Quảng Bình, không chỉ là dải đất miền Trung nổi tiếng với vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận di sản thế giới, bờ biển đẹp cùng những câu chuyện lưu giữ lịch sử hào hùng của dân tộc.
Đó còn là tên một vùng đất chứa trong mình nhiều đặc sản mang hương vị đặc trưng khiến cho người đến đây cứ lưu luyến mãi chẳng quay về.
Cháo canh
Cháo canh là một trong những đặc sản Quảng Bình cũng như phở Hà Nội hay bún bò Huế. Có người gọi là cháo bánh canh hay bánh canh Quảng Bình bởi thành phần của nó là những sợi như bánh canh gạo.
Giản dị và không hề chau chuốt, loại sợi bánh canh này được làm thủ công, từ nhào, cán, cắt mỏng nên khá to, dày, cứng. Thêm nước dùng sền sệt với sự kết hợp của cá, tôm, thịt heo nạc... Khi phục vụ khách, cháo canh được rắc lên hành, ngò thái mỏng thơm lừng. Món cháo canh ăn kèm với rau cải xanh thái nhỏ tạo cảm giác bùi bùi, cay hăng khi thưởng thức.
Đặc biệt, một số người còn ăn chung cháo canh với nem chả cho vị lạ miệng hơn.
Không phải nấu như cháo, nguyên liệu chính lại là sợi mì làm từ bột gạo nhưng người Quảng Bình vẫn gọi món này là cháo canh (Ảnh: Internet)
Khoai deo
Món khoai deo - đặc sản Quảng Bình rất đặc biệt. Dù chỉ từ nguyên liệu duy nhất là khoai lang, họ làm ra món dân giã mềm dẻo, ngọt nhẹ và thơm rất ngon miệng.
Khoai deo giản dị và chân chất như người dân nơi đây.
Cách chế biến khoai deo đơn giản như chính cuộc sống người dân nơi đây. Khoai để một thời gian cho bớt tươi nhưng chưa được mọc mầm, rửa sạch, luộc chín, rồi bóc vỏ, thái lát mỏng đem phơi dưới trời nắng miền Trung, càng gay gắt càng tốt cho đến khi khoai chuyển màu cánh gián.
Ăn khoai deo không được nóng vội nếu không thì chỉ thấy cứng và khô mà thôi. Phải nhâm nhi từ từ, từng chút một mới tận hưởng hết vị nắng gió, mùi khoai thuần chất và cái ngọt ngào của đất chắt chiu trong những miếng khoai “xấu mã”.
Đến Quảng Bình, mang khoai deo về làm quà là mang cả trời, cả tấm lòng mộc mạc nhưng chân thành của họ theo cùng.
Bánh lọc
Không phải có quê nhà từ Quảng Bình nhưng bánh lọc nơi đây lại được gia giảm và biến đổi khác đi, khiến cho nó có điểm khác hơn ở xứ Huế. Thứ bột sắn lọc bọc ngoài tôm đồng, mộc nhĩ và các loại gia vị khác lại tạo nên hương vị khó quên cho người dùng.
Nhìn thì đơn giản nhưng quá trình chế biến cũng lắm công phu, bột làm bánh một nửa đem luộc chín vài phần (khi nhìn thấy lớp ngoài trong suốt), phần nhân bên trong còn trắng sống. Vớt bột ra để nguội, đem nhồi kỹ trộn phần sống lẫn phần chín.
Cũng từ bột gạo, tôm… nhưng vị bánh lọc Quảng Bình khác hẳn bánh lọc Huế.
Sau đó, cho loại tôm nhỏ ở cửa sông, cùng với mộc nhĩ và các gia vị thân thuộc khác rồi gói lá chuối đem hông (giống như đồ xôi). Nếu không, có thể trụng trực tiếp và ăn nóng tại chỗ.
Bánh lọc chấm mới nước mắm chắt và ớt chỉ thiên cay xè mới đúng điệu. Món bánh này vừa rẻ, vừa ngon lại để được khá lâu nên khách du lịch đến đây không chỉ thưởng thức tại chỗ mà còn mua về làm quà.
Bánh xèo gạo lứt
Khác tất cả các loại bánh xèo thường thấy, bánh xèo Quảng làm bằng bột gạo lứt màu đỏ đặc trưng với những hoa văn nổi đều đẹp.
Bánh xèo gạo lứt đặc biệt từ nguyên liệu chính cho đến các phụ liệu ăn kèm.
Bánh xèo là mộ trong những món đặc sản Quảng Bình ăn kèm với nhiều nguyên liệu đặc sắc khác như cá chuối, nộm, rau sống. Trong đó, có món “cá chuối” thật đặc biệt. Đó không phải tên một loại cá mà là chuối sứ bánh tẻ gọt vỏ, ngâm với phèn hoặc chanh rồi thái nhỏ, luộc chín, uốn thành hình con cá, nhúng qua vào bát gia vị. Nộm gồm giá, rau két và vừng. Bánh xèo cuốn rau sống, cá chuối, nộm, rồi kẹp bánh đa kèm nước chấm ngon.
Bánh xèo ăn nóng, ngon nhất là đổ tới đâu ăn tới đó. Đến Quảng Bình phải ghé qua Quảng Hòa mới thấy hết vị của bánh xèo đặc trưng vùng đất này.
Đẻn biển
Đây là tên khác của loài rắn biển thân nhỏ, dài, thon và có giá trị cao trong thực phẩm cũng như chữa bệnh. Những món chế biến từ đẻn biển rất tươi ngon, bổ dưỡng, đáng để thử qua.
Trong số đó, tiết đẻn là món du khách ưa thích và thường gọi khi đến Quảng Bình. Đẻn biển được người có nghề cắt tiết, cho vào rượu và phục vụ khách ngay khi xong hoặc cho vào ngâm nguyên con rất tốt cho phụ nữ và khiến người ta ăn ngủ tốt hơn.
Đẻn biển – món ngon với nguyên liệu do trời đất ban cho Quảng Bình.
Tiết đẻn với rượu cho vị ấm nồng và chan chát rất khó quên cho người ta lâng lâng trong men say, nhất là khi vừa được tận hưởng vẻ đẹp của các hang động tuyệt vời.
Thịt đẻn được làm thành nhiều món khác nhau từ băm nhỏ, ướp gia vị đem chiên thành từng chiếc ram nhỏ hay cháo đẻn, đẻn hầm sả ớt, đẻn bằm xúc bánh đa, chả đẻn, đẻn nướng cuốn lá lốt và đẻn hầm thuốc bắc… Món nào cũng tuyệt vời, món nào cũng thơm lừng và ngon đến miếng cuối cùng.
Ốc ruốc
Loại ốc đẹp bởi những hoa văn sở hữu trên mình thường dùng làm đồ mỹ nghệ, vòng vèo các loại. Ốc ruốc nhỏ ơi là nhỏ, những tưởng “làm gì có gì mà ăn” nhưng nếu thử một lần nếm vị thì khó mà quên. Người Quảng Bình gọi khêu ốc là nhể ốc. Người ta kiên nhẩn nhể từng con ốc chỉ bằng cái cúc áo để lôi ra cái ruột bé tí teo, chỉ như cái tăm để cảm nhận hết vị ngon thơm lạ lùng của giống này.
Món ốc ruốc thú vị khi nhể và ngọt lành khi ăn
Ốc ruốc không phải luộc như bình thường mà được nêm muối, bột ngọt, lá chanh, ớt, thêm chút nước để xào nhanh với dầu ăn. Người làm phải thật khéo léo nếu không muốn ốc teo hết thịt, vừa khó nhể, vừa không giòn và ngọt.
Muốn thưởng thức ốc ruốc, các bạn nên thăm Quảng Bình từ tháng Hai đến tháng Tư – mùa ốc ruốc duy nhất trong năm. Ốc ruốc bán theo lon, mỗi lon cũng chỉ mấy ngàn đồng, ăn không ngán mà… mỏi tay.
Chắt chắt bánh tráng
Chắt chắt là tên gọi một loại hến ở cửa sông. Chắt chắt rửa kĩ, luộc qua cho há vỏ, lấy nhân làm món chắt chắt bánh tráng rất ngon.
Thịt chắt chắt cho gia vị đầy đủ, xào qua với dầu ăn, đem xúc bánh tráng như kiểu hến xúc bánh tráng ở Huế. Nhưng vị của chắt chắt lạ hơn do nó sinh ra ở nơi giao thoa giữa nước ngọt và mặn.
Chắt chắt xúc bánh tráng có vị lạ hơn hến xúc bánh tráng của Huế
Khi ăn, không cần muỗng chén, chỉ cần bẻ bánh tráng cầm xúc chắt chắt, cho lên miệng kèm miếng rau thơm là đủ. Cái giòn thơm mùi vừng của bánh tráng, beo béo đậm đà của gia vị, dai dai, ngầy ngậy của chắt chắt thật khiến người ta khó kiềm lòng.
Món này ăn hoài không ngán, ăn no rồi mà còn vẫn thèm. Khắp các quán nhậu đều có món đơn giản và ngon lành này.
Lẩu cá khoai
Cá khoai, loại cá có xương mềm, thịt nhão nên nhiều người còn gọi là cá cháo, xưa chỉ dùng cho gia súc, nay biến đổi thành món đặc sản. Cá khoai ở Quảng Bình được đánh bắt và đem lên bờ sớm nên khách thường được ăn đồ tươi, thịt thơm ngon hơn nhiều nơi khác.
Cá khoai xương mềm, thịt mềm, rất dễ ăn
Cá khoai chỉ cần các loại gia vị bình thường để ướp làm lẩu. Nước dùng cũng chỉ xung quanh dăm ba loại cà chua, khế, nấm, chua me, măng chua, dưa cải. Khi ăn, mọi người quây quần bên nồi nước dùng, chờ sôi thì cho cá vào, sôi lại chút là vớt ra ăn liền lúc còn nóng hổi.
Vừa nói chuyện, vừa rẽ thịt cá khoai, hay nếu thích thì nhai cả xương, kèm chút rau sống: rau tương ơ, rau xà lách, rau cần, rau cải, rau ngò… thì không còn gì mong muốn hơn.
Chỉ là những món gần gụi và dân giã như thế thôi, đặc sản Quảng Bình vẫn khiến người ta không quên thương nhớ khi rời xa.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet