Vào ngày Tết Nguyên Đán, trên mâm cỗ luôn có các món ăn truyền thống như gà luộc, nem rán, giò lụa, giò xào, căng măng khô móng giò... Trong đó, canh măng khô móng giò bạn có thể ăn bất cứ lúc nào trong năm xong vào ngày Tết, món ăn này vẫn mang ý nghĩa vô cùng.
Để nấu món canh măng khô móng giò mềm thơm, nước trong, không lo còn sót chất độc trong măng cũng cần có bí quyết riêng. Nếu chưa biết cách hoặc phân vân nên nấu như thế nào cho hấp dẫn, các bạn có thể tham khảo cách làm của đầu bếp Phạm Bá Hà dưới đây nhé.
Dưới đây là tuyệt chiêu nấu canh măng khô móng giò ngày Tết của đầu bếp Phạm Bá Hà, các bạn hãy cùng tham khảo nhé:
Nguyên liệu:
- 500g móng gò lợn trước
- 170g măng vầu khô hoặc măng lưỡi lợn khô
- 50g hành củ khô bằm nhuyễn
- 20g hành hoa lấy phần củ gốc cắt dài 7cm
- 3 lá mùi tàu
- 1 ít hạt tiêu
- Nước mắm mặn ngon
- 30g hạt nêm rau củ
- 2 lít nước vo gạo để ngâm măng
- Một ít ớt thái chỉ để trang trí
- Nước lọc hoặc nước dùng xương
- Dầu ăn
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế
- Chân móng giò trước lợn loại ngon 1 cái cỡ 500gr đem cạo sạch lông và rửa sạch.
Sau đó chẻ bổ đôi móng giò rồi chặt miếng vừa ăn. Mỗi miếng dày khoảng 2,5cm.
- Măng vầu khô rửa sạch, ngâm vào nước vo gạo để qua một đêm sau đó rửa sạch. Cho măng vào luộc với nước sạch khoảng 2 tiếng. Lưu ý khi luộc măng nên thay nước liên tục khoảng 3 lần trong quá trình luộc để măng được trắng, ra hết mùi và vị đắng chát của măng khô cũng như chất độc còn sót lại trong măng. Nếu luộc 2 tiếng mà măng chưa mềm hẳn bạn có thể luộc thềm.
- Khi măng đã được luộc kỹ, kiểm tra thấy măng đã mềm, vớt ra ngâm măng vào nước lạnh. Lúc này, tiến hành nhặt sạch các lá măng vụn bên ngoài bỏ đi để bát canh măng được gọn và ngon hơn. Sau đó vớt măng ra để ráo nước và tiến hành thái miếng vừa ăn khoảng 2,5cm x 3,5cm.
Bước 2: Ninh chân giò
Cho nồi lên bếp, thêm 1 muỗng canh dầu ăn, cho 1/2 chỗ hành củ khô bằm nhuyễn vào phi thơm. Khi hành đã thơm, cho chân giò vào, xào qua và nêm nếm thêm nước mắm, hạt nêm, một chút tiêu vào, xào đến khi chân giò ngấm đều gia vị.
Tiếp đến, cho nước lọc vào xâm xấp mặt chân giò, ninh nhỏ lửa khoảng 15 phút sau khi nước sôi.
Bước 3: Xào măng
- Tiếp đến, bắc chảo nóng, phi thơm lượng hành củ băm nhỏ còn lại vào phi thơm. Sau đó, cho măng vào xào. Nêm thêm nước mắm, hạt nêm, xào cho ngấm măng.
Bước 4: Hoàn thiện canh măng khô móng giò
- Khi măng săn lại và ngấm gia vị, cho chảo măng ra và trút vào nồi chân giò đã ninh trước đó, đun cho sôi lại. Tiếp đến, thêm lượng nước vửa đủ, tiếp tục ninh canh măng khô khoảng 60 phút hoặc cho đến khi thấy chân giò đã mềm, măng ngấm, nêm nếm lại một lần nữa để vị vừa ăn là hoàn thành.
Lưu ý: Trong quá trình nấu canh măng và chân giò, đun nhỏ lửa và liên tục hớt bỏ bọt cùng lượng mỡ thừa nổi trên bề mặt nước canh để nước canh măng được trong, không bị váng mỡ quá nhiều.
Bước 5: Trình bày
Lấy bát tô to múc lượng măng và chân giò ra bát, xếp chân giò vào giữa bát, chần sơ hành hoa cho lên trên.
Sau đó chan nước canh vào và trang trí thêm một chút lá mùi tàu thái nhỏ, một chút ớt thái sợi là xong.
Yêu cầu thành phẩm:
Măng khô chín mềm, chân giò chín mềm, nước dùng trong màu nâu nhạt, vị vừa ăn và có mùi thơm đặc trưng của măng khô.
Canh măng khô móng giò phù hợp với mâm cơm cúng ngày Tết và bữa cơm đầm ấm trong gia đình khi tiết trời se lạnh. Món ăn này còn phù hợp ăn với cơm trắng hoặc bún.
Chúc các bạn thành công!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet