Theo BS Trần Thu Thủy (Bệnh viện Nhi Trung ương), VA là bệnh lý rất hay gặp ở trẻ từ 6 tháng tới 6 tuổi. Đặc biệt ở lứa tuổi nhà trẻ mẫu giáo, do lớp học đông, các trẻ bị bệnh lý VA rất dễ lây cho nhau.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh viêm VA có thể gây biến chứng lên các cơ quan khác, ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần và thể chất của trẻ.
Các dấu hiệu chính khi trẻ mắc viêm VA. Ảnh: BVCC
Do thường xuyên tiếp xúc với vi khuẩn nên VA hay bị viêm, nhưng thường là viêm nhẹ. VA giúp trẻ tạo kháng thể qua các lần viêm nhiễm, tuy nhiên nếu sức đề kháng giảm, vi khuẩn có thể xâm nhập toàn bộ VA. Lúc này bạch cầu không đủ sức chống chọi sẽ chịu thua, để vi khuẩn cư trú tại đây, sinh sôi nẩy nở và gây viêm bệnh lý. Như vậy, sau nhiều lần nhiễm trùng, VA có thể trở thành ổ chứa vi khuẩn.
Đối với bệnh lý viêm VA cấp tính, theo BS Thủy, bệnh thường xảy ra ở trẻ từ 6 – 7 tháng tuổi đến 4 tuổi nhưng cũng có khi gặp ở trẻ lớn hơn. Khi khởi bệnh đột ngột, trẻ bị sốt, 38 – 39 độ C, đôi khi sốt cao đến 40 độ C hoặc không sốt.
Triệu chứng quan trọng nhất của viêm VA cấp tính là ngạt mũi, ngạt nặng dần, ngạt một bên rồi hai bên. Trẻ thở khó khăn, thường phải há miệng thở, thở khụt khịt, khóc hoặc nói giọng mũi kín… Trẻ có thể bỏ bú hoặc bú ngắt quãng vì không thở được bằng mũi.
Chảy nước mũi ra phía trước và xuống dưới họng: Nước mũi lúc đầu trong về sau đục. VA càng to thì ngạt mũi và chảy mũi càng tăng. Viêm VA phát triển lâu ngày thường dẫn đến chảy nước mũi thường xuyên, nước màu vàng hoặc xanh.
Ho cũng là triệu chứng thường xuất hiện khi trẻ bị viêm VA cấp tínhnhưng lại muộn hơn, vào ngày thứ hai hoặc thứ ba. Trẻ ho do khô miệng vì thường xuyên thở bằng miệng hoặc do dịch chảy xuống từ vòm mũi họng, gây viêm họng.
Ngoài ra, trẻ mệt mỏi, biếng ăn, quấy khóc, hơi thở có mùi hôi khó chịu, có thể có rối loạn tiêu hóa: nôn trớ, tiêu chảy. Trẻ nghe kém.
Nguy hiểm hơn cả trong viêm VA là viêm VA mạn tính. Đó là tình trạng quá phát và xơ hoá của tổ chức này sau nhiều lần viêm cấp tính. Hai dấu hiệu chủ yếu của viêm VA mạn tính là chảy nước mũi và ngạt mũi mạn tính.
Trẻ chảy nước mũi trong hoặc nhày, cũng có thể chảy nước mũi mủ (bội nhiễm). Chảy mũi thường kéo dài. Ngạt mũi có nhiều mức độ, ít thì chỉ ngạt về đêm, nhiều thì ngạt suốt ngày, thậm chí tắc mũi hoàn toàn. Trẻ phải thở bằng miệng, nói hoặc khóc giọng mũi.
Gương mặt điển hình của một trẻ bị viêm VA mạn tính. Ảnh: BVCC
Nếu viêm VA kéo dài, không được điều trị, trẻ bị thiếu oxy mạn tính có thể gây nên những biến đổi đặc trưng như chậm phát triển thể chất và tinh thần, chậm chạp, kém hoạt bát.
Trẻ cũng khó ngủ, nghiến răng khi ngủ, ngủ ngáy, ngủ không yên giấc, thường giật mình, tè dầm. Trường hợp nặng có thể xuất hiện những cơn ngừng thở trong lúc ngủ.
Một biến đổi đặc trưng khác là trẻ bị rối loạn phát triển khối xương mặt. Đó là do trẻ thường xuyên thở miệng, mũi ít được sử dụng nên qua nhiều năm chóp mũi trở nên nhỏ hơn, mũi tẹt, trán dô. Mặt dài, hàm trên vẩu, răng hàm trên mọc lởm chởm, hàm dưới hẹp, luôn hở miệng, vẻ mặt kém nhanh nhẹn. Đó là vẻ mặt đặc trưng của trẻ viêm VA, hậu quả của thở miệng kéo dài trong thời kỳ khuôn mặt đang phát triển. Tuy nhiên, những dấu hiệu này không phải lúc nào cũng đầy đủ.
BS Trần Thu Thủy cũng cho biết, viêm VA có thể dẫn đến các biến chứng gần (viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm xoang…) và các biến chứng xa (viêm thanh, khí phế quản, viêm đường ruột…).
Biến chứng gần: Viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm xoang. Biến chứng xa có thể gây viêm thanh quản, khí quản, viêm phế quản, viêm đường ruột.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet