"Lần trước nó đã đổ nước 'cọ' máy tính làm bố phải thay máy mới, rồi đến vặn các nút máy giặt kiểu gì khiến quần áo cứ giặt đi giặt lại mấy lần không ngắt... Lần này thì hỏng luôn TV rồi", chị Trúc than thở.
Bà mẹ 32 tuổi cho hay, con đầu lòng của chị là bé gái, rất ngoan, hiền, hầu như chẳng bao giờ ngó ngàng tới những đồ vật bằng điện, máy móc, còn cậu con trai thứ hai thì nghịch luôn chân luôn tay, lại hứng thú với tất cả những thứ liên quan đến điện. "Nó từng chảy máu vì cho tay vào quạt đang quay lúc mới biết ngồi, lớn hơn thì phá điện thoại của mẹ, máy tính của bố, TV... Vật dụng yêu thích của anh ấy là búa, tuột vít...", chị Trúc kể.
Từng vài lần thót tim với những trò nghịch của con, anh Thành (Tây Hồ, Hà Nội) mới đây đã phải đưa cháu đến gặp nhà tâm lý để hỏi cách "trị". "Thành tích" mới nhất của cậu con trai học lớp 2 là ném hết tủ thuốc quý của bố mẹ từ tầng 3 xuống đất. Theo anh Thành, vợ chồng hay đi công tác nước ngoài có mua dự trữ một số loại thuốc điều trị, thuốc bổ đắt tiền cho bố mẹ già và con nhỏ, cất hết trong tủ thuốc có khóa. Không hiểu con anh làm thế nào mà mở được khóa và ném hết thuốc đi.
Khi được nhà tâm lý hỏi han, cậu bé 7 tuổi hồn nhiên nói: "Cháu với tủ thuốc xuống, chỉ cần xoay xoay vặn vặn mấy cái là mở được, rồi lấy ra từng viên ném xuống mái tôn nhà bên dưới xem viên nào kêu to cộp một cái thì nặng hơn, viên nào kêu bé hay không nghe tiếng động thì nhẹ".
Bé Ken, con trai anh Quyết, say mê với trò dùng ốc vít tháo các đồ đạc trong nhà. Ảnh: Nguyễn Quyết. |
Cũng bị con trai làm hỏng cái smart TV thế hệ mới khi lấy giẻ ướt lau màn hình, anh Quyết (Thanh Xuân, Hà Nội) phải lôi chiếc TV từ thời sinh viên vốn vẫn cất trong kho ra xem. Xót ruột nhưng ông bố này không mắng con vì cho rằng tạo cơ hội cho con khám phá, học hỏi quan trọng hơn giữ gìn các đồ đạc.
Anh Quyết cho biết, trong nhà anh không biết bao nhiêu đồ đạc đã tan nát dưới tay cậu nhóc 4 tuổi này. Chàng ta đặc biệt đam mê các đồ điện tử, chi tiết máy móc... Từ bàn ghế đến loa đài, ổ cắm điện, USB, máy tính... bạn ấy đều muốn khám và đã phá không ít thứ. "Những lúc đó bố mẹ chỉ nhắc nhở, giải thích cho con biết như thế là làm hỏng đồ, làm 'đau' các bạn. Cháu cũng biết lỗi và lần sau lại... tái phạm", anh Quyết cười chia sẻ.
Theo bác sĩ tâm lý Phạm Đức Chuẩn, trẻ con nghịch ngợm và làm hỏng đồ đạc trong nhà là chuyện rất thường gặp và hầu như gia đình có con nhỏ nào cũng từng trải qua với các mức độ khác nhau. Theo thống kê, "thủ phạm" gây ra các hỏng hóc này đa phần là các bé trai (tỷ lệ gấp 3 lần bé gái) và ở thành thị nhiều hơn nông thôn. Nhà tâm lý cho rằng, trong tình huống này, việc đầu tiên cần thực hiện (mà đa số bố mẹ quên) là hỏi lý do "vì sao con làm thế?".
"Dưới cái nhìn của bố mẹ, hành động của trẻ có thể là phá hoại, nghịch dại nhưng dưới con mắt trẻ thơ, lý do có thể rất đơn giản", nhà tâm lý giải thích. Như trường hợp bé trai 5 tuổi con chị Trúc, khi nhà tâm lý hỏi "tại sao con lấy gậy chọc vào TV", bé nói "vì cháu không thích ông A (nhân vật trên phim đang chiếu TV), đó là người xấu nên cháu đánh ông ấy".
Ông Chuẩn cho rằng, từ việc hỏi lý do, bố mẹ có thể hiểu xem con đang có nhu cầu muốn khám phá điều gì, từ đó giải thích với trẻ những "khu vực an toàn" để trẻ thoải mái chơi, thử nghiệm và những "khu vực không được phá", đồng thời tìm những cách đơn giản, rẻ tiền hơn giúp con trải nghiệm và học hỏi. Chẳng hạn, với cậu bé 7 tuổi ném thuốc của bố mẹ qua cửa số, có thể hướng dẫn trẻ làm máy bay, chong chóng, thả các vật như giấy, lông vũ, sỏi... ở những nơi có thể để tìm hiểu về đặc tính của vật nặng, vật nhẹ. Nhiều bố mẹ than phiền là mua đồ chơi đắt tiền về nhưng con chỉ đập, vặt chỗ này, nghéo chỗ kia, không theo hướng dẫn... Nhưng đó chính là cách chơi, cách học của trẻ. Trẻ học hỏi qua trực quan cụ thể, phải được tận tay sờ, tháo, lắp... những lời nói, giải thích suông không thu hút và có ý nghĩa nhiều với chúng.
Khám phá thế giới xung quanh, được vận động, vui chơi là nhu cầu chính đáng của trẻ. Ở mỗi lứa tuổi, trẻ có những cách khám phá khác nhau, có thể bằng cách cho vào mồm cắn, lấy tay sờ, cầm, véo, vặn... Khi không được thỏa mãn nhu cầu khám phá, không có không gian để vận động, vui chơi, trẻ sẽ dễ cáu kỉnh, hung hăng. Điều này cũng lý giải tại sao "kẻ phá hoại" hay gặp ở thành thị hơn ở nông thôn, tại các khu ổ chuột, chật chội hơn những nơi có không gian rộng, thoáng.
Ngoài ra, đôi khi việc phá hỏng đồ đạc có thể do trẻ chưa khéo léo tay chân, khả năng kiềm chế kém, hoặc căng thẳng do bị bố mẹ, thầy cô trừng phạt bằng đòn roi (trẻ học cách người lớn đối xử với mình để hành xử với đồ vật)...
Nhà tâm lý cho rằng, bố mẹ muốn triệt tiêu hẳn các hành động "khám" và "phá" ở trẻ là bất khả thi và hoàn toàn không nên. Bởi từ những hành động này, trẻ mới học hỏi về thế giới xung quanh, giải tỏa cảm xúc, học cách bảo vệ chính mình. Theo các thống kê, những trẻ nghịch phá lúc nhỏ lớn lên lại hay làm lãnh đạo, thủ lĩnh, có óc sáng tạo tốt... Bởi vậy, thay vì ngăn cấm, bố mẹ nên dành thời gian chơi với con nhiều hơn, khuyến khích trẻ khám phá đúng cách, tìm những cách sáng tạo để xây dựng thay vì phá. Cho trẻ có không gian và điều kiện để hoạt động thể chất, tạo ra các trò chơi cuốn hút, giúp con tìm hiểu được điều bé đang tò mò.
Bên cạnh đó, để hạn chế những thiệt hại về kinh tế và đảm bảo an toàn cho trẻ, cần để những đồ có thể gây nguy hiểm cho bé hoặc vật dụng đắt tiền ở xa tầm với của con.
Vương Linh
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet