Con tôi đi mẫu giáo mới được 3 hôm. Ở lớp, cô không cho ăn được vì cháu chạy lung tung không chịu ăn, về nhà thì đói quá đòi măm luôn và tôi cho con ăn hết cả bát cháo.
Trước ở nhà không bao giờ cháu như vậy cả. Liệu có phải do bị cô mắng hay đánh mà cháu như vậy không ạ? Xin chuyên gia tư vấn giúp tôi. Tôi cảm ơn nhiều ạ. (Mỹ Trang)
Ảnh minh họa: Huffingtonpost.com. |
Trả lời:
Chào bạn,
Đến trường mẫu giáo là bước thay đổi rất lớn đối với trẻ. Những ngày đầu đến lớp là những ngày vất vả với cả cô, trò và cha mẹ. Các con đều cảm thấy lo lắng, sợ hãi khi đến một môi trường hoàn toàn mới, nhất là với những cháu rụt rè, nhút nhát.
Những biểu hiện như khóc, ăn vạ cha mẹ khi về nhà hoặc trước buổi học là những biểu hiện thường thấy nhất ở trẻ. Sở dĩ như vậy là vì khi đến một môi trường hoàn toàn mới, các con cảm thấy lo lắng, sợ hãi, nên khi về nhà, cha mẹ chính là chỗ dựa vững chắc nhất. Các con thường bám riết cha mẹ hơn, mè nheo hơn và cũng ăn vạ nhiều hơn để nhận được sự quan tâm của người thân. Chính vì điều đó, việc con bám mẹ là một nhu cầu tất yếu với trẻ. Biểu hiện này sẽ dần mất đi trong những ngày đi học tiếp theo, cùng với việc con thích ứng dần với việc đến trường.
Còn việc con không chịu ăn, hay chạy lung tung trong lớp là do con chưa quen cô, các bạn và trường lớp, con cũng chưa thích nghi với nội quy lớp học. Do con mới đi học, còn sợ hãi và khóc nên cô ở lớp cũng chưa thể ép con ăn ngay. Những ngày đầu là những ngày để con làm quen với cô, với các bạn, với nội quy lớp học. Có những cháu phải mất cả tháng mới thích nghi được việc đến trường. Nên mới chỉ có 3 ngày, bạn không nên quá lo lắng mà hãy kiên trì vượt qua những trở ngại của con để giúp con làm quen được với môi trường mới.
Trong trường hợp khi con đang ngủ khóc thét mãi không thôi bạn cũng cần nhìn nhận thật khách quan. Trong một đêm mức độ xảy ra việc này là bao nhiêu lần, và do môi trường xung quanh làm cháu giật mình hay tự cháu khóc?
Vấn đề này có thể do nhiều nguyên nhân: Thứ nhất, cha mẹ cần tìm hiểu môi trường ngủ của trẻ đã đảm bảo an toàn, ấm áp cho giấc ngủ của trẻ chưa? Cần kiểm tra âm thanh và ánh sáng có gây khó khăn cho giấc ngủ của trẻ không. Thứ hai, những hoảng loạn và mơ mộng trong khi ngủ có thể xuất phát từ nguyên nhân tâm lý. Khi trẻ thay đổi môi trường sinh hoạt trẻ khó thích nghi, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển tiếp từ môi trường vui chơi tự do trong gia đình sang môi trường lớp học, trẻ dễ hoảng loạn và dễ dẫn đến giật mình, mơ và khóc trong đêm. Đối với con, khả năng do nguyên nhân này là cao nhất.
Thứ ba, đối với trẻ, hệ thần kinh chưa phát triển ổn định, nếu ban ngày trẻ nô nghịch hoặc xem phim bạo lực quá khích… đêm đến trẻ hay mơ màng, hoảng loạn.... Vì con mới đi học được 3 ngày nên chưa thể đánh giá được nhiều. Mặt khác đối với con, trước khi đến trường con ở với mẹ hay bà trông, con có thường xuyên được giao tiếp rộng rãi với mọi người không? Mức độ tự tin của con đến đâu?
Trẻ mới đến trường cũng phải có thời gian nhất định để thích nghi với trường, với cô. Những biểu hiện con khóc, không chịu hợp tác với cô, sẽ được giảm dần khi con đi học thường xuyên. Khi con mới đi học cha mẹ cũng nên hướng dẫn con và gây hứng thú với việc đi học cho con. Mọi thông tin của con, cha mẹ nên trao đổi với giáo viên thường xuyên để con có thể hòa nhấp với trường một cách tốt nhất.
Về vấn đề mẹ lo lắng không biết những hoảng loạn của con có phải do nguyên nhân con bị các cô đánh hay mắng hay không bạn cũng cần nhìn nhận vấn đề một cách tế nhị. Việc chọn trường, chọn lớp, chọn giáo viên cho con là rất quan trọng. Bạn cần tìm hiểu các thông tin thật kỹ trước khi gửi con. Khi đến tham quan trường lớp, bạn cũng cần quan sát cách giáo viên quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ các trẻ khác. Khi gửi con bạn cần đặt niềm tin vào môi trường và giáo viên mà bạn gửi. Thông thường, theo kinh nghiệm của các cô mầm non thì trẻ trong giai đoạn đầu đi học các cô thường rất chiều chuộng trẻ và chăm sóc trẻ chu đáo để trẻ thích nghi nên chuyện trẻ mới đi học mà bị các cô đánh, mắng là rất hiếm.
Cuối cùng, xin chúc con sớm hòa nhập với trường lớp!
Thạc sĩ Tạ Thị Thu Huế
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet