Theo các chuyên gia, trẻ hình thành tính cách rụt rè, nhút nhát là bởi vì trẻ cảm thấy không an toàn. Nếu trẻ rụt rè quá mức, đó là dấu hiệu mà bố mẹ cần kịp thời can thiệp bởi có thể trẻ đang mắc bệnh về rối loạn lo âu xã hội.
Nếu tích cách này không được cải thiện, quá trình học tập và vui chơi giải trí của trẻ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những cơ hội phát triển của trẻ sẽ hạn chế, không chỉ ở hiện tại mà còn kéo dài đến tương lai về sau.
Nhất Nhất 4 tuổi (sống cùng bố mẹ tại Trung Quốc) đang học lớp mẫu giáo. Cậu bé là một đứa trẻ rất nhút nhát nên mẹ cậu đã vô cùng lo lắng về vấn đề này. Ở lớp, Nhất Nhất hầu như tách khỏi các mối quan hệ với bạn bè, cậu luôn có hành động kéo chiếc ghế nhỏ của mình đến hàng cuối lớp học và lặng lẽ ngồi xuống.
Những đứa trẻ khác sẽ thường chủ động dơ tay phát biểu, trả lời câu hỏi của cô giáo một cách dõng dạc và tự tin. Ngược lại thì Nhất Nhất chưa bao giờ làm được điều đó. Khi mẹ hỏi cậu bé lý do, cậu buồn bã trả lời rằng: “Con không dám”.
Không chỉ trong lớp học, mà vẻ nhút nhát của Nhất Nhất còn thể hiện rõ trong các mối quan hệ cộng đồng. Trong khi những đứa trẻ khác chủ động làm quen, kết bạn.
Nhất Nhất chỉ có thể “chờ đợi” những người bạn khác đến “mở lời” trước. Nếu rơi vào tình huống bị từ chối, Nhất Nhất sẽ thu mình lại và tỏ ra sợ hãi, thiếu tự tin.
Thực tế, tính “rụt rè” ở trẻ không phải là “bẩm sinh”. Vì thế bố mẹ đừng lo lắng khi con cái có nét tính cách này. Nhút nhát không xấu, chỉ là cách giáo dục của bố mẹ không phù hợp. Để tương lai trẻ không bị “cản trở” bởi sự thiếu tự tin, bố mẹ cần phải làm một cuộc “đảo chính” để thay đổi trẻ.
Luôn bên cạnh động viên, khuyến khích trẻ
Trong gia đình, bố mẹ là những người mà trẻ tin tưởng nhất. Nếu có thể cho trẻ cảm giác an tâm và được che chở, bảo vệ thì trẻ sẽ trở nên mạnh mẽ và gan dạ hơn.
Muốn trẻ bước ra khỏi vùng an toàn của mình, bố mẹ thông minh sẽ không ép buộc hay thúc dục trẻ. Thay vào đó, bố mẹ nên động viên tinh thần cho trẻ bằng lời nói hoặc cử chỉ, hành động thể hiện sự quan tâm.
Bố mẹ hãy trở thành chỗ dựa vững chắc cho trẻ trên hành trình “chiến thắng” nỗi sợ hãi của chính mình. Sự đồng hành của bố mẹ chính là nguồn động viên, cổ vũ mạnh mẽ nhất dành cho trẻ. Vì thế, bố mẹ nên dành thời gian để ở bên cạnh trẻ nhiều hơn.
Bố mẹ là nguồn sức mạnh lớn lao để trẻ dũng cảm vượt qua nỗi sợ hãi, rụt rè.
Tạo cơ hội để trẻ thể hiện bản thân
Để nâng cao sự tự tin cho trẻ, bố mẹ nên giúp trẻ tiếp xúc và thực hành ở nhiều môi trường khác nhau. Ví dụ, bố mẹ có thể cho trẻ tham gia các lớp học kỹ năng ở trường, các hoạt động ngoại khóa.
Động viên trẻ dũng cảm tham gia các cuộc thi mà trẻ có hứng thú, để trẻ có cơ hội được “bộc lộ con người bên trong” của mình.
Khi trẻ có được một ít thành tựu, trẻ sẽ dần lấy lại được sự tự tin. Từ đó, ham muốn được thể hiện bản thân của trẻ sẽ càng mạnh mẽ hơn. Đồng thời, “bóng đen” của sự sợ hãi cũng sẽ từ từ biến mất khỏi trẻ.
Bố mẹ nên động viên trẻ tự tin theo đuổi sở thích của bản thân.
Giúp trẻ kết giao, mở rộng mối quan hệ xã hội
Những đứa trẻ rụt rè, nhút nhát thường có xu hướng sợ đám đông. Vì thế, trẻ rất ngại và hoàn toàn không dám giao lưu một cách thoải mái với mọi người xung quanh. Trẻ hầu như không bao giờ chủ động kết bạn trước.
Vậy nên, bố mẹ hãy lựa chọn phương pháp phù hợp để giúp trẻ mở rộng mối quan hệ, Ví dụ như tổ chức các bữa tiệc tại nhà, bạn bè tặng quà lẫn nhau, đi công viên, cắm trại…
Thực tế đã chứng minh, các mối quan hệ bạn bè, xã hội có thể giúp cho trẻ trở nên vui vẻ và lạc quan hơn. Điều này sẽ làm tăng khả năng thích nghi và giao tiếp xã hội khi trẻ lớn lên.
Cho trẻ vui chơi, tiếp xúc với nhiều người sẽ giúp trẻ sống vui vẻ và lạc quan.
Không thúc ép, cho trẻ thời gian
Bất kỳ sự thay đổi nào ở trẻ đều cần có thời gian để trẻ tích lũy và tập quen. Bố mẹ càng thúc ép, trẻ sẽ càng trở nên sợ hãi và thu mình lại. Vì vậy, dạy con trong trường hợp này bố mẹ phải thực sự kiên nhẫn.
Nếu bố mẹ mang tư tưởng “nhanh mà chắc” để ép buộc trẻ, thì bố mẹ đã hoàn toàn sai lầm. Bởi vì để trở nên tự tin và dạn dĩ hơn, trẻ cần phải có sự chuẩn bị, sau đó là tích lũy từ từ về tâm lý.
Đặt niềm tin và chờ đợi trẻ là điều mà bố mẹ nên làm. Dù một lần, hai lần, ba lần… hay nhiều lần hơn thế nữa, nhưng chỉ cần giáo dục đúng cách thì trẻ chắc chắn sẽ đạt được điều mà bố mẹ mong muốn.
Bắt ép, thúc dục trẻ là hành động có thể gây "phản tác dụng", khiến trẻ áp lực và tự ti.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet