Chỉ trong 1-2 tuần nay, gỏi gà măng cụt đã trở thành món ăn được gọi tên ở khắp các trang mạng xã hội bởi tự dưng trở nên "hot" bất ngờ. Thực tế, gỏi gà măng cụt không phải là món ăn xa lạ. Gỏi gà măng cụt vốn là đặc sản của Lái Thiêu bởi ở đây tập trung nhiều măng cụt nhất của tỉnh Bình Dương. Nó cũng sớm phổ biến ở nhiều tỉnh lân cận, thành phố Hồ Chí Minh và ở những nơi có thể đặt được măng cụt xanh về làm.
Ở vùng đất Lái Thiêu, gỏi gà măng cụt được coi là "vua gỏi" vì thơm ngon, độc lạ, hơn nữa mỗi năm chỉ làm được có một mùa từ tháng 4 đến tháng 6. Tuy quen thuộc nhưng hiện tại, món "vua gỏi" này lại đang làm mưa làm gió trên mạng xã hội bởi thói quen ham học hỏi của chị em nội trợ.
Gỏi gà măng cụt đang là món ăn vô cùng hot, được nhắc đến trên khắp các trang mạng xã hội (Ảnh Thanh Trúc).
Món ăn này không chỉ hấp dẫn bởi hương vị mà cách trình bày cũng rất đẹp mắt, lại rất phù hợp với thời tiết vào hè. Hơn nữa măng cụt xanh chỉ xuất hiện trong khoảng 2 tháng nên dân tình thi nhau tìm mua để làm, còn đẩy giá loại quả này lên cao hơn so với thường. Bên cạnh đó, khâu sơ chế của măng cụt rất lâu và cầu kỳ nên nếu muốn mua măng cụt đã sơ chế, giá rất cao, lên đến vào trăm nghìn đồng 1kg nên món ăn này càng trở nên hot hơn.
"Năm tam tai của măng cụt" đang là cụm từ cực hot (Ảnh: Thanh Trúc).
Cũng chính vì nhu cầu tiêu thụ măng cụt xanh hiện tại đang cao nên nhiều dân mạng vui vẻ đùa nhau năm nay là "năm tam tai của măng cụt". Cũng từ đó, cụm từ này trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội. Cộng đồng mạng còn phải "lo lắng" khi không có măng cụt chín mà ăn.
Nhiều dân mạng còn hài hước cho rằng, thực tế "năm tam tai" thực sự mới là của con gà. Lý do bởi sau món gỏi gà măng cụt, nhiều người đồn đoán các món như gỏi gà hoa phượng, gỏi gà dâu da sẽ tiếp tục nổi lên như hiện tượng.
Trên nhiều diễn đàn, hình ảnh gỏi gà hoa phượng, gỏi gà dâu da bắt đầu được lan truyền. Thực tế, gỏi gà hoa phượng không phải lạ vì đây là món ăn của người miền Tây. Tuy nhiên hiện tại nó lại được nhắc đến nhiều sau gỏi gà măng cụt.
Có lẽ hoa phượng cũng sắp "gặp nạn tam tai"? (Ảnh: Tú Phạm)
Dân mạng "lo lắng", gỏi gà dâu da cũng được gọi tên, bảo sao con gà không gặp nạn tam tai? (Ảnh: Không sợ chó).
Các món gỏi này có sự khác nhau chủ yếu ở các nguyên liệu như măng cụt, hoa phượng, dâu da... còn điểm chung lớn nhất của chúng là đều có thịt gà. Tuy nhiên hoa phượng hay dâu da xanh có vị chua hơn măng cụt xanh nên khi pha chế nước sốt cần cân bằng để cho vừa ăn.
Không rõ "gỏi gà hoa phượng", "gỏi gà dâu da" có gặp "hạn tam tai" như gỏi gà măng cụt hay không nhưng hiện tại, nó vẫn là các món ăn được dân mạng nhắc nhiều trên các diễn đàn.
Tham khảo cách làm gỏi gà măng cụt dưới đây theo công thức của chị Thanh Trúc:
Nguyên liệu:
- Gà
- Măng cụt, đặt mua loại già vỏ còn xanh để nó không mềm như măng chín và cũng không có vị nhạt như măng non.
- Hỗn hợp khử mùi hôi gà: Chanh, giấm, muối, gừng đập dập
- Nghệ tạo màu cho thịt gà
- Chanh, cà rốt, hành tây, rau răm, lạc rang
- Tỏi, ớt, nước mắm, nước lọc, đường
Cách làm:
Bước 1: Luộc gà
- Gà làm sạch lông, pha hỗn hợp rượu (chanh hoặc giấm ) + muối + gừng đập dập. Mát xa gà để khử mùi hôi rồi rửa lại cho sạch.
- Luộc gà với mấy lát nghệ cho gà có màu vàng bắt mắt. Sau đó vớt gà ra để nguội hoặc ngâm vào thau nước đá cho da gà giòn.
Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu còn lại
- Măng cụt xanh gọt vỏ dưới vòi nước để không bị dính mủ và bị đen, sau đó cắt lát ngâm vào thau nước đá. Vắt thêm 1 - 2 trái chanh cho măng cụt được trắng hơn.
- Hành tây cắt nhỏ ướp đá cho giòn và bớt hăng.
- Cà rốt cắt nhỏ ngâm vào hỗn hợp chanh đường vừa đủ vị chua ngọt.
- Rau răm rửa sạch (có thể thêm rau ngò và húng lủi).
- Rang ít lạc với muối, để lạc giòn lâu.
Bước 3: Pha nước mắm trộn gỏi
Pha theo tỉ lệ 2,5:2:1 (2 muỗng rưỡi canh nước mắm, 2 muỗng canh đường, 1 muỗng canh nước). Đun hỗn hợp trên bếp cho nó keo lại để đậm đà hơn. Có thể tăng tỉ lệ làm nhiều hơn để dùng pha nước chấm.
Sau khi nước mắm keo lại cho thêm tỏi ớt băm vào.
Bước 4: Trộn gỏi
Xé gà thành miếng vừa ăn. Vớt măng cụt, cà rốt, hành tây ra trộn lại với nhau rồi thêm rau răm vào. Sau đó cho hỗn hợp nước mắm (cho vào từ từ nêm nếm theo khẩu vị của từng gia đình) + 2 muỗng canh tắc. Cho gà đã xé vào rồi trộn đều. Bày ra và rắc lạc rã dối lên là xong.
Ăn kèm cùng bánh phồng tôm thì tuyệt ngon.
Bước 5: Pha nước mắm chấm
Cách 1: Lấy hỗn hợp nước trộn gỏi ở trên thêm ít nước quất vào.
Cách 2: Giã tỏi ớt + 2,5 muỗng canh nước mắm + 2 muỗng canh đường + nước tắc (nêm theo khẩu vị gia đình). Nếu không thích nước mắm đậm đặc vậy thì thêm 1 muỗng canh nước ấm vào.
Tranh thủ mùa măng cụt chưa chín hẳn, chị em hãy nhanh tay làm món này để thưởng thức nhé!
Mâm cơm thêm hấp dẫn nhờ món gỏi gà măng cụt tươi ngon (Ảnh Thanh Trúc).
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet