Ít ngày qua, thông tin về trường hợp nữ sinh cấp 3 ở Nghệ An tự tử vì bạo lực học đường gây xôn xao mạng xã hội. Nhất là hội cha mẹ học sinh có con em trong lứa tuổi cắp sách tới trường. Ai cũng bàng hoàng, xót xa cho cô bé mới ở lứa tuổi 16 còn biết bao tương lai phía trước đã không được gia đình và nhà trường can thiệp sâu sắc nên lựa chọn cái chết để quên đi hết việc bị bạn bè ở trường bắt nạt.
Câu chuyện như một hồi chuông giúp nhiều gia đình, hội cha mẹ học sinh nhận ra được những bài học cấp thiết hơn nữa trong việc quan tâm đến con em mình kĩ càng hơn để phát hiện và giúp đỡ các bé kịp thời trước vấn nạn bạo lực học đường.
Trên thực tế trước khi xảy ra trường hợp của nữ sinh cấp 3 ở Nghệ An này cũng đã có hàng trăm, hàng nghìn những vụ bạo lực học đường đau lòng khác. Ngay trong các gia đình nổi tiếng nhà sao Việt, không ít người cũng đã từng kể câu chuyện về con em mình bị bạo lực học đường bằng những hình thức khác nhau.
Con gái Thủy Tiên bị bạn bè cô lập vì lùm xùm từ thiện của mẹ
1-2 năm trở lại đây, lùm xùm đi làm từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên gây tiếng vang trong xã hội khi lời khen ngợi thì nhiều và đi liền với đó là những tố cáo góc khuất đen tối. Trong khi sự việc chưa được các cơ quan chức năng làm sáng tỏ thì những người thân yêu trong gia đình Thủy Tiên liên tiếp gặp phải những sự tấn công dữ dội. Đáng kể nhất chính là cô bé Bánh Gạo - con gái Thủy Tiên Công Vinh.
Cô bé sinh năm 2013 mới chỉ đang là học sinh nhưng ngay lập tức đã bị các bạn học ở trường cô lập, thậm chí bạo lực tinh thần bằng cách nói xấu vì có mẹ dính vào lùm xùm từ thiện. Bánh Gạo cũng không chia sẻ với mẹ về điều này mà âm thầm chịu đựng. Cho đến khi Thủy Tiên vô tình biết được con gái đang gặp chuyện nhưng cũng chỉ biết an ủi con phần nào.
Nữ ca sĩ kể: '...Con tôi cũng không thoát khỏi dư luận. Một lần, tôi tình cờ nghe con và bạn ở trường trò chuyện online. Bạn bé hỏi: 'Mẹ bạn là người tốt hay xấu'. Bé Gạo trả lời: 'Mẹ mình là người tốt vì hay đi giúp mọi người, mẹ mình còn dạy mình phải đi giúp người nữa.
Nhưng Gạo thậm chí còn bị một nhóm nhỏ bạn bè lập nhóm chat nói xấu. Lúc đó, tôi thương con còn bé nhưng phải chịu những điều tiếng, trong khi tuổi của con chỉ nên đọc truyện cổ tích. Có lần, bé hỏi tôi: 'Tại sao mình làm người tốt mà vẫn chịu chửi bới? Tôi chỉ biết ôm Gạo vào lòng, thấy khó giải thích với con về cuộc sống'.
Con trai Đan Trường bị đánh đỏ mắt, lập tức đánh lại bạn
Dù đang ở lứa tuổi mẫu giáo nhưng cậu quý tử nhà nam ca sĩ Đan Trường cũng từng một lần vướng vào những chuyện được cho là bạo lực học đường. Câu chuyện được chia sẻ bởi chính nam ca sĩ U50. Theo anh Bo, Thiên Từ đang đi học ở Mỹ, một lần con trai trở về nhà với phần mắt bị đỏ. Khi hỏi con về nguyên nhân bị thương, Đan Trường bất ngờ rằng là do đánh nhau với bạn.
"Hôm nay bày đặt đánh nhau nữa, cũng may là con mắt mới bị đỏ, chưa bị bầm, hỏi tại sao con đánh nhau, tại bạn đánh con trước... Hay quá con ha" - anh Bo cho hay.
Như vậy có thể hiểu theo chia sẻ của cậu bé 5 tuổi, câu chuyện bắt đầu từ việc bé bị bạn đánh nên phản kháng lại bằng cách... đánh bạn luôn! Xô xát xảy ra khiến cậu nhóc bị đỏ ở mắt. Sau đó Đan Trường cũng không chia sẻ thêm tình hình vụ việc của con trai nhưng cũng đã rất nhiều người xót xa vì dù sao cậu nhóc cũng đã gặp những xích mích không mong muốn ở trường.
Con trai O Sen Ngọc Mai bị bạn đánh ở trường khiến bố mẹ phải liên lạc với cô giáo
Trong một bài phỏng vấn báo chí, Quán quân Ca sĩ Mặt Nạ - O Sen Ngọc Mai cũng từng tiết lộ con trai cô - bé Hùng Tâm từng bị bạo lực học đường, cụ thể là bị bạn học đánh. Thậm chí Hùng Tâm còn bị bạn đánh nhiều lần và bố mẹ phải can thiệp bằng cách dạy con cách ứng phó lại và trao đổi với cô giáo của con. Cách giải quyết vụ việc của bà mẹ Ngọc Mai nhận được nhiều lời khen ngợi của mọi người.
Cô kể: "Con bị bạn đánh lần 1 thì nói bạn đừng đánh mình nữa. Lần thứ 2 cũng nói tương tự. Nhưng đến lần thứ 3, Mai và Nghiệp cho phép con được đánh bạn nhưng trước đó phải nói với cô giáo. Hai vợ chồng cũng gọi điện cho cô giáo luôn để thông báo là con bị ăn hiếp. Nếu có vấn đề gì, Hùng Tâm (con trai Ngọc Mai - Quốc Nghiệp - PV) sẽ nói chuyện với cô. Tôi không muốn con mình mất khả năng tự vệ. Nhưng với tôi, cách tự vệ tốt nhất chính là phải có trí tuệ, luôn phải bồi đắp trí tuệ và học hỏi không ngừng".
Vấn nạn bạo lực học đường hay bắt nạn bạn học là điều mà nhiều bậc phụ huynh lo lắng khi con em đến tuổi đi học. Bởi đối với trẻ trong trường học cũng giống như người lớn trong trường đời có rất nhiều những sự bất đồng, trẻ dùng bạo lực để giải quyết khiến các bậc phụ huynh cũng không hề hay biết. Bạo lực có thể là dùng nắm đấm nhưng cũng có thể dùng ngôn từ xúc phạm hoặc một hình thức nào khác. Tất cả đều ảnh hưởng lớn đến trẻ.
Trên thực tế việc những đứa trẻ xảy ra xô xát với nhau là điều không ai mong muốn bởi hậu quả của những trận đòn có lẽ là nặng nề vô cùng, có thể đánh đổi bằng tính mạng và theo bé trong suốt quá trình trưởng thành. Tuy nhiên nếu không thể tránh được những điều này thì ít nhất các bậc phụ huynh cũng nên dạy con cách ứng phó và cũng tự suy nghĩ cho mình những hướng giải quyết đúng đắn.
Theo đó, khi phát hiện con bị bạn học đánh hoặc con xô xát với bạn, bố mẹ nên:
Bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân: Nguyên nhân trẻ con mẫu giáo đánh nhau thường ít khi xuất phát từ sự thù hận, cố tình mà chỉ là cách bộc phát sự tức giận như bị bạn giành mất đồ chơi... Đó là điều hoàn toàn tự nhiên vì trẻ hầu như chưa biết những cách tích cực hơn để xử lý cảm xúc và giải quyết vấn đề như thương lượng, nói chuyện, nhờ người khác giúp… Một phần nữa, đây là bản năng của trẻ, dùng tay chân để giải quyết vấn đề mà chưa biết nghĩ đến hậu quả, cảm xúc của người khác.
Do đó, khi được nhà trường, giáo viên thông báo con xô xát với bạn, các mẹ nên tìm hiểu trước sự việc để có thể hướng dẫn và giáo dục con có mục tiêu hơn. Bố mẹ nên bình tĩnh vì nguyên nhân và hậu quả của sự việc đều do con là trẻ con và không quá nghiêm trọng (trẻ con đánh nhau thường không có hậu quả quá nặng nề).
Nói chuyện với con để tìm hiểu vấn đề: Không nên bắt đầu theo kiểu cha mẹ là người biết hết câu chuyện, hãy lắng nghe con thay vì hỏi tội trẻ. Không phải khi nào kết luận của cô giáo cũng đúng vì cô không để mắt đến trẻ thường xuyên được để chứng kiến sự kiện từ đầu đến cuối hoặc do chủ quan của cô. Hãy để con bình tĩnh kể lại câu chuyện với một thái độ lắng nghe và bĩnh tĩnh, thường xuyên tôn trọng con thì khả năng bé nói dối, bịa chuyện là rất thấp.
Sau khi biết được nguyên nhân cặn kẽ từ hai phía, lúc này cha mẹ hãy đưa ra hướng giải quyết cho cả trẻ và vấn đề của con. Nếu đó chỉ là những xích mích vô tình, không đáng kể giữa các con thì cha mẹ không cần can thiệp quá nhiều mà hãy tin rằng các con có thể tự giải quyết vấn đề. Nếu cha mẹ tham gia quá sâu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển năng lực xã hội bình thường của trẻ và ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa trẻ với các bạn.
Nếu cần có sự ra mặt của cha mẹ để giải quyết vấn đề, mẹ có thể cùng con hôm sau đi học sớm và đợi bạn và bố mẹ bạn đến để xin lỗi nếu cảm thấy sự việc nghiêm trọng. Còn nếu không, mẹ chỉ nên đề nghị bé hôm sau đi học thì xin lỗi bạn hoặc tặng cho bạn một món đồ gì đó để tỏ ý xin lỗi như một cái kẹo. Thông thường trẻ sẽ quên béng luôn vụ đánh nhau hôm trước và tiếp tục chơi với nhau như không có chuyện gì xảy ra.
Dạy con cách tự vệ như thế nào cho đúng:
Nếu đối phương có ác ý nhất định và bắt nạt trẻ nhiều lần, thì các mẹ phải dạy trẻ những cách thiết thực hơn để đối phó, chẳng hạn như nhờ cô giáo giúp đỡ. Nếu cô giáo không thể ngăn chặn được hành vi trên thì cha mẹ nên tìm cách trao đổi thẳng thắn với phụ huynh bên kia để giúp con mình thoát khỏi cảnh bị bắt nạt. Nếu cần, cha mẹ cũng có thể cân nhắc việc thay đổi môi trường học tập cho con.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên rèn cho con thêm khả năng tự bảo vệ mình như chú ý rèn luyện thân thể. Trẻ nhỏ có thể chất yếu, gầy gò thường dễ bắt nạt, vì vậy khi trẻ có thể chất phát triển thì đương nhiên trẻ sẽ ít có nguy cơ bị bắt nạt hơn. Khi cơ thể của trẻ trở nên khỏe hơn, con cũng sẽ trở nên tự tin hơn.
Tuy nhiên, việc sử dụng bạo lực khi giải quyết vấn đề không được khuyến khích, thay vào đó mẹ hãy dạy con dùng sức mạnh này để tự vệ mà thôi, vì khi đó trẻ sẽ hiểu bạo lực là cách được chấp nhận để giải quyết vấn đề và tiếp tục lạm dụng cách này, ngày càng nghiêm trọng hơn sau này.
Những trận đánh nhau giữa vài đứa trẻ mẫu giáo chỉ là xô nhau, lấy đồ chơi đập vào nhau, không cố tình làm bạn bị đau mà chỉ muốn quyền lợi của mình. Nhưng nếu bé muốn dùng bạo lực để giải quyết vấn đề thì sau này con có thể sẽ có hung khí và sắp xếp để đánh hội đồng như các vấn đề bạo lực học đường.
Nếu con có xu hướng bạo lực có thể là lúc mẹ cần tìm hiểu lại phương pháp giáo dục. Liệu trong cuộc sống ngày thường con có thường xuyên được xem những clip, video, quảng cáo có cảnh bạo lực, đánh nhau không? Hoặc chứng kiến bạo lực ngoài cuộc sống, những tranh chấp từ người trong gia đình chẳng hạn. Cha mẹ chính là tấm gương lớn nhất cho con cái, do đó cách hành xử của cha mẹ cũng sẽ ảnh hưởng đến xu hướng bạo lực ở trẻ.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet