồng bắt đầu than phiền về cảm giác đi tiểu buốt và hiện tượng này kéo dài, chị em đừng nên “lơ” mà hãy khuyên chồng đi khám vì rất có thể đây là triệu chứng của các bệnh lý tại bàng quang và niệu đạo như:
1. Viêm quy đầu và bao quy đầu
Nếu quy đầu hay bao quy đầu bị viêm, khi đi tiểu, phái mạnh sẽ cảm thấy đau buốt ở lỗ tiểu, kèm theo ngứa quy đầu, trên đầu dương vật và gần đỉnh đầu dương vật có nổi nhiều nốt màu đỏ sau đó chuyển sang màu trắng kèm theo cảm giác ngứa...; bao quy đầu hay có bợn trắng, không còn mềm mại nữa mà căng bóng, dễ bị nứt, rát, gây rỉ máu khi quan hệ tình dục. Bệnh này nếu chữa không đúng cách sẽ khó lành hẳn, hoặc hết nhưng dễ bị tái phát.
Nguyên nhân: Do vệ sinh không kỹ hoặc chỉ rửa bên ngoài bao quy đầu mà quên kéo bao quy đầu xuống rửa bên trong. Vi khuẩn “nấp” trong bao quy đầu sẽ sinh sôi nảy nở, gây viêm.
Cách điều trị: Trong nhiều trường hợp, chỉ cần rửa sạch bao quy đầu bằng nước thường thì sau vài ngày, bệnh sẽ khỏi. Hoặc cũng có thể xịt rửa bao bằng nước muối sinh lý 0,9% (loại lọ nhỏ 2cc, để nhỏ mũi, nhỏ mắt). Tuy nhiên, tốt nhất, bạn nên đến bệnh viện khám để được các bác sĩ kê toa thích hợp. Nếu bị viêm bao quy đầu mãn tính, bạn có thể cắt bao qui đầu để điều trị dứt điểm.
Phòng bệnh: Để tránh bị viêm nhiễm, cánh mày râu nên vệ sinh bao quy đầu với nước sạch 1-2 lần/ngày, nhất là sau khi quan hệ tình dục hoặc vận động ra mồ hôi nhiều (chơi thể thao, lao động chân tay…).
2. Viêm niệu đạo
Bệnh này còn được gọi là nhiễm trùng đường tiểu dưới hay viêm bàng quang. Triệu chứng mà bệnh nhân hay than phiền nhất là tiểu buốt, mỗi lần đi tiểu chỉ ra vài giọt hoặc rất ít nước tiểu.
Nguyên nhân: Do nhiễm khuẩn, thường gặp nhất là vi trùng E.coli, bệnh lây truyền qua đường tình dục mà các vi khuẩn gây bệnh hay gặp nhất là Chlamydia trachomatis và Neisseria gonorrhoeae (lậu), do sỏi kẹt trong niệu đạo, hẹp niệu đạo, sỏi bàng quang…
Cách điều trị: Tùy vào biểu hiện của bệnh và loại vi khuẩn nhiễm phải mà có cách điều trị riêng. Khi nghi ngờ bị bệnh, bệnh nhân cần đi khám bác sĩ để được làm xét nghiệm nước tiểu để tìm vi khuẩn, vi nấm… từ đó được chỉ định dùng thuốc phù hợp. Chủ yếu cũng là điều trị nội khoa.
Phòng bệnh: Giữ vệ sinh cơ quan sinh dục ngoài để vi khuẩn không có điều kiện tấn công từ bên ngoài rồi xâm lấn dần vào bên trong niệu đạo, nên mang bao cao su khi quan hệ tình dục để không bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là lậu từ bạn tình.
3. Viêm tuyến tiền liệt
Nếu bị tiểu buốt đi kèm với cảm giác đau đau lưng dưới, tức vùng bụng dưới mà không rõ nguyên nhân thì có thể bạn đã bị viêm tuyến tiền liệt.
Nguyên nhân: Tuyến tiền liệt bị viêm chủ yếu là do vi trùng chui vào các ống của tuyến tiền liệt hoặc theo đường bạch mạch từ đại tràng tới… (80% trường hợp nhiễm trùng là do vi khuẩn E.coli gây ra) hoặc cũng có thể là do nguyên nhân từ bệnh lậu, lao, nấm hay nhiễm ký sinh trùng.
Cách điều trị: Bệnh có có nhiều dạng như viêm tuyến tiền liệt cấp do vi trùng, áp xe tuyến tiền liệt, viêm mạn tính do vi trùng, viêm mạn tính không do vi trùng (tự miễn hay rối loạn chức năng thần kinh cơ), hội chứng vùng chậu và tầng sinh môn (do tăng phản xạ cơ bàng quang hay đau cơ đáy chậu). Vì vậy, ứng với mỗi dạng, bác sĩ sẽ có những chỉ định khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là điều trị nội khoa bằng thuốc.
Phòng bệnh: Không nên lười vệ sinh cơ quan sinh dục hằng ngày nhất là sau khi quan hệ tình dục, nên dùng bao cao su khi quan hệ để hạn chế nguyên nhân bị bệnh do mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
4. Phì đại tuyến tiền liệt
Còn gọi là bướu lành tuyến tiền liệt, thường gặp ở đối tượng trên 50 tuổi, ai lớn tuổi cũng bị phì đại, càng lớn tuổi thì càng bị bệnh này nhiều hơn.
Nguyên nhân: Sau tuổi 40, tuyến tiền liệt của nam giới sẽ to dần, một số trường hợp tuyến này to nhanh làm bít cổ bàng quang, dẫn đến tình trạng đi tiểu khó hay bí tiểu hẳn, gọi là bướu lành tuyến tiền liệt.
Cách điều trị: Nguyên tắc điều trị tuyến tiền liệt là chỉ chữa khi có triệu chứng (tiểu khó, tiếu gấp...) chứ không chữa theo kích thước của bướu. Nghĩa là nếu không có triệu chứng gì thì người bệnh không nhất thiết phải đến bệnh viện nhưng nếu bướu nhỏ mà đi tiểu khó khăn, lắt nhắt… thì cần phải chữa trị ngay. Bướu lành tuyến tiền liệt có thể điều trị bằng thuốc hay mổ nội soi.
- 16/04/15 10:43 Mỡ trong máu cao có thể gây chết người
- 16/04/15 09:36 5 lợi ích bất ngờ của việc "tự sướng"
- 10/04/15 15:28 8 cách xoá rạn da cực rẻ tiền cho mẹ bầu
- 10/04/15 10:02 Hạ sốt nhanh cho bé bằng cây diếp cá
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet