Nội dung

1. PHỞ GÀ

Nguyên liệu:

- Gà ta, xương đuôi, cổ gà, bánh phở, hành tây, hành lá, gừng, rau thơm, lá chanh, bánh phở

Cách làm:

- Thịt gà đem rửa sạch, dùng muối xát xung quanh thân và bên trong bụng gà, xả lại với nước cho sạch hoàn toàn.

- Cho gà vào nồi, đổ nước lạnh vào, luộc cho đến khi gà chín tới. Không luộc chín quá gà bị nhừ không ngon. Gà chín, vớt ra để nguội, lọc lấy thịt, rồi thái miếng vừa ăn.

- Nướng hành tây, hành khô, gừng cho thơm.

- Nấu nước dùng: Xương đuôi  heo, cổ gà rửa sạch, sau đó cho vào nồi nước ninh nhỏ lửa để nước dùng trong. 

- Ninh đến khi xương mềm thì cho nước luộc gà, hành tây, gừng, hành khô đã nướng vào. Tùy khẩu vị bạn hãy điều chỉnh gia vị như mắm, đường để được nồi nước dùng có vị vừa miệng.

- Lá chanh thái sợi, rau thơm rửa sạch, hành lá thái nhỏ, phần trắng hành lá để nguyên hoặc chẻ nhỏ.

- Bánh phở đem chần nóng rồi chia ra các bát. Sau đó xếp thịt gà đã thái lên trên, rắc lá chanh, hành lá thái nhỏ, thêm phần trắng hành lá chần tái, rồi chan nước dùng. Khi ăn, thưởng thức kèm rau thơm, tương ớt, giấm tỏi nếu thích! Phở gà tự nấu tuy không cầu kỳ nhưng hương vị vô cùng thơm ngon, thanh khiết, đặc biệt nhiệt thịt chẳng hàng quán nào bằng!

Cuối tuần rảnh rỗi mát mẻ làm 6 món nước vừa ngon đủ chất lại thơm nức mũi có thể ăn thay cơm

2. BÚN BÒ HUẾ

Nguyên liệu

Phần xương để ninh lấy nước: 1kg xương ống bò (bỏ bớt phần tuỷ và gân bò); 500gr xương ống heo; 6000ml nước trắng; 1 củ hành tây; 1 nhánh gừng nhỏ; 2 củ hành tím.

Phần thịt hay phần nhân:

- 1kg nạm bò (Có thể mua gầu bò, gân bò, gắp bò, nạm, lõi bắp, bắp hoa... tuỳ sở thích mỗi gia đình).

- Tiết lợn

- Chả cua, chả tôm hoặc chả bò viên... (có thể tự làm viên mọc)

- Móng giò: 1kg

- Ngoài ra có thể cho thêm các loại chả, giò tai nấm hương, giò thường... nếu thích.

Các loại rau ăn kèm:

- Rau muống chẻ: nhà mình tự chẻ

- Hoa chuối, giá đỗ, rau húng, mùi ta, xà lách Đà Lạt nếu có, rau răm...

- Bún sợi to: 1kg tuỳ nhà đông hay ít người để mua (nếu không có thì thay thế bằng bún sợi nhỏ)

- Hành lá, hành tây: thái nhỏ, bào nhỏ để rắc vào bún.

- Mắm ruốc: 100gr để cho vào nước lèo.

- Sả: 200gr

- Hành củ tím, tỏi, ớt, sa tế, màu điều để tạo màu...

- Gia vị: nước  mắm, bột nêm, bột ngọt, đường phèn, bột canh, muối trắng... 1/2 quả dứa chín

Cách làm:

Bước 1: Ninh nước xương

- Xương lợn, xương bò mua về ngâm vào chậu nước có pha chút muối ngâm trong 1-2 giờ để ra sạch máu và chất bụi bẩn. Rửa sạch lại, đun sôi một nồi nước, thả xương vào đợi sôi 1-2 phút rồi đổ phần nước đó đi, sau đó rửa thêm lại một lần nước nữa là xương sạch.

- Cho xương vào nồi ninh, đổ ngập nước (khoảng 6 lít nước, nếu nhà ai đông người hoặc có khách thì ninh nhiều nước hơn). Thả vào nồi nước ninh xương 1 củ hành tây nướng thơm, 1 nhánh gừng nướng, 2 củ hành tím nướng.

- Trung bình ninh trong khoảng 6-8 giờ thì xương mới tiết ra hết được chất ngọt và thơm. Để tiết kiệm thời gian có thể ninh vào buổi tối hôm trước. Có thể dùng nồi ninh xương chuyên dụng, nồi ủ, nồi áp suất... hay đơn giản cho vào nồi cơm điện bật chế độ slow cook, rồi hôm sau đổ ra nồi to thêm nước sôi vào ninh thêm.

Lưu ý: Trong quá trình ninh xương, phần nước mà bị bay hơi thì có thể đổ thêm sôi (không dùng nước nguội) vào ninh tiếp và nên ninh lửa nhỏ.

Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu còn lại

- Phần nạm bò, bắp bò... rửa sạch, phần nạm có thể cuộn lại bằng chỉ để sau thái cho đẹp.

- Ngoài ra kiếm được miếng bì lợn cuộn lại, luộc chín thái ra bày cũng ngon và đẹp mắt. Móng giò dùng dao lam cạo lại sạch lông, chặt thành khoanh tròn cho đẹp.

- Mọc viên: Trộn giò sống với thịt vai xay (400gr thịt vai xay có cả nạc và mỡ + 200gr giò sống + 5 cái nấm hương băm nhỏ + 3 cái mộc nhĩ băm nhỏ), trộn với mộc nhĩ, nấm hương, bột canh, bột nêm, hạt tiêu đem viên lại thành các viên nhỏ vừa ăn.

- Đem phần nạm bò, móng giò, chần qua nước sôi khoảng 1-2 phút cho sạch bụi bẩn, rửa lại bằng nước lạnh cho sạch rồi ướp với chút bột nêm, hạt tiêu trước khi thả vào nồi nước ninh xương.

- Thường phần nạm ninh trong nồi nước hầm xương khoảng 30 phút là chín mềm, móng giò khoảng 35 phút. Sau đó vớt ra thau nước lạnh, đợi nguội vớt ra để ráo dùng màng bọc, bọc lại cất ngăn mát tủ lạnh cho giòn.

- Phần mọc cũng luộc chín và để riêng.

- Các loại rau thơm rửa sạch, ngâm nước muối, vớt ra để ráo. Rau xà lách Đà Lạt thái nhỏ ra ăn cho dễ. Giá đỗ nhặt sạch từng gốc rễ. Cách rửa rau cho ngon và sạch sẽ cũng tăng vị hấp dẫn cho món bún bò.

Xương sau khi ninh đủ thời gian 6 tiếng, vớt tất cả phần xương, hành tây, hành củ, gừng...ra ngoài, lọc nước ninh xương qua một lần rây cho nước được trong.

Bước 3: Cách nấu nước lèo (nước dùng)

- Đổ hết phần nước ninh xương vào nồi nấu. Băm nhỏ phần gốc sả, phần thân đập dập thả vào nồi nước lèo.

- Tỏi, hành củ tím băm nhỏ. Cho dầu ăn vào chảo, phi thơm sả, tỏi, hành tím băm nhỏ, cho vào chút màu dầu điều tạo màu, nếu không có dầu màu điều thì phi thơm một ít sa tế, ớt bột Hàn Quốc cùng sả, tỏi, hành băm nhỏ.

- Đổ tất cả vào nồi nước lèo.

- Mắm ruốc pha ra bát cùng chút nước nóng, đợi phần mắm ruốc lắng xuống, chắt phần nước phía trên đổ vào nồi nước lèo.

- Cho thêm 1/2 quả dứa chín cắt nhỏ vào nồi nước lèo. Nêm nếm gia vị cho thật vừa miệng. Ai ăn ngọt vì cho vài viên đường phèn cùng chút mỳ chính cho nước lèo được hài hoà hơn.

Lưu ý: Phần nước lèo nấu nhiều sau đó để nguội cất ngăn đá khi nào muốn ăn bún bò Huế là có luôn không phải lích kích nấu nên mọi người đừng sợ thừa nhé.

Bước 4: Cách làm tiết luộc

- Tiết pha thêm nước và chút mỳ chính, đợi đông đem luộc rồi cắt miếng vuông.

- Thả phần mọc, tiết lợn vào nồi nước lèo.

Bước 5: Cách làm ớt rim hay ớt xào

- Ngâm 30gr bột ớt vào 15ml nước nóng, đợi bột ớt nở vớt ra để ráo.

- Băm hoặc xay nhỏ sả, ớt quả tươi và tỏi (sả 100gr, tỏi 30gr, ớt quả tươi 100gr). Cho dầu ăn vào chảo, nhiều dầu một chút, bỏ sả và tỏi vào phi thơm, hơi vàng thì hạ lửa nhỏ tránh bị cháy sau đó đổ hết phần bột ớt đã ngâm nở, ớt tươi xay vào đảo đều nhanh tay. Cuối cùng thêm vào 4 thìa canh ăn phở nước mắm, 2 thìa canh đường, đảo cho hơi keo lại là được. Chú ý để lửa nhỏ.

Thưởng thức

- Bỏ phần nạm bò ra thái mỏng.

- Bày tất cả ra đĩa, cả phần móng đã cất ngăn mát. Rau thơm, hành lá thái nhỏ, hành tây bào thật mỏng, các loại rau ăn kèm... Bún chần qua nước sôi.

- Khi ăn xếp bún ra bát to, phần thịt, móng giò, tiết, mọc... thêm chút hành thái nhỏ, hành tây bào mỏng, chan nước lèo và ăn cùng ớt rim, nước mắm ớt, vắt chanh, ăn kèm các loại rau sống.

Cuối tuần rảnh rỗi mát mẻ làm 6 món nước vừa ngon đủ chất lại thơm nức mũi có thể ăn thay cơm

3. MÌ BÒ TRỨNG

Nguyên liệu:

- 300g thịt bò, thái lát

- 1 quả trứng

- 30g hành lá thái nhỏ

- 2 bó mì nhỏ

- Nguyên liệu làm nước dùng: 250ml nước; 250ml nước luộc gà; 2 tép tỏi; 1 củ hành tây; 4 quả cà chua; 30g sốt cà chua (ketchup); 5g muối; 2.5g muối

Cách làm:

Cà chua rửa sạch, thái miếng vừa ăn. Hành tây bóc vỏ, thái miếng cỡ trung bình.

Làm nước dùng: Cho ít dầu ăn trong chảo, đun nóng dầu rồi cho tỏi vào xào, thêm hành tây, xào cho đến khi hành mờ. Sau đó cho cà chua và sốt cà chua vào.

Đảo đều nấu cho đến khi cà chua mềm. Thêm nước luộc gà và nước vào, đun 20-30 phút, nêm muối và hạt tiêu vừa ăn.

Đun một nồi nước sôi, cho mì vào luộc theo hướng dẫn của gói.

Sau đó thả mì vào nồi nước dùng, nấu khoảng 2 phút, sau đó thả thịt bò vào, đập trứng lên trên rồi cho ra bát thưởng thức.

Cuối tuần rảnh rỗi mát mẻ làm 6 món nước vừa ngon đủ chất lại thơm nức mũi có thể ăn thay cơm

4. MIẾN GÀ

Nguyên liệu:

- Gà ta: 1,5kg (đã làm sạch)

- Miến dong: 200g - Mộc nhĩ, nấm hương: 4-5 cái - Măng tươi: 200g - Hành khô: 2 củ - Hành hoa, rau dăm: 1 ít - Rau thơm ăn kèm: 1 ít

- Gia vị: bột canh, bột nêm, mì chính.

Cách làm:

 Mộc nhĩ, nấm hương ngâm bằng nước lạnh (cách này sẽ giúp mộc nhĩ giòn khi ăn). Rửa sạch rồi thái mỏng. Để lại vài cái nấm hương nguyên cái thả vào nồi nước dùng.

Gà ta sau khi làm sạch cho vào nồi, thêm 1 thìa bột canh rồi luộc chừng khoảng 15-20 phút hoặc khi thấy gà sôi hạ bớt lửa, dùng đũa cắm vào mình gà, nếu không thấy nước đỏ là gà chín.

Tắt bếp để gà khoảng 10 phút rồi vớt gà ra để ráo. Sau đó chặt miếng vừa ăn. Phần nước dùng bạn thả vài cái nấm hương ngâm nở đã được rửa sạch

Măng tươi rửa sạch, thái mỏng rồi cho vào nồi luộc khoảng 2-3 phút. Vớt ra rửa lại lần nữa rồi để ráo. Ở một chảo khác bạn phi thơm hành băm với 2 thìa dầu ăn cho mộc nhĩ, nấm hương vào xào tiếp đó cho măng tươi vào xào cùng. Nêm 1 thìa bột nêm.

Sau đó cho vào nồi nước dùng gà và đun nhỏ trên bếp. Nêm nếm sao cho nồi nước dùng vừa miệng là được.

Miến dong rửa sạch ngâm nước khoảng 10 phút cho mềm. Cắt khoảng 2-3 khúc sau đó thả vào nồi nước dùng cho miến chín rồi vớt miến cho vào bát tô. Xếp thịt gà, măng, hành răm thái nhỏ vào bát canh miến.

Từ từ chan nước dùng vào bát miến và dùng nóng.

Món miến gà măng tươi này hẳn sẽ là bữa sáng tuyệt vời cho cả gia đình bạn!

Cuối tuần rảnh rỗi mát mẻ làm 6 món nước vừa ngon đủ chất lại thơm nức mũi có thể ăn thay cơm

5. BÚN CHẢ LÁ LỐT

Nguyên liệu:

- Thịt bằm: 300g
- Xương ống: 300g
- Lá lốt: 1 bó
- Mộc nhĩ, nấm hương: 50g
- Hành lá, rau mùi, giá đỗ
- Gia vị 

Cách làm:

Xương rửa sạch, ngâm chút nước muối loãng khoảng 10 phút, sau đó rửa lại, thêm nước đủ dùng, ninh xương cho mềm để lấy nước dùng.

Mộc nhĩ, nấm hương ngâm nước nóng cho nở, rửa sạch lại, băm nhỏ cùng hành lá, ít lá lốt để lát trộn cùng thịt.

Thịt bằm thêm chút gia vị, hạt tiêu, sau đó cho thêm mộc nhĩ, nấm hương, hành lá, lá lốt đã băm nhỏ vào trộn cùng.

Lá lốt rửa sạch, để ráo nước, vẩy thật khô để gói chả. Đặt từng phần thịt vừa đủ vào lá, gói kín lại. Có thể gói chả thành từng viên vừa ăn.

Đặt chảo dầu lên bếp cho nóng già, sau đó hạ bớt lửa, cho lần lượt từng chiếc chả lá lốt vào rán chín đều 2 mặt.

Khi xương đã mềm, thêm nếm nước dùng và gia vị cho vừa miệng. Thái cà chua miếng cau thả vào nồi nước dùng chần qua cho vừa chín tới, sau đó cho ra bát.

Cho bún vào bát, gắp thêm chả, xếp cà chua, hành, giá đỗ đã rửa sạch vào bát rồi chan nước dùng nóng, mời mọi người thưởng thức.

Bún chả lá lốt sẽ là món ăn hấp dẫn nhưng dễ nấu, đảm bảo cả nhà sẽ thích.

Cuối tuần rảnh rỗi mát mẻ làm 6 món nước vừa ngon đủ chất lại thơm nức mũi có thể ăn thay cơm

6. BÚN RIÊU CUA

Nguyên liệu:

- 500 gram cua đồng

- 1 kg bún

- 3 bìa đậu

- 200 g giò sống

- Rau rút (nếu thích)

- 3-4 quả cà chua

- Giấm bỗng, khế chua

- 1 chút mắm tôm - Hành tím, hành lá, rau mùi

- Rau sống: hoa chuối, xà lách, kinh giới, húng

- Hạt tiêu, hạt nêm, nước mắm, đường, dầu ăn

Cách nấu bún riêu cua ngon:

- Cua đồng mang về thêm chút muối xóc mạnh rửa sạch rồi tách mai cua, lấy gạch, phần còn lại đem giã hoặc xay.

- Nếu thích nước cua đặc thì khi giã thêm chút xíu muối, giã cua và lọc lấy nước sẽ ngon hơn khi xay.

- Lọc 2-3 lần lấy nước cua vừa đủ ăn rồi thêm 1 thìa bột canh khuấy nhẹ đặt lên bếp đun lửa vừa đến khi phần nước cua đóng tảng rồi vớt gạch cua ra để riêng.

- Đậu hũ cắt miếng nhỏ vừa ăn, cho vào chảo rán vàng.

- Cà chua rửa sạch, bổ múi cau

- Khế chua rửa sạch thái mỏng.

- Rau rút, rau thơm các loại nhặt sạch rửa và ngâm vào nước có pha chút muối loãng.

- Bắc chảo lên bếp, phi hành tím thái nhỏ lên, đến khi hành có màu vàng ươm thì đổ gạch cua vào, đảo nhanh tay rồi tắt bếp, đổ gạch cua vào một bát để riêng.

- Sau đó cho cà chua vào xào sơ. Nếu thích màu nước dùng đẹp bạn có thể thêm 1 thìa bột nghệ.

- Sau khi xào cà chua xong thì đổ vào nồi nước dùng cua, thêm chút giấm bỗng, 1 chút mắm tôm, gia vị vừa miệng rồi đun nhỏ lửa. Tiếp đến viên giò sống thả vào sau đó là đậu phụ.

Thưởng thức:

- Xếp bún đã chần vào bát, bày 5-6 miếng đậu phụ rán giò sống, thịt cua, hành lá, rau mùi thái nhỏ vào 1 góc, rồi từ từ rưới nước dùng cua lên bát bún, cùng ăn với rau sống, thưởng thức khi còn nóng!

Cuối tuần rảnh rỗi mát mẻ làm 6 món nước vừa ngon đủ chất lại thơm nức mũi có thể ăn thay cơm

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Gỏi miến

Tôm, mực trần chín trộn chua ngọt cùng miến. Món gỏi dậy mùi cay thơm của ớt, kết hợp với vị hải sản rất hấp dẫn.

Xem thêm  

Bún ốc

Bún ốc là món ngon của đất Hà thành. Bớt chút thời gian, bạn có thể tự nấu món này tại nhà vào ngày nghỉ cuối tuần.

Xem thêm  

Sò huyết Ô Loan

Đầm Ô Loan thuộc huyện Tuy An (Phú Yên) từ lâu nổi tiếng là thắng cảnh của miền trung. Nơi đây cũng nổi danh với món sò huyết ngọt, béo làm say lòng bao du khách.

Xem thêm  

Cá ám rau cần

Cá ám là món ăn truyền thống của nhân dân vùng Nam Trực, Trực Ninh. Để có món ăn này, cần chuẩn bị cá quả tươi, rau cần và một số gia vị khác.

Xem thêm  

Cua chiên trứng

Sau khi chế biến, bạn có thể trình bày bằng cách xếp món ăn lên đĩa, xung quanh trang trí cà chua và dưa leo. Dùng nóng với cơm hoặc ăn chơi kèm nước tương ớt.

Xem thêm