Trong mắt người lớn, những đứa trẻ rất là vô tư vô tâm nên chẳng biết gì cả. Thế nhưng, thật sự thì trẻ em vô cùng nhạy cảm, nhất là vấn đề tình cảm yêu thương trong gia đình. Bé hoàn toàn có thể cảm nhận được bố mẹ mình sống có hạnh phúc không? Ai là yêu mình? Ai là người ghét mình? Thậm chí, có một số bé còn bày trò để hàn gắn khi thấy bố mẹ không thương nhau.
Thời còn trẻ, Trân Dao (30 tuổi, sống ở Trung Quốc) luôn cho rằng chồng giàu hay nghèo không quan trọng, chỉ cần cả hai đều yêu thương nhau và cố gắng phấn đấu thì mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp. Thế nhưng sau khi có con, cô mới thấm thía cuộc sống không như mơ, hai vợ chồng cô thường xuyên cãi nhau về vấn đề tài chính và nhiều vấn đề khác.
Vì để mang đến cho con gái một cuộc sống tốt nhất, Trân Dao và chồng đều cố gắng nỗ lực làm việc hết sức. Ngay cả cuối tuần, họ cũng không nghỉ nên thường gửi con đến nhà bà nội nhờ mẹ chồng trông hộ. Cho đến một lần, vào cuối tuần, Bối Bối (5 tuổi) – con gái của Trân Dao bị cảm nên cả hai vợ chồng cô đều xin nghỉ để ở nhà chăm con. Hai ngày đấy, cả nhà cùng nhau ăn uống, đi chơi vui vẻ, không khí trong nhà vô cùng hòa thuận nên bệnh tình của Bối Bối cũng nhanh chóng suy giảm.
Kể từ khi có con, vợ chồng Trân Dao thường xuyên cãi nhau vì chuyện tiền bạc và nhiều vấn đề khác (Ảnh minh họa).
Thế nhưng cũng từ đấy, cứ đến sáng thứ 7 là con gái của Trân Dao lại ôm bụng nhăn nhó, có khi quằn quại rất đau đớn. Ban đầu, cứ thấy con như thế là cả hai vợ chồng cô lại xin phép không đi làm nữa mà ở nhà trông con. Song, sau vài lần liền tiếp như thế thì đã khiến bà mẹ này dấy nên một niềm nghi ngờ. Cô không biết con có mắc phải bệnh gì nghiêm trọng hay không nên đã quyết định đưa con đến bệnh viện kiểm tra.
Kết quả, Bối Bối không hề có vấn đề gì về đường tiêu hóa hay thể chất, cô bé hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên, trong quá trình đợi kết quả, vợ chồng Trân Dao lại cãi nhau vì vài chuyện vụn vặt nên đã thu hút sự chú ý của bác sĩ. Sau một hồi trò chuyện riêng với Bối Bối, bác sĩ đã gọi Trân Dao và chồng vào phòng và tức giận nói: “Nếu không hợp nhau nữa thì hai người nên ly hôn đi. Anh chị có biết vì muốn bố mẹ hòa thuận, yêu thương nhau như lúc Bối Bối bị bệnh mà cô bé đã giả vờ đau bụng suốt mấy tuần nay chứ bé thực chất không có bệnh gì cả. Tôi nghĩ anh chị nên dành thời gian để nói chuyện với con thay vì đưa bé đi khám".
Nghe đến đây, vợ chồng Trân Dao sững sờ nhìn nhau vì không ngờ lý do thật sự đằng sau những cơn đau bụng giả vờ của con lại đau lòng đến thế. Họ đã quá vô tâm, họ cho rằng Bối Bối còn bé sẽ không để tâm đến những mâu thuẫn của bố mẹ. Ai ngờ, cô bé lại “hòa giải” bằng cách tự làm mình đau như thế. Sau khi trở về nhà, Trân Dao cùng chồng đã ngồi nói chuyện với nhau, cả hai quyết định sẽ hạ bớt cái tôi của mình xuống, yêu thương và sống hòa thuận với nhau. Đặc biệt, sẽ không được phép tranh luận hay cãi nhau trước mặt Bối Bối nữa.
Theo các chuyên gia tâm lý, một mối quan hệ vợ chồng hòa thuận, vui vẻ, hạnh phúc sẽ tạo ra một môi trường ấm áp tốt cho sự phát triển của trẻ em. Bởi nếu luôn sống trong những cuộc cãi vã của bố mẹ, trái tim của trẻ sẽ bị tổn thương, nhạy cảm và tính cách ngày càng khép kín, hướng nội. Tuy nhiên, bát đũa còn có lúc xô, huống chi là vợ chồng sống với nhau làm sao tránh khỏi những lúc bất đồng quan điểm. Song, để giảm bớt những tổn thương cho con, các bố mẹ cần:
1. An ủi con sau khi vợ chồng cãi vã
Nhiều bậc cha mẹ luôn cố gắng tránh không cãi nhau trước mặt con vì nghĩ rằng như thế thì con sẽ không bị tổn thương. Nhưng thật sự thì con cái đều có thể cảm nhận được cảm xúc của cha mẹ thông qua ánh mặt, biểu cảm trên gương mặt, cử chỉ hay hành động. Thậm chí, trẻ còn cảm nhận được bầu không khí ngột ngạt, mang đầy giả tạo khi bố mẹ ở cạnh nhau vờ vui vẻ. Điều này có nghĩa là mọi sự che giấu đều vô nghĩa.
Trẻ em hoàn toàn có thể cảm nhận được không khí ngột ngạt trong gia đình, cảm nhận được bố mẹ mình đang giận nhau thông qua ánh mắt, cử chỉ, biểu cảm khuôn mặt, cho nên bố mẹ không nên giấu con chuyện vợ chồng mình đang mâu thuẫn với nhau (Ảnh minh họa)
Tốt nhất, khi mâu thuẫn vợ chồng xảy ra, bạn nên nói cho con biết về chuyện đó, lý do tranh cãi là gì và bạn sẽ giải quyết nó như thế nào. Đặc biệt phải nhấn mạnh rằng xung đột của bố mẹ không liên quan đến con, và cho dù bố mẹ có cãi nhau thì trong lòng mỗi người vẫn yêu thương con tha thiết. Việc này không chỉ giúp con không nghĩ ngợi quá xa về mọi chuyện, mà còn học được cách giải quyết mối quan hệ khi có xung đột xảy ra giữa con và người khác.
2. Không lôi con cái vào mâu thuẫn vợ chồng
Có một số ông bố bà mẹ khi tức giận sẽ trút hết bực bội lên đầu con cái. Họ cho rằng tại vì trẻ mà họ phải chịu thế này thế kia. Khỏi phải nói, điều này làm tổn thương sâu sắc đến tâm lý của đứa con. Thế nên, việc đầu tiên bạn cần làm khi mâu thuẫn vợ chồng xảy ra là kiểm soát cảm xúc của mình và luôn nhớ rằng trẻ em vô tội nên không được biến trẻ thành bao cát để trút giận.
3. Khi ly hôn nên cho con cái biết
Ly hôn là bước cuối cùng khi mâu thuẫn vợ chồng không thể cứu vãn được nữa. Trong cuộc chiến này, tất cả đều là người thua cuộc, nhưng người thiệt thòi nhất, đau lòng nhất lại là những đứa con. Thế nhưng, không vì sợ con buồn mà vợ chồng bạn giấu nhẹm chuyện này, nói dối con rằng bố phải đi công tác, hay mẹ phải chuyển chỗ ở vì lý do gì đó. Bởi lời nói dối không bao giờ có thể che đậy được sự thật, và khi biết tin một cách thụ động, trẻ sẽ càng đau lòng và tổn thương nhiều hơn.
Thay vào đó, tốt nhất cha mẹ nên thú nhận với con mọi chuyện, giải thích cho con hiểu vì sao bố mẹ không ở cùng nhau được nữa. Ban đầu trẻ có thể không chấp nhận, nhưng theo thời gian, bé sẽ hiểu và thông cảm cho bố mẹ của mình.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet